Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hộị

VOV.VN -Cơ quan thẩm tra dự án luật cần quán triệt các nghị quyết của Quốc hội, bám sát các quy định của dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Chiều 9/8, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội trong các tháng cuối năm 2013 và năm 2014. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì hội nghị.  

Tại hội nghị, đại diện cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra các dự án Luật, Pháp lệnh đã báo cáo về tình hình triển khai thực hiện, kết quả đạt được, nhất là việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị các dự án để bảo đảm chất lượng và thời gian trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đối với 9 dự án Luật dự kiến trình Quốc hội thông qua và 13 dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kì họp thứ 6 vào tháng 10 năm nay; tiến độ chuẩn bị các dự án thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014; đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thành tốt chương trình xây dựng luật, pháp lệnh mà Quốc hội đã đề ra, trong đó có các giải pháp nhằm tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu.

Đến nay, các Bộ, ngành đang phối hợp với các ủy ban của Quốc hội chỉnh lý các dự án Luật để Quốc hội xem xét, thông qua tại kì họp thứ 6 là dự án Luật đất đai (sửa đổi), Luật tiếp công dân, Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua khen thưởng, Luật đấu thầu (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), Luật việc làm.

Đối với dự án Luật đất đai (sửa đổi) là vấn đề quan trọng, thu hút sự quan tâm của người dân, đại diện cơ quan thẩm tra, ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: “Ủy ban Kinh tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên Môi trường, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan để hoàn chỉnh dự án Luật”.    

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý: Sửa đổi Hiến pháp là công việc rất hệ trọng liên quan đến các ngành, các cấp, đòi hỏi phải có sự tích cực chuẩn bị, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan.

Cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra dự án luật cần quán triệt các nghị quyết của Quốc hội, bám sát các quy định của dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong quá trình xây dựng, thẩm tra các dự án luật của cơ quan mình.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan tổ chức thực hiện đúng quy trình của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để các dự án luật, pháp lệnh được trình Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, không để lặp lại tình trạng có những dự án luật đến giai đoạn cuối lại xin rút khỏi chương trình, điều chỉnh thời hạn trình dự án./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên