Chủ tịch Quốc hội: HĐND cần chú trọng việc thẩm tra, tăng tính phản biện
VOV.VN - HĐND chú trọng hơn nữa về chất lượng công tác thẩm tra, tăng tính phản biện, là cơ sở giúp đại biểu xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp.
Sáng nay, tại tỉnh Long An đã diễn ra Hội nghị thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực miền Đông Nam Bộ lần thứ 6 và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 8 nhiệm kỳ 2016-2020 với chủ đề: “Kinh nghiệm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh”.
Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Hội nghị |
Đây là lần đầu tiên Ban Công tác đại biểu phối hợp cùng Thường trực HĐND tỉnh Long An tổ chức Hội nghị với sự tham gia của hai Khu vực trên toàn quốc để tạo được diễn đàn có số lượng địa phương tham dự lớn nhất từ trước đến nay với 24 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, thời gian qua, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố đã thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định, góp phần quan trọng vào việc duy trì và phát triển kinh tế của địa phương. Nổi bật đó là việc đổi mới các kỳ họp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát và nhiều hoạt động khác của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân. Các hoạt động đối ngoại, cũng như việc trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kỹ năng cho đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ngày càng được quan tâm.
Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh đã áp dụng một số kinh nghiệm trong hoạt động của Quốc hội vào hoạt động của Hội đồng nhân dân như việc chất vấn hỏi một phút trả lời ba phút; cách thức thảo luận, tranh luận; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phục vụ tài liệu kỳ họp Hội đồng và giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao và ghi nhận những kết quả đạt được của Hội đồng nhân dân các địa phương đã đạt được thời gian qua.
Trong thời gian tới, với nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, thiên tai, thúc đẩy khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, chuẩn bị tiến hành thành công Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 đặt ra trọng trách rất nặng nề cho chính quyền các cấp, trong đó có Hội đồng nhân dân.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các đại biểu cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương và đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân
Các đại biểu Hội đồng nhân dân cần nghiên cứu, thực hiện tốt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.
Cụ thể, theo Chủ tịch Quốc hội, trong hoạt động, cần tiếp tục bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân. Tập trung nâng cao vai trò, trách nhiệm của Thường trực, các Ban và mỗi đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Các Ban của Hội đồng nhân dân phải chú trọng hơn nữa về chất lượng công tác thẩm tra, tăng tính phản biện để giúp cho đại biểu có cơ sở quan trọng trong việc xem xét, thảo luận và quyết định các nội dung tại kỳ họp. Sau khi nghị quyết được ban hành, Thường trực và các Ban của Hội đồng nhân dân phải thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện để kịp thời phát hiện những vướng mắc. Ở Quốc hội, sau chất vấn có nghị quyết chất vấn, sau chất vấn các cơ quan của Quốc hội sẽ giám sát, tiếp tục chất vấn những vấn đề đã nêu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, các đại biểu Hội đồng nhân dân cần phải tăng cường đi thực tế cơ sở, theo dõi giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, việc xem xét, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đồng thời, dành thời gian thỏa đáng cho việc nghiên cứu các tài liệu để chuẩn bị ý kiến phát biểu có chất lượng.
Trong hoạt động giám sát chuyên đề, giải trình, Hội đồng nhân dân cần phải tập trung vào những lĩnh vực bức xúc đang được cử tri quan tâm và phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị sau giám sát của các cơ quan, đơn vị, tránh để xảy ra tình trạng các kiến nghị giám sát không được thực hiện.
Hội đồng nhân dân cần thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế của các địa phương trong năm 2020, góp phần vào việc thực hiện thành công Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của cả nước.
Theo Chủ tịch Quốc hội: "Việc liên kết vùng, sau Hội nghị đầu tiên của Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nhiệm kỳ 2016 - 2021 được tổ chức tại Bến Tre cách đây gần 4 năm (năm 2016), nhiều cơ chế, chính sách được sửa đổi, nhiều giải pháp được thực hiện, đã góp phần tạo sự liên kết trong phát triển kinh tế của Vùng thời gian vừa qua. Tại Hội nghị hôm nay, với sự kết hợp của 2 khu vực Miền Đông Nam bộ và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, tôi rất mong muốn các đại biểu HĐND tiếp tục quan tâm đến nội dung này để cùng nhau giải quyết những vấn đề trong kinh tế - xã hội đặt trong mối quan hệ tổng thể vùng, mang tính liên kết vùng, nhất là việc ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, phát triển cơ sở hạ tầng liên kết với nhau để đưa kinh tế - xã hội khu vực phía Nam phát triển bền vững hơn".
Tại Hội nghị, tỉnh Bình Dương và tỉnh An Giang đã nhận cờ đăng cai Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân khu vực miền Đông Nam bộ lần thứ 7 và Hội nghị thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh thành phố Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 9./.