Cử tri cả nước đã sẵn sàng cho ngày bầu cử
VOV.VN - Cử tri cả nước đã được tuyên truyền để nhận thức rõ quyền lợi lá phiếu của mình, để cân nhắc lựa chọn những đại biểu xứng đáng
Thời điểm này, cử tri ở nhiều địa phương trong cả nước đang hướng về ngày hội lớn của đất nước – ngày bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Nhận thức rõ quyền lợi lá phiếu của mình, cử tri sẽ cân nhắc chọn ra những đại biểu xứng đáng.
Cử tri Bình Thuận sẽ chọn người biết lo cho dân
Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử tại Bình Thuận đã hoàn tất. Hơn 933.000 cử tri trong tỉnh đang mong chờ đến ngày đi bỏ phiếu.
Cử tri Bình Thuận cho biết sẽ bỏ phiếu cho người sâu sát với thực tế địa phương. |
Ông Võ Minh Triều, cử tri ở xã Phong Nẫm, thành phố Phan Thiết mong muốn được Nhà nước đầu tư mạnh hơn về thủy lợi để bà con có nguồn nước phát triển sản xuất. Bình Thuận là tỉnh cực Nam Trung bộ liên tục khô hạn, thiếu nước trầm trọng. Bên cạnh đó giúp bà con tìm đầu ra cho cây thanh long để bà con yên tâm sản xuất.
Ông Võ Đức Khai, cử tri phường Phú Tài, thành phố Phan Thiết cho rằng, ngoài tinh thần đấu tranh chống nội xâm là “vấn nạn tham nhũng”, người đại diện cho dân phải có lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần độc lập dân tộc. Nếu được bầu, đại biểu đó cần có tiếng nói mạnh mẽ trước Quốc hội, giúp cơ quan quyền lực tối cao đưa ra các quyết sách đúng đắn về bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Một Hội nghị tiếp xúc cử tri của các ứng viên đại biểu Quốc hội |
Đắk Nông đảm bảo quyền và nghĩa vụ đi bầu cử cho dân di cư
Ngoài đặc điểm chung là địa bàn rộng, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, dân cư phân bố không tập trung thì các tỉnh Tây Nguyên còn có một điểm chung là hầu hết tỉnh nào cũng có một lượng dân di cư ngoài kế hoạch, sinh sống tại những khu vực xa xôi hẻo lánh. Tại tỉnh Đắk Nông, vấn đề đảm bảo quyền và nghĩa vụ cho số dân di cư này cũng đã được địa phương quan tâm triển khai.
Trên khu vực lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3, tại xã Đắk Som, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắc Nông, những năm gần đây đã hình thành những nhóm hộ sinh sống biệt lập trong rừng sâu, ven đảo vắng, cách trung tâm xã từ 15 đến 20km. Tuy là nơi xa xôi hẻo lánh và lênh đênh trên mặt nước, nhưng những ngày này, không khí đón chờ ngày bầu cử ở những xóm nhỏ trên lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3 cũng đã rộn ràng.
Ông Ka Tang, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đắk Som, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông cho biết đã phân công các thành viên Ủy ban Bầu cử xuống tuyên truyền cho 42 hộ dân đang sinh sống ở khu vực lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3 để bà con hiểu và thực hiện tốt quyền lợi bầu cử của mình.
Cử tri Nguyễn Thị Ba, cụm dân cư Lòng Hồ, xã Đắk Som đánh giá cao việc cán bộ xã đi ghe thuyền đến tận nơi bà con sinh sống để tuyên truyền quyền và nghĩa vụ bầu cử của mình cũng như chuẩn bị tốt cho người dân thực hiện bầu cử, khiến các cử tri phấn khởi hơn chờ đón ngày hội lớn.
Cử tri Hà Văn Sơn, cũng ở cụm dân cư Lòng Hồ, xã Đắk Som tin tưởng và đặt nhiều kì vọng vào cuộc bầu cử lần này. Cử tri Hà Văn Sơn bày tỏ: “Cử tri chúng tôi đang rất háo hức chờ đón đến ngày bầu cử. Chúng tôi mong muốn đợt bầu cử lần này sẽ lựa chọn được những đại biểu thực sự đại diện cho mình và các đại biểu đó thực sự là của dân, đem lại quyền lợi cho dân”.
Trong đợt bầu cử lần này, toàn huyện Đắk G’long có 59 đơn vị bầu cử và 60 điểm bỏ phiếu. Theo danh sách đã được niêm yết tại trung tâm các xã và khu vực bỏ phiếu, toàn huyện Đắk G’long có hơn 30.800 cử tri tham gia bầu cử. Tuy nhiên với đặc thù là địa phương có đông dân di cư mới đến, Đắk G’long chú trọng hơn việc rà soát, bổ sung, đảm bảo 24 giờ trước giờ bỏ phiếu, mọi công dân của huyện đủ 18 tuổi trở lên đều được tham gia bầu cử.
Sơn La: Cử tri ở xa trung tâm được bố trí hòm phiếu lưu động
Tỉnh Sơn La đã thành lập 217 Ủy ban bầu cử, 1.404 ban bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đến ngày hôm nay, tại 1.951 khu vực bỏ phiếu trong toàn tỉnh Sơn La đã hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng cho ngày bầu cử. Công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân về bầu cử và thông báo cho cử tri biết về ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu vẫn được thực hiện thường xuyên, liên tục, đa dạng bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc Thái, Mông, Dao. Công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường chỉ đạo và triển khai thực hiện. Đặc biệt tỉnh chú trọng công tác bầu cử ở các điểm bỏ phiếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, vùng đồng bào dân tộc.
Ông Lưu Minh Quân, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Sơn La cho biết: Tỉnh có 133 bản cách xa trung tâm, cử tri đi bỏ phiếu sẽ rất khó khăn. Để khắc phục, tỉnh bố trí các hòm phiếu lưu động, thông báo cho nhân dân tập trung ở 1 điểm, ban bầu cử sẽ mang hòm phiếu đến để cử tri thực hiện quyền của mình./.