'Cử tri sẽ không quên những lời tuyên thệ của Lãnh đạo Nhà nước'
VOV.VN - “Lời tuyên thệ của nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Nhà nước ở mức độ cao hơn rất nhiều so với những người dân bình thường”.
Đại biểu Lê Nam – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá nhấn mạnh điều này khi trả lời phóng viên bên hành lang Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Lê Nam
Tỷ lệ phiếu thể hiện dân chủ trong công tác nhân sự
PV: Ông đánh giá như thế nào về kết quả Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIII?
Đại biểu Lê Nam: Kỳ họp 11 đã hoàn thành toàn bộ chương trình nội dung đề ra. Chủ tịch Quốc hội mới đã điều hành tròn vai, rất tốt. Mặc dù là kỳ họp cuối, nhưng các nội dung thảo luận về kinh tế - xã hội, đặc biệt là tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước và các cơ quan tư pháp đã được chuẩn bị rất kỹ.
Các tiếng nói đóng góp chất lượng của các phiên họp đánh giá tổng kết nhiệm kỳ rất sôi nổi. Cử tri cũng rất hoan nghênh khi các ĐBQH nói những điều gan ruột, trọng đại của đất nước như về kinh tế, xây dựng Nhà nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia, đấu tranh phòng chống tham nhũng. ĐBQH đã nói được những tâm tư, bức xúc, mong đợi của cử tri gửi gắm cho nhiệm kỳ sau.
Nhiệm kỳ này đã hoàn thành được chương trình kiện toàn bộ máy Nhà nước. Phần lớn nhân sự được Đảng giới thiệu đều được Quốc hội đồng thuận cao.
Tất nhiên chúng ta cũng thấy, có những đồng chí phiếu rất cao, nhưng cũng có những đồng chí phiếu không cao lắm. Điều đó cho ta thấy tính dân chủ trong việc xem xét công tác nhân sự.
Tôi nghĩ đó cũng là thông tin cực kỳ quan trọng để trong công tác tổ chức cán bộ, quản lý cán bộ có đánh giá, theo dõi, giúp đỡ những đồng chí vừa được kiện toàn. Người nào có phiếu chưa cao cũng là thông tin rất tốt để các đồng chí đó tiếp tục phấn đầu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó.
Các vị lãnh đạo chủ chốt và lời tuyên thệ vì vận thế quốc gia
Lãnh đạo tuyên thệ khác với người dân bình thường
PV: Lần đầu tiên 4 chức danh đứng đầu Nhà nước tuyên thệ trước Quốc hội, ông đánh giá như thế nào?
Đại biểu Lê Nam: Rất tốt! Nghi thức tuyên thệ cơ bản được. Nhưng tôi nghĩ cần tính toán làm sao đầy đủ, trang nghiêm hơn như khi tuyên thệ thì các ĐBQH đứng dậy.
Nội dung tuyên thệ, ý nghĩa của tuyên thệ thì rất tốt. Đó là cam kết của những đồng chí đứng đầu đối với đất nước, với Quốc hội, với cử tri. Người ta sẽ không bao giờ quên những điều mà những người đứng đầu Nhà nước đã tuyên thệ. Người đã tuyên thệ thì sau này trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện vài trò của mình, các đồng chí đó sẽ không quên lời thề của mình đã thế như thế. Cử tri có căn cứ để giám sát.
Ví dụ, đồng chí nào đó không làm đúng Hiến pháp thì người ta sẽ hỏi rằng Hiến pháp quy định thế nào mà cớ sao trong chỉ đạo, điều hành của ông, bà lại không làm đúng Hiến pháp?
PV: Có ý kiến cho rằng, lời tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, với Hiến pháp thì bất cứ người dân nào cũng thực hiện. Nên lời tuyên thệ của những người đứng đầu Nhà nước phải thể hiện những vấn đề riêng?
Đại biểu Lê Nam: Tôi không nghĩ như vậy! Một nguyên thủ quốc gia, một người đứng đầu Nhà nước tuyên thệ không thể sa vào những vấn đề cụ thể được. Lời tuyên thệ của họ ở mức độ cao hơn rất nhiều so với những người dân bình thường.
Một công dân bình thường có thể tuyên thệ trung thành với Hiến pháp nhưng không ai kiểm soát được họ có trung thành hay không và việc trung thành với Hiến pháp của họ có ý nghĩa ở một mức độ nào đó thôi. Nhưng với một nguyên thủ quốc gia, lời tuyên thệ trung thành với Hiến pháp liên quan đến cả một quá trình bảo đảm thực thi Nhà nước pháp quyền và trách nhiệm của họ trước đất nước, trước nhân dân và cử tri.
Chúng ta biết rằng, trong nhà nước pháp quyền là bất cứ ai điều phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Vừa rồi, cử tri cũng mong điều đó lắm, vì nhiều luật có được thi hành tốt đâu. Cho nên, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ thì rất tốt, chúng ta không thể so sánh điều đó với một công dân bình thường.
Nhiệm vụ của Lãnh đạo mới rất nặng nề
PV: Ông kỳ vọng điều gì về các lãnh đạo của nhiệm kỳ tới?
Đại biểu Lê Nam: Tôi thấy nhiệm kỳ tới, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước có nhiệm vụ rất nặng nề. Hôm nay chúng ta đã nhìn thấy những khó khăn, nhưng có những khó khăn tôi nghĩ sang năm hoặc năm kia mới bộc lộ bên cạnh những thuận lợi. Tôi rất chia sẻ với những đồng chí được Đảng, Nhà nước trong nhiệm kỳ tới.
Như đấu tranh phòng, chống tham nhũng là vấn đề cực kỳ khó khăn. Cứ bảo “bước đầu” mãi thì đến bao giờ mới “bước giữa”? Hay vấn đề nợ công, ngân sách quốc gia, bộ máy nhà nước cồng kềnh đến mức như thế thì giải quyết bằng cách nào? Nói thì dễ nhưng thực hiện là đụng đến chúng ta, đến con em chúng ta đấy. Đó là những vấn đề rất khó nhưng phải tìm cách thao gỡ và tôi tin bộ máy mới, những người lãnh đạo mới sẽ tìm cách để giải quyết.
PV: Với tư cách ĐBQH có nhiều năm hoạt động nghị trường, ông có gửi gắm gì với những đại biểu của khoá mới?
Đại biểu Lê Nam: Tôi kỳ vọng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV sẽ tốt hơn vì ĐBQH chuyên trách nhiều hơn. Những người ăn lương Quốc hội, toàn tâm toàn ý phục vụ công tác chuyên trách, công tác Quốc hội thì chắc chắn có điều kiện, thời gian cống hiến cho Quốc hội tốt hơn.
Mình làm chuyên trách Quốc hội thì cũng phải toàn tâm toàn ý cho Quốc hội, thực hiện mong đợi của cử tri. 500 đại biểu thì có tính cách, hoàn cảnh khác nhau, nhưng tôi luôn nghĩ đất nước mình nhiều người tài giỏi ở bất kỳ lĩnh vực nào. Nhiệm kỳ Quốc hội mới sẽ có nhiều người tài giỏi, có dũng khí và đủ khả năng thực hiện xuất sắc vai trò đại biểu theo mong đợi của cử tri.
PV: Xin cảm ơn ông!./.