Công tác bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND được chuẩn bị như thế nào?
VOV.VN - Một trong những việc lớn có ý nghĩa là đã tiến hành 3 vòng hiệp thương để xác định cơ cấu, thành phần và những người được giới thiệu ứng cử ĐBQH….
“9 công việc lớn chúng ta đã triển khai xong trong thời gian qua. Còn ít ngày nữa là đến ngày bầu cử, các địa phương đang rà soát lại việc chuẩn bị. Các tổ bầu cử, ban bầu cử đã sẵn sàng cho ngày bầu cử 22/5”- ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia khẳng định trong trả lời báo chí về công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
PV: Trên cương vị là Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia, Chủ tịch cho biết tiến độ và khối lượng công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội tính đến hôm nay?
Ông Nguyễn Thiện Nhân: Chúng ta biết rằng theo quy định của Luật bầu cử ĐBQH và HĐND để tiến tới bầu cử là quá trình rất dài. Nhìn lại quá trình vừa qua một cách tổng quát tất cả những nội dung công việc thực hiện theo Luật bầu cử ĐBQH, HĐND và kế hoạch bầu cử do Hội đồng bầu cử quốc gia thông qua cơ bản hoàn thành đúng tiến độ. Có thể nói 9 công việc lớn sau đây đã được triển khai.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia |
Thứ hai là đảm bảo kinh phí cho công tác bầu cử, chúng ta đã quyết định cấp kinh phí từ Trung ương cho các địa phương đối với công tác bầu cử.
Nội dung thứ ba rất có ý nghĩa là tiến hành 3 vòng hiệp thương để xác định cơ cấu các đại biểu Quốc hội cần bầu, sau đó xác định cơ cấu thành phần những người được giới thiệu ứng cử ĐBQH mà đáp ứng tiêu chuẩn ĐBQH để công bố danh sách này trên cơ sở đó các địa phương sẽ tổ chức cho tiếp xúc cử tri.
Nội dung thứ 4 đã làm là xác định các đơn vị bầu cử ở các địa phương, số lượng ĐBQH, đại biểu HĐND bầu ở mỗi đơn vị bầu cử và hình thành các Ban các tổ bầu cử ở các địa phương và niêm yết danh sách các ứng cử viên ĐBQH và HĐND.
Hoạt động thứ 5 chúng ta đã làm đó là tổ chức cho các ứng cử viên tiếp xúc với cử tri ở tất cả tỉnh thành phố trong cả nước với tinh thần tất cả các ứng cử viên gặp đại diện cử tri của tất cả các phường xã trong cả nước trong khu vực bầu cử của mình.
Hoạt động thứ 6 là chúng ta có đợt giám sát của Hội đồng bầu cử quốc gia và 3 đợt giám sát của MTTQ Việt Nam tại tất cả 63 tỉnh thành để đánh giá tiến độ triển khai thực hiện công tác bầu cử trong các giai đoạn.
Hoạt động thứ 7 là triển khai công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ mục đích yêu cầu của đợt bầu cử lần này và trách nhiệm của công dân đối với việc tham gia cho công tác bầu cử.
Hoạt động thứ 8 đó là chính quyền địa phương và các đoàn thể phối hợp đảm bảo trật tự trị an cho trước và trong ngày bầu cử
Hoạt động thứ 9 là tiếp nhận những kiến nghị khiếu nại tố cáo của nhân dân liên quan đến các ứng cử viên và quá trình vận động liên quan đến bầu cử.
Như vậy 9 công việc lớn chúng ta đã triển khai xong trong thời gian qua. Còn ít ngày nữa là đến ngày bầu cử, các địa phương đang rà soát lại việc chuẩn bị. Lực lượng của các tổ bầu cử, ban bầu cử đã sẵn sàng cho ngày bầu cử 22/5.
PV: Sau 3 vòng hiệp thương bầu cử, những vấn đề nổi lên đã được Hội đồng bầu cử quốc gia quan tâm xử lý như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Thiện Nhân: Vòng hiệp thương thứ 3 mục đích là chúng ta thống nhất được danh sách ứng cử viên ĐBQH và HĐND các cấp và công bố danh sách này. Sau khi công bố, bước tiếp theo là phải chuẩn bị cho các ứng cử viên tiếp xúc cử tri. Việc này hết sức quan trọng, quyết định chất lượng của bầu cử. Vừa qua HĐBC quốc gia, MTTQ Việt Nam đã hướng dẫn cơ sở triển khai công việc này. Đến nay cơ bản đã kết thúc và các ứng cử viên đã hoàn thành việc tiếp xúc cử tri tại 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Việc thứ hai là chúng ta kiểm tra lại việc niêm yết danh sách các cử tri vì các cử tri họ có thể chọn nơi bầu khác nhau. Cử tri như khách du lịch hay kiều bào về nước, nếu họ đến vào ngày bầu cử họ phải nắm thông tin để chọn nơi tham gia bầu cử.
Hoạt động thứ 3 do điều kiện công tác của các chiến sĩ nơi hải đảo, một số cơ quan đặc biệt phải bầu cử sớm. Trong thời gian vừa qua, sau hiệp thương lần thứ 3, theo đề nghị của địa phương, Hội đồng bầu cử quốc gia quyết định chấp thuận bầu cử sớm.
Và cuối cùng là phải tăng cường công tác truyền thông để đảm bảo nhân dân tham gia cao nhất cho đợt bầu cử tới.
PV: Thưa ông, MTTQ Việt Nam đã phát huy vai trò như thế nào trong quá trình tổ chức các hội nghị gặp gỡ tiếp xúc cử tri cho những người ửng cử ĐBQH?
Ông Nguyễn Thiện Nhân: Theo luật định chỉ đạo hoạt động bầu cử là Hội đồng bầu cử quốc gia, ở các địa phương là các Ủy ban bầu cử. Trong hoạt động của của Ủy ban này thì MTTQ được giao hai nhiệm vụ, chịu trách nhiệm trực tiếp đó là tổ chức 3 lần hiệp thương và tổ chức chủ trì các cuộc tiếp xúc của ứng cử viên với cử tri.
MTTQ các cấp thấy rõ trách nhiệm của mình, cho nên vừa qua rất nỗ lực cùng với chỉ đạo của Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trong vòng 2 tuần, MTTQ 63 tỉnh, thành đã tổ chức cho các ứng cử viên tiếp xúc cử tri với tinh thần đảm bảo công khai dân chủ và bình đẳng giữa các ứng cử viên, thảo luận kỹ với Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban bầu cử địa phương để có đại diện của tất cả các phường, xã được tiếp xúc với ứng cử viên. Yêu cầu tiếp xúc đầy đủ rộng rãi với cử tri của các ứng cử viên là hết sức quan trọng. Thứ nữa là công bằng, mỗi ứng cử viên được quyền trình bày chương trình hành động của mình với thời gian như nhau và được quyền phát biểu ý kiến khi người dân hỏi. Bên cạnh đó trình bày chương trình hành động của mình trên đài truyền hình, đài phát thanh các địa phương đảm bảo thời gian dung lượng như nhau.
Việc cuối cùng trong tiếp xúc cử tri, cử tri có kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến trách nhiệm ĐBQH và Quốc hội khóa tới thì phải tập hợp đầy đủ những ý kiến này để phản ánh cho UBTVQuốc hội, sau khi đã có Quốc hội mới để tiếp tục xử lý những kiến nghị của cử tri.
Thực tiễn qua theo dõi giám sát, hoạt động này được tiến hành tốt. Tuy nhiên việc điều hành các buổi tiếp xúc vẫn còn những sự khác nhau ở một số nơi. Chúng tôi rút ra kinh nghiệm để kiến nghị, sắp tới hướng dẫn bầu cử sẽ chi tiết hơn nữa để việc hướng dẫn điều hành thống nhất trong cả nước đảm bảo dân chủ, khoa học.
PV: Xin cảm ơn ông./.