Cử tri nhận xét về phiên chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát
VOV.VN-Nhiều cử tri bày tỏ Quốc hội sẽ có giải pháp để giải quyết những vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn một cách hiệu quả hơn.
Chiều 19/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã đăng đàn trả lời phiên chất vấn đầu tiên tại kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa XIII.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát (Ảnh: ANTĐ) |
Cử tri Phan Văn Ba, quận Đống đa, Hà Nội đánh giá cao những vấn đề Bộ trưởng Cao Đức Phát tập trung trả lời liên quan đến việc tổ chức thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng đến việc chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp, chuyển đổi giống cây trồng gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo, tạm trữ cà phê.
Cùng với đó là trách nhiệm trong việc chậm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về vật tư nông nghiệp công tác phối hợp quản lý chất lượng, giá cả nông sản và ngăn chặn việc sản xuất, nhập khẩu, tiêu thụ các loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng.
Tuy nhiên, đời sống của người dân làm nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, nông dân luôn phải gánh chịu hậu quả nặng nề do thiên tai, bão lũ. Vì vậy Bộ trưởng cần đưa ra được những biện pháp cụ thể hơn, tránh tình trạng trả lời chung chung.
Cử tri Phan Văn Ba bày tỏ mong muốn: “Vừa qua nông nghiệp làm được nhiều vấn đề lớn cho đất nước, như nông thôn mới. Nhưng làm thế nào cơ khí đưa vào thì lực lượng lao động dôi ra. Vậy thì trong lao động của nông nghiệp, cố gắng làm thế nào để dạy nghề cho những lực lượng lao động dôi ra. Để họ có thể có công ăn việc làm thích hợp. Vì bây giờ mình đưa máy móc thiết bị vào thì thời gian lao động dôi ra, như thế phải sử dụng lao động đó như thế nào để ích quốc, lợi dân”.
Đã nhiều lần theo dõi các phiên chất vấn tại diễn đàn Quốc hội, cử tri Võ Trọng Hốt, quận Ba Đình, Hà Nội cho rằng dù đã thể hiện được trách nhiệm đối với ngành mình phụ trách nhưng với thực trạng hiện nay của ngành nông nghiệp như “được mùa mất giá”, thiếu giống cây trồng chất lượng cao phương thức tổ chức sản xuất vẫn còn manh mún, hoạt động của các nông, lâm trường còn kém hiệu quả thì tái cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục gặp khó khăn. Vì vậy cử tri Võ Trọng Hốt đề nghị, Bộ trưởng cần đưa ra được chính sách ưu đãi thúc đẩy sản xuất và chế biến nông sản nội địa.
Cử tri Võ Trọng Hốt nói: “Bộ Trưởng trả lời chưa thỏa mãn được với sự phát triển của đất nước theo đường lối công nghiệp hóa như đảng và nhà nước đã nói. Tôi thấy đáng nhẽ trong chủ trương phải nói làm thế nào nâng cao giá trị của công nghiệp trong nông nghiệp, như Việt Nam hiện nay còn 62,7% dân số làm nông nghiệp, vấn đề làm thế nào giảm số này xuống, càng thấp càng tốt. Muốn vậy phải có công nghiệp hóa trong nông nghiệp, trong biện pháp không thấy nói".
** Qua theo dõi chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Cao Đức Phát, ông Hà Hồng Lên, cử tri Phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La cho rằng, những vấn đề mà các đại biểu nêu ra để chất vấn đều là những vấn đề nổi cộm liên quan trực tiếp đến đời sống của người nông dân. Điều này chứng tỏ các đại biểu Quốc hội sâu sát với đời sống của người dân.Theo ông Hà Hồng Lên, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng vẫn còn hơi dài và chưa nêu rõ trách nhiệm của Bộ trưởng. Vấn đề giá cà phê giảm thì không chỉ ở Tây Nguyên, mà với Tây Bắc cũng vậy. Cụ thể như ở tỉnh Sơn La, giá cà phê 2 – 3 năm nay rất thấp, khiến đời sống của người trồng cà phê gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí một số người nông dân còn băn khoăn là tiếp tục duy trì hay chặt đi để chuyển đổi sang cây trồng khác.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, Bộ mới đang xây dựng chính sách hỗ trợ, ngăn chặn suy giảm giá. Như vậy, các chính sách phù hợp có vẻ như đi quá chậm so với thực tiễn của cuộc sống.
Nhờ sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, đời sống của người dân ở tỉnh miền núi Sơn La đến nay đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, đời sống của người dân vẫn còn không ít khó khăn.
Ông Thào A Mua, dân tộc Mông, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La mong muốn: “Một nguyên nhân dẫn đến đói nghèo là do trình độ nhận thức. Khi người ta không có kiến thức thì không làm được gì cả. Thế nên chúng tôi mong muốn được tham gia nhiều lớp tập huấn hơn. Mặc dù lâu nay bà con vẫn trồng lúa đấy, nhưng cách làm như thế nào cho hiệu quả, làm đúng thời vụ… thì bà con vẫn phải học, phải biết. Ngoài ra còn nhiều vấn đề khác như chăm sóc chè, thu hái chè… Những cái đó nếu bà con được trang bị thêm kiến thức thì sẽ mở mang tầm nhìn, qua đó đời sống sẽ nâng lên”.
** Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn được phát thanh và truyền hình trực tiếp đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri tỉnh Yên Bái. Phần đông cử tri đánh giá cao phần hỏi của các vị đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, nhiều cử tri mong muốn những vấn đề về nông nghiệp của miền núi, vùng cao sẽ được đề cập cụ thể hơn nữa trong phần chất vấn và trả lời chất vấn.
Cử tri Hoàng Thị Tình, một cán bộ hưu trí ở thành phố Yên Bái đề xuất, các vấn đề về nông nghiệp ở miền núi, vùng cao như: trồng cây gì cho năng suất cao, chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp theo hướng nào, việc xóa đói giảm nghèo bền vững cho người nông dân vùng cao, vùng dân tộc... cần được đề cập rõ hơn, nhiều hơn trong thời gian tới. Riêng về vấn đề thuốc bảo vệ thực vật, mong rằng sẽ có những giải pháp thật cụ thể.
** Theo dõi buổi chất vấn tại diễn đàn Quốc hội, cử tri K'Bi, ở xã Đắc Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông cho rằng Bộ trưởng cũng đã giải thích được cho nhân dân. Vì vậy, đề nghị với Chính phủ điều hành làm sao để các nhà khoa học, doanh nghiệp phối hợp nghiên cứu loại cây trồng vật nuôi phù hợp mỗi địa phương, đảm bảo thu nhập cho nông dân; đề nghị xem xét chính sách về vốn để người dân đủ tiền đầu tư phát triển.
Liên quan đến việc tái sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với cây cà phê, cử tri Quách Anh Tuấn, ở Thị xã Gia Nghĩa, nêu ý kiến: "Vấn đề chuyển đổi cà phê theo chủ trương của Nhà nước nhưng bây giờ giống ghép đó lấy ở đâu, rồi trong quá trình để chờ có thu hoạch thì lấy nguồn sống ở đâu? Ở đây đa số nông dân chỉ nhìn vào cây cà phê, mà giá cả cà phê hiện nay chỉ có 30.000, thậm chí cách đây vài hôm xuống còn có 28.000/1 kg. Nếu vẫn giữ cái giá đó thì người nông dân không có lợi nhuận.
Cử tri Quách Anh Tuấn đề nghị Chính phủ, các cơ quan chức năng sớm có biện pháp hỗ trợ tạm mua cà phê cho bà con Tây Nguyên, để bảo đảm cho nông dân ổn định cuộc sống cũng như ổn định sản xuất về lâu dài.
Tuy nhiên, nhiều cử tri mong muốn Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cần tác động mạnh hơn nữa vấn đề cho nông dân vay vốn, chuyển giao giống cây trồng vật nuôi hiệu quả. Đặc biệt là vấn đề phối hợp với các Bộ ngành liên quan giải quyết vấn đề lũ lụt, ngập úng, triều cường ảnh hưởng đến việc đời sống và sản xuất của nông dân.
Ông Võ Hoàng Vũ, nông dân huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai kiến nghị: “Qua phần trả lời với Bộ trưởng, tôi thấy là chương trình phát triển nông thôn mới cũng mang lại nhiều kết quả cho người nông dân. Nhưng Bộ trưởng cần chú ý về tạo điều kiện cho nông dân vay vốn phát triển cây trồng vật nuôi, chuyển giao công nghệ, quy trình sản xuất. Việc triều cường và xã tràn gây ngập úng như vừa qua gây thiệt hại cho người nông dân nhiều lắm, vì gần đến thu hoạch thì ngập úng. Điều này làm cho bà con hết sức búc xúc".
Còn Ông Huỳnh Nguyễn Hồ Lê, cử huyện Cần Giờ, TP HCM kiến nghị với Bộ trưởng Cao Đức Phát về vấn đề nuôi trồng và mong muốn Bộ có chính sách hỗ trợ cho bà con Cần Giờ về kỹ thuật và vay vốn sản xuất.
"Mùa nước nổi vừa qua thì ngập rất cao làm bể luôn cả bờ bao, ảnh hưởng đến việc nuôi tôm, nuôi cá của bà con. Hiện khu vực này đang nạo vét và khai thác tuyến sông Lòng Tàu, Soài Rạp làm xảy ra nhiều vụ sập nhà ở xã Bình Khánh. Vì vậy, các cấp cần có phối hợp nghiên cứu để khai thác các tuyến sông này, đừng để sập nhà và làm bể bờ bao ảnh hưởng đến đời sống và nuôi trồng của bà con", ông Lê nói./.