Đại biểu lo "chảy máu" nguồn lực đất đai: Có thể làm thí điểm trước
VOV.VN - Theo Bộ trưởng Lê Thành Long giải trình: “Quan điểm của Chính phủ là phải cân nhắc tính toán cẩn thận. Vì thế, các đại biểu Quốc hội cân nhắc để xem xét xem chúng ta có thể làm thí điểm được không?”,
Cuối buổi sáng nay (10/1), Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thay mặt cơ quan được Chính phủ giao chủ trì tổng hợp đề xuất liên quan đến Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật, cho biết đã ghi chép và tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và cùng với cơ quan chủ trì thẩm tra, tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét thông qua vào chiều mai (11/1).
Về ý kiến đại biểu "tại sao lại là Dự án sửa đổi, bổ sung một số điệu của 8 luật chứ không phải 9 hay 10 luật", Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, do xuất phát từ rà soát của các bộ, địa phương, đã được triển khai trong gần 2 năm qua và có khá nhiều đề xuất khác nhau.
Theo đó, các bộ, các cơ quan đã nghiên cứu chắt lọc, lúc đầu chọn ra 10, sau đó chỉnh lý lại còn 8, trên nguyên tắc chọn ra những vấn đề bức xúc, mang tính độc lập, sau khi Quốc hội xem xét ban hành có thể thực hiện được và ít hoặc không kéo theo sự thay đổi của các luật khác.
Theo Bộ trưởng Tư pháp, cái khó ở đây là xử lý những vướng móc rất hóc búa, đồng thời đánh giá mối quan hệ giữa các luật cũng là một thách thức, vì thế đã phải sử dụng một quy định ngoại lệ trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một luật sửa nhiều luật.
“Tinh thần của Chính phủ là chọn ra những vấn đề thiết yếu để xử lý vướng mắc, cũng là một ngoại lệ cần xử lý”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về một số vấn đề cụ thể, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, liên quan Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư, cái khó ở đây là phải đánh giá tổng thể các quan hệ được xử lý, ở đây là một cụm các luật khác nhau từ nhà ở, đầu tư, xây dựng, đất đai. Và việc Chính phủ đặt vấn đề để sửa Khoản 1 Điều 75 của Luật Đầu tư hay Khoản 1 Điều 23 của Luật Nhà ở chỉ để làm rõ một khó khăn, vướng mắc, hoàn toàn không đụng đến các quy định có liên quan đến sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tài chính đất đai, hay lựa chọn nhà đầu tư, hiện hành như thế nào thì giờ vẫn thế.
Nhấn mạnh việc sửa đổi nội dung này, cần có 3 điều kiện: Thứ nhất là phải phù hợp với quy hoạch. Thứ hai, nhà đầu tư phải có quyền sử dụng đất. Thứ ba, đất không thuộc điều kiện thu hồi và quá trình làm thì phải minh bạch. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, băn khoăn của các đại biểu Quốc hội là phù hợp, bởi có câu chuyện có thể bị trục lợi chính sách.
“Quan điểm của Chính phủ là phải cân nhắc tính toán cẩn thận. Vì thế, các đại biểu Quốc hội cân nhắc để xem xét xem chúng ta có thể làm thí điểm được không?”, Bộ trưởng đặt vấn đề.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng cho biết, liên quan Luật di sản văn hóa, Chính phủ đã có tiếp thu, nhưng tinh thần cơ bản nhất là cần phải phân cấp, đặc biệt là trong khu vực II của di tích và khu di sản, mà chúng ta phải đáp ứng các yêu cầu của quốc tế cũng như quy định của pháp luật trong nước. Chính phủ đã chốt lại và cố gắng để phạm vi các dự án đầu tư là phải theo quy định của Luật di sản văn hóa, “cái khóa” là sự kiểm tra, đánh giá sự phù hợp với yêu cầu để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Về Luật Điện lực, Chính phủ mới đặt vấn đề xử lý một việc, đó là phá thế độc quyền được quy định tại Khoản 2 Điều 4 của Luật Điện lực. Để thể chế hóa đầy đủ, đặc biệt là các nội dung quy định tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị còn khá nhiều vấn đề phải làm, đặc biệt là liên quan câu chuyện về năng lượng sạch, giá, hợp đồng điện… thì Chính phủ cũng đang đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực, Bộ Công Thương đang tiếp tục hoàn chỉnh theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Vì thế, theo Bộ trưởng, những vấn đề khác đại biểu nêu như khả năng đấu nối, xử lý các vấn đề phát sinh ra sao… cũng tương đối phức tạp nên “khất” Quốc hội để lại kỳ sau.
Về Luật Thi hành án dân sự, Bộ trưởng giải thích, theo cơ chế hiện hành, việc ủy thác thi hành án và ủy thác xử lý tài sản được làm tuần tự. Nhưng trong một số trường hợp, một tỉnh chủ trì thi hành án nhưng tài sản nằm ở nhiều tỉnh khác nhau nên cứ phải làm xong chỗ này rồi mới sang chỗ khác. Như vậy rất khó để xử lý.
“Đối với các vụ án thu hồi tài sản tham nhũng kinh tế, đặc biệt là thực hiện Chỉ thị số 04 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế, việc sửa đổi luật cho phép cơ chế làm cùng một lúc. Còn ủy thác thi hành án do cơ quan ra quyết định thi hành án chịu trách nhiệm đến cùng; ủy thác xử lý tài sản không phải ra quyết định thi hành án nữa mà làm xong thì nộp về cho cơ quan chủ trì”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp giải trình thêm./.