“Cứ cấp này xin ý kiến cấp kia dẫn đến cồng kềnh, né trách nhiệm“
VOV.VN - Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt vấn đề: Một việc mà cả 4 cấp đều làm, chồng chéo thì ai là người chịu trách nhiệm chính?
Báo cáo kết quả giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016 vừa được trình Quốc hội thảo luận cả ngày làm việc 30/10.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Kỳ họp, đề cập vấn đề phân cấp, phân quyền, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP HCM) cho rằng, có những quyền của Thủ tướng thì người đứng đầu Chính phủ đã mạnh dạn phân cấp cho địa phương, nhưng thẩm quyền của một số Bộ ngành lại không mạnh dạn và không quan tâm đến việc phân cấp, phân quyền.
“Không thể để các Bộ, ngành kéo dài việc đó được mà Quốc hội phải trong thẩm quyền của mình cũng như yêu cầu của cử tri phải giám sát, và đã rõ rồi thì Quốc hội phải quyết định. Tôi cho rằng đây là cơ hội để Quốc hội quyết định trong nghị quyết của mình” – đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm |
Cũng theo nữ đại biểu, chúng ta nói đến giảm biên chế, hội họp nhiều gây lãng phí về thời gian, kinh phí, quyết định vấn đề chậm nhưng chưa phân tích sâu, chưa “điểm huyệt” đúng tình trạng này.
“Chậm xử lý, hội họp nhiều là tổ chức còn dàn trải đều từ Trung ương đến phường, xã. Một việc mà cả 4 cấp đều làm, nhiệm vụ chức năng chồng chéo nhau thì đương nhiên phải họp. Cấp này lại phải xin ý kiến cấp kia, cấp kia lại xin ý kiến cấp nọ, không biết bao giờ trả lời nên thiệt thòi trước hết là người dân và doanh nghiệp. Điều đó dẫn đến cồng kềnh, đẻ ra “chạy”, né tránh trách nhiệm vì quá nhiều người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm thì lấy ai là người chịu trách nhiệm chính?” – đại biểu phân tích.
Cho rằng câu chuyện một việc, một cấp, một người đứng đầu chịu trách nhiệm được nói nhiều rồi nhưng giám sát chưa chỉ ra cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt vấn đề: Vậy trách nhiệm của ai? Vì sao để kéo dài như vậy? Còn kéo dài nữa không sau khi nghị quyết về giám sát của Quốc hội ra đời?
“Nói và làm phải đi đôi với nhau thì người dân mới đỡ khổ. Những vấn đề khó thì cấp phải chịu trách nhiệm chính lại né tránh dựa vào lỗ hổng của pháp luật, dựa vào sự chồng chéo và cào bằng về trách nhiệm, nên hỏi cấp trên, cấp trên lại hỏi cấp trên nữa, cuối cùng người dân phải dài cổ chờ đợi” – nữ đại biểu thẳng thắn chỉ rõ và chính việc quy định chưa hoàn thiện nên ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân.
Về cấp chính quyền ở phường, xã, thị trấn, theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phải đánh giá đúng vai trò. Đây là cấp chính quyền sát dân nhất nên cần xác định chức năng nhiệm vụ cho đúng đắn, từ đó biên chế thế nào cho đủ để làm việc.
Ngoài ra, vị đại biểu này cũng nhấn mạnh thu nhập phải được quan tâm thì người ta mới toàn tâm toàn ý làm việc được. Mức lương hiện nay thực sự quá thấp, do đó cần có cơ chế khoán kinh phí một cách chủ động cho chính quyền địa phương, tự họ sẽ quyết định lương cán bộ phù hợp với lao động, chức năng được giao. Như vậy, công vụ của cán bộ công chức đi song hành với chế độ mà họ được thụ hưởng.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, thời gian qua phân biên chế có tính cào bằng, không phân định được tính chất của từng địa phương như về số dân, địa vị chính trị, kinh tế, số lượng công vụ mà bộ máy ở đó phải đáp ứng.
“TPHCM có trên dưới 10 triệu dân, lượng công vụ ở đó gấp bao nhiêu lần địa phương khác, vậy thì tổ chức bộ máy phải tương thích với nhiệm vụ đó. Nói như vậy không có nghĩa là TPHCM đã làm tốt hết, chúng tôi vẫn tính toán sắp xếp lại, tinh giản, nhưng vẫn cần có chính sách thu hút người có khả năng phục vụ trong bộ máy” – nữ đại biểu đoàn TPHCM nhấn mạnh./.
Đề xuất nghiên cứu hợp nhất một số Bộ
Ông Hoàng Trung Hải: Không vì người này mà loại người kia khỏi biên chế