Đã giải quyết, trả lời 2.007 kiến nghị của cử tri
VOV.VN -Đây là toàn bộ những kiến nghị của cử tri cả nước gửi tới kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XIII.
Thông tin này được Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền đưa ra chiều nay (19/11) trong Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.
Theo đó, nội dung các kiến nghị liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó, nổi lên là: tái cơ cấu nền kinh tế; hoàn thiện chính sách về đất đai; nông nghiệp, nông dân, nông thôn, y tế, giáo dục - đào tạo; quản lý, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu; chính sách đối với cán bộ cơ sở, người có công, xóa đói, giảm nghèo; giải quyết khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; trong sản xuất và đời sống của ngư dân, của người dân tại các khu tái định cư công trình thủy điện; quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường giao thông, trường học, bệnh viện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước…
Đến trước kỳ họp thứ Sáu, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời 2.007/2.007 kiến nghị.
An toàn đập thủy lợi, thủy điện còn nhiều hạn chế
Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công thương đã tiến hành rà soát lại các dự án quy hoạch thủy điện, đã loại bỏ hơn 400 dự án và Ủy ban thường vụ Quốc hội đã giám sát lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, các địa phương đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất. Tuy vậy, việc triển khai thực hiện còn chậm, mới chỉ xem xét, giải quyết đối với một số dự án tái định cư của một số công trình thủy điện cụ thể. Đề nghị các cơ quan hữu quan khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án thủy điện, bảo đảm cho người dân có điều kiện sinh kế bền vững, lâu dài. Việc quy hoạch khu tái định cư phải được xây dựng trên cơ sở bảo đảm các điều kiện, tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, đề ra nhiều giải pháp trữ nước, vận hành xả nước, bảo đảm nước cho sinh hoạt và sản xuất, an toàn các đập thuỷ lợi, thủy điện mùa mưa lũ.
Tuy nhiên, công tác quản lý an toàn đập còn tồn tại, hạn chế. Hệ thống văn bản pháp luật quy định về vấn đề này còn bất cập, chưa đồng bộ, chưa đầy đủ; công tác quản lý, kiểm tra chưa được thường xuyên, một số nơi còn hình thức; chưa có cơ quan điều phối chung giữa các chủ đập đối với các hồ chứa trên cùng lưu vực khi xả lũ. Vì vậy, phải hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan; tăng cường kiểm tra, giám sát, có phương án cụ thể phòng, chống lũ lụt, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra; có phương án phòng, chống lũ lụt vùng hạ du, bảo đảm an toàn tuyệt đối các đập thuỷ lợi, thuỷ điện vào mùa mưa lũ.
Khoảng cách giàu, nghèo vẫn còn ở mức cao
Chính phủ đã chỉ đạo, các bộ, ngành, các địa phương đã tích cực chăm lo, thực hiện trợ cấp xã hội thường xuyên, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người khuyết tật nặng, người cao tuổi; thực hiện chính sách đối với người có công đối với cách mạng; tổ chức cứu trợ và đề ra các giải pháp khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân tại các vùng bị thiên tai, bão, lũ; đồng thời, triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi… Tại một số địa phương đã tổ chức các Trung tâm giới thiệu việc làm, góp phần hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho người lao động trong tìm kiến việc làm, giảm thiểu chi phí …
Tuy vậy, nhìn chung, đời sống nhân dân, người lao động, hộ nghèo, đối tượng xã hội còn nhiều khó khăn, khoảng cách giàu, nghèo vẫn còn ở mức cao; chênh lệch về mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư, nhất là những vùng có đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tập trung, nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao còn có sự khác biệt đáng kể… Tình hình thiếu việc làm ở nông thôn vẫn còn nhiều, tiềm ẩn nguy cơ thất nghiệp, nhất là những nơi đô thị hóa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đây là vấn đề cần được các ngành, các cấp chính quyền quan tâm giải quyết, để bảo đảm phát triển bền vững…
Giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của ngư dân
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển sản xuất, giải quyết khó khăn, trong đó đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá; thực hiện hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ dầu, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên… Đến nay, đã đầu tư xây dựng được 83/211 cảng và 87/147 khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá theo quy hoạch; đã hỗ trợ ngư dân đóng mới 1.365 tàu có công suất 90 cv trở lên; đã lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh cho 1.150 tàu cá; tổ chức các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên cho ngư dân đi biển; hướng dẫn ngư dân thành lập khoảng 3.700 tổ, đội với khoảng 22.850 tàu cá và 50 nghiệp đoàn đánh cá; tổ chức thực hiện các chính sách về hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ… Ngoài ra, một số địa phương còn hỗ trợ ngư dân về nhà ở, đất ở; ưu đãi về thuế nông nghiệp, về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
“Tuy nhiên, sản xuất và đời sống của ngư dân còn nhiều khó khăn, một số chính sách ban hành còn chưa sát với tình hình thực tế, ngư dân khó tiếp cận nguồn vốn vay. Trang thiết bị phục vụ khai thác xa bờ chưa đồng bộ, công tác đánh bắt, bảo quản sản phẩm vẫn chủ yếu theo phương thức thủ công nên chất lượng thấp” – ông Nguyễn Đức Hiền nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng các khu neo đậu, tránh trú bão chưa đồng bộ; chưa có tiêu chuẩn cụ thể; cơ sở đóng tàu, sửa tàu cá còn manh mún, quy mô nhỏ, chủ yếu đóng tàu nhỏ theo kinh nghiệm dân gian. Tình trạng khai thác bằng chất nổ, xung điện, hóa chất độc hại vẫn còn xảy ở hầu hết các tỉnh ven biển làm cho nguồn lợi hải sản vùng ven bờ đã và đang bị suy giảm mạnh, môi trường biển có nguy cơ ô nhiễm cao....
Ngoài những mặt đã đạt được, Báo cáo cũng thẳng thắn đánh giá: Còn nhiều kiến nghị, các cơ quan đã tiếp thu, giải quyết, trả lời nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri, nên cử tri tiếp tục kiến nghị. Việc tổ chức thực hiện kiến nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại các báo cáo giám sát còn chậm. Một số vấn đề tồn tại đã được nêu tại các kỳ họp trước như văn bản trả lời còn chung chung, chưa gắn với trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành, chính quyền địa phương, chưa đi thẳng vào vấn đề cử tri kiến nghị… vẫn chưa được khắc phục. Cá biệt còn có sự nhầm lẫn giữa nội dung báo cáo về chất vấn và trả lời chất vấn với báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri... Việc xác định thẩm quyền giải quyết một số kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành này với bộ, ngành khác và với địa phương còn chưa có sự thống nhất; việc phân loại, đánh giá kết quả giải quyết của một số bộ, ngành còn chưa rõ ràng, nên việc theo dõi, giải quyết, trả lời cử tri còn chậm.../.