Công chức, viên chức không phải nộp bảo hiểm thất nghiệp?
(VOV) -Các đối tượng này đang nộp bảo hiểm xã hội mà trong đó đã bao gồm một số nội dung của bảo hiểm thất nghiệp.
Trong thảo luận về dự thảo Luật Việc làm, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Hiện nay có khoảng 67% lực lượng lao động không có quan hệ lao động. Do vậy, cần có những biện pháp để thu hút lao động thuộc nhóm này tham gia loại hình bảo hiểm thất nghiệp nhằm tăng tính bền vững cho việc làm của họ trong điều kiện thị trường lao động đang phát triển.
Chồng chéo các loại bảo hiểm
Theo phân tích của đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định), với quy định của Luật bảo hiểm xã hội hiện hành và dự thảo của luật này thì ngoài các đối tượng là người lao động, các doanh nghiệp, tất cả các đối tượng là viên chức trong các cơ quan, đơn vị như giáo dục, y tế, đơn vị sự nghiệp công, đơn vị công ích thì người lao động theo chế độ Hợp đồng 68 trong các cơ quan Nhà nước đều phải đóng bảo hiểm thất nghiệp. Thực tế, các đối tượng này đã và đang thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội. Như vậy, cùng một lúc, cùng một đối tượng, cùng một người lao động phải đồng thời nộp hai loại bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm bắt buộc.
Tuy nhiên, theo giải thích của Ban soạn thảo thì hai loại bảo hiểm này có mục tiêu và nhiệm vụ khác nhau. Nhưng đại biểu Vũ Xuân Trường cho rằng, chế độ bảo hiểm xã hội trong đó đã bao gồm một số nội dung của bảo hiểm thất nghiệp như chế độ thôi việc, chế độ về hưu trước tuổi rồi chế độ hưu trí... theo Luật viên chức và Luật Bảo hiểm xã hội. Dự thảo Luật việc làm quy định bắt buộc một lực lượng lớn các viên chức và người lao động phải nộp bảo hiểm thất nghiệp mà họ lại không bao giờ được hưởng một chế độ gì từ quỹ bảo hiểm mà họ phải đóng. Đây là một điều bất hợp lý, vừa chồng chéo và có thể tốn kém cho người lao động, người sử dụng lao động và đồng thời cả ngân sách Nhà nước.
Để khắc phục tình trạng này, đại biểu Vũ Xuân Trường đề nghị trong dự thảo nên đề ra hai phương án: Nếu bắt buộc đối tượng này phải nộp bảo hiểm thất nghiệp thì đến khi người ta về hưu phải được hưởng một phần trong bảo hiểm thất nghiệp vì họ đã đóng cả cuộc đời, hoặc không thì không bắt buộc họ phải nộp quỹ này.
Cũng về nội dung này, để tránh chồng chéo, đại biểu Nguyễn Trung Thu (đoàn Long An) cho rằng, các quy định về bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Bảo hiểm xã hội cần được chuyển về Dự án Luật Việc làm. Trong tương lai, Luật Bảo hiểm xã hội chỉ nên tập trung vào chính sách bảo hiểm hưu trí.
Cân đối Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Theo đánh giá của đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp), qua 4 năm thực hiện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn hạn chế trong việc thực hiện đúng chức năng, vai trò và chính sách bảo đảm về việc làm toàn diện cho người lao động. Các quy định pháp luật hiện hành về bảo hiểm thất nghiệp mới chỉ dừng ở việc hỗ trợ cho người lao động sau khi bị mất việc làm, giải quyết hậu quả thất nghiệp mà chưa có một chính sách duy trì việc làm ngăn ngừa hay hạn chế thất nghiệp.
Chính vì vậy, theo ý kiến nhiều đại biểu, việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là cần thiết và là bước đột phá. Vì hiện nay có khoảng 67% lực lượng lao động không có quan hệ lao động. Do vậy, cần có những biện pháp để thu hút lao động thuộc nhóm này tham gia loại hình bảo hiểm thất nghiệp nhằm tăng tính bền vững cho việc làm của họ trong điều kiện thị trường lao động đang phát triển.
Thống nhất với các ý kiến cho rằng phải hình thành quỹ bảo hiểm thất nghiệp, đại biểu Ly Kiều Vân (đoàn Quảng Trị) bổ sung: Quỹ bảo hiểm thất nghiệp phải thật sự thúc đẩy chính sách việc làm. Việc quản lý quỹ bảo hiểm thất nghiệp được cần phải được quy định rõ trong luật nhằm đảm bảo thống nhất với các quỹ khác được quy định tại một số luật liên quan khác. “Trong dự thảo lần này cần quy định giao cho Bộ Lao động thương binh và xã hội trực tiếp quản lý quỹ này” – đại biểu Kiều Vân nói.
Tuy nhiên, đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) lại bày tỏ băn khoăn về việc chuyển một nội dung từ Luật Bảo hiểm xã hội sang Luật Việc làm. Mặc dù trong luật có quy định là quỹ bảo hiểm xã hội do bảo hiểm xã hội chi trả, còn quỹ bảo hiểm thất nghiệp do ngành lao động, thương binh xã hội lập thủ tục xét duyệt và ngành bảo hiểm xã hội chi trả. “Riêng vấn đề này, qua phản ảnh của các cơ quan bảo hiểm cũng như người lao động, cũng còn nhiều bất hợp lý. Nên chăng tập trung vào một cơ quan, vừa làm chế độ xét duyệt, xử lý hồ sơ, vừa làm chế độ chi trả thì chặt chẽ hơn, tránh sơ hở, lợi dụng làm thất thoát quỹ”, đại biểu Vũ Xuân Trường đưa ra ý kiến.
Băn khoăn về việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ liên quan đến quỹ bảo hiểm, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) cho rằng: “Mở rộng đối tượng cùng với việc bổ sung chế độ hỗ trợ cho người lao động trong thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp để duy trì việc làm cũng như điều chỉnh về điều kiện hỗ trợ, đào tạo, tư vấn… thì bài toán về quỹ bảo hiểm thất nghiệp cũng cần được xem xét kỹ nhằm cân đối thu chi trong điều kiện kinh phí hỗ trợ của ngân sách nhà nước giảm đi”.
Ngoài ra, đối với gần 66% lao động không có quan hệ lao động thì các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chưa có đủ nhân lực và công cụ để quản lý và kiểm soát được thu nhập và việc làm. Vì vậy, việc thiết kế chính sách bảo hiểm thất nghiệp với nhóm đối tượng này là điều khó khả thi. Theo đại biểu Lê Thị Yến, chỉ nên mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp như đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đối với người lao động không có quan hệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện không nên quy định trong luật mà giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu thí điểm thực hiện, khi có đủ điều kiện mới đưa vào quy định trong luật.
Cùng chung băn khoăn này, đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (đoàn Thái Bình) đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc thêm vì hiện chưa rõ quy định này như thế nào, trong khi ta quy định khung thì người lao động sẽ thấp thỏm chờ đợi./.