Có thể tạm ứng kinh phí bồi thường cho người bị oan sai?
VOV.VN - Dự luật vừa trình Quốc hội cho phép thực hiện việc tạm ứng kinh phí để chi trả một phần khoản bồi thường có thể tính được ngay cho người bị thiệt hại.
Điểm đáng lưu ý trong dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) vừa được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội ngày 27/10 là quy định đối với trường hợp người yêu cầu bồi thường có yêu cầu tạm ứng kinh phí bồi thường thì cơ quan giải quyết bồi thường có trách nhiệm thực hiện việc tạm ứng kinh phí để chi trả một phần khoản tiền bồi thường có thể tính được ngay cho người bị thiệt hại.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long |
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành việc bổ sung quy định trên, vì trong thực tiễn có những vụ việc yêu cầu bồi thường mà một số thiệt hại và mức bồi thường đã được pháp luật xác định tương đối rõ, có thể tính toán được ngay thì việc ứng trước cho người bị thiệt hại sẽ góp phần giảm bớt khó khăn trước mắt cho họ.
Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, tránh áp dụng tùy tiện thì dự thảo Luật cần quy định cụ thể trường hợp nào được tạm ứng, điều kiện được tạm ứng kinh phí bồi thường, tránh việc lạm dụng quy định này.
Bên cạnh đó, ông Định cho biết có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật quy định việc xác minh các thiệt hại theo hồ sơ và thương lượng việc bồi thường là quy trình bắt buộc trong quá trình giải quyết bồi thường, do đó việc tạm ứng kinh phí bồi thường với những thiệt hại có thể tính được mà không cần xác minh, thương lượng theo quy định ngay trong dự thảo Luật là mâu thuẫn.
Mặt khác, theo quy định của Luật ngân sách nhà nước năm 2015, việc tạm ứng ngân sách nhà nước được quy định rất hạn chế, với trình tự, thủ tục chặt chẽ và chỉ áp dụng trong một số trường hợp cụ thể. Vì vậy, loại ý kiến này đề nghị cân nhắc lại quy định để bảo đảm thống nhất giữa các quy định của dự thảo Luật cũng như thống nhất với quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) đề nghị cần phân ra làm hai loại để vận dụng linh hoạt trong bồi thường.
Theo đó, những thiệt hại không cần chứng minh hoặc chứng minh đơn giản như thiệt hại về tinh thần do giam giữ trái pháp luật thì tính ra ngày lương, khi người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường thì cơ quan chức năng xác định và giải quyết, chi trả ngay.
“Họ bị tổn thất rất nhiều, giờ chờ các cơ quan ngồi lại với nhau rồi tính đủ các loại thiệt hại khác nữa mới chi trả thì không xoa dịu được mất mát của người bị thiệt hại” – ông Giang nêu quan điểm.
Còn thiệt hại khác như về thu nhập cần chứng minh, cấp dưỡng, nuôi dưỡng..., theo đại biểu Nguyễn Trường Giang, các cơ quan sẽ cùng người bị thiệt hại thoả thuận, xác nhận.
“Nếu làm được như vậy thì không cần thiết kế chế định tạm ứng kinh phí bồi thường, vì xác định được khoản cứng thì chi trả ngay” – vị đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh.
Người gây thiệt hại trong mọi trường hợp đều phải hoàn trả
Liên quan đến quy định trách nhiệm hoàn trả, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng người thi hành công vụ gây thiệt trong mọi trường hợp đều phải hoàn trả.
Theo đó, dự luật quy định cụ thể việc xác định mức hoàn trả căn cứ vào lỗi, mức độ lỗi, số tiền Nhà nước đã bồi thường. Đặc biệt, dự thảo Luật đã quy định tăng mức hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại; bổ sung quy định về các trường hợp được xét giảm mức hoàn trả, trách nhiệm thu tiền hoàn trả trong một số trường hợp cụ thể...
"Quy định về trách nhiệm hoàn trả nhằm nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ, bảo đảm tính răn đe nhưng cũng không làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của bộ máy nhà nước, hoàn trả lại một phần kinh phí mà Nhà nước đã bồi thường" - Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định |
Bày tỏ tán thành với quy định theo hướng tăng trách nhiệm hoàn trả, trách nhiệm kỷ luật đối với người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân, tuy nhiên, Uỷ ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu, cân nhắc quy định hợp lý về mức hoàn trả cụ thể để một mặt bảo đảm tính răn đe, tăng cường trách nhiệm của người thực thi công vụ, mặt khác không tạo tâm lý e ngại của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước nói chung, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói riêng.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, có ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc không nên quy định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ trong trường hợp họ không có lỗi./.
“Ông Nén đi tù 17 năm, sao đủ giấy tờ để chứng minh thiệt hại?“