Đại biểu Quốc hội cần thể hiện trách nhiệm với những vấn đề “nóng”
VOV.VN - Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. đối với những điểm "nóng" hay những vụ việc phức tạp kéo dài, rất cần vai trò của các đại biểu Quốc hội.
Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV được đánh giá có nhiều đổi mới. Song, cũng giống như kết thúc các kỳ họp trước, vấn đề được cử tri cả nước rất quan tâm là vai trò giám sát của Quốc hội sẽ tiếp tục được thể hiện ra sao nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những sai phạm tại các Bộ, ngành và địa phương. Phóng viên VOV phỏng vấn đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng – Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. |
PV: Một số cử tri nhận xét Quốc hội có thực hiện vai trò giám sát nhưng hiệu lực cũng như công cụ để giám sát có thể nói chưa thành công. Ông nghĩ sao về nhận xét này?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Tôi nhớ tại Kỳ họp thứ 2, đại biểu Dương Trung Quốc có nói: Tại sao nhà 8B Lê Trực ngay cạnh cơ quan Quốc hội mà các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là đại biểu Quốc hội ở Hà Nội và đại biểu Hội đồng nhân dân cũng không biết để có ý kiến?
Ở đây có một số vấn đề: có một số thông tin chính thức đến không kịp thời; cơ chế tiếp nhận thông tin chưa nhạy bén; một số đại biểu nghĩ rằng việc đang diễn ra ngoài kia là việc của một số cơ quan khác đang làm chứ không phải việc của mình, việc giám sát của mình là ở phía sau. Bên cạnh đó, bản thân các một số đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội vẫn còn thụ động, chưa quan tâm đến công việc giám sát.
PV: Ông có bình luận gì về trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội khi để xảy ra những điểm nóng hay những sự việc gây bức xúc?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Đối với những điểm "nóng" hay những vụ việc phức tạp kéo dài, rất cần vai trò của các đại biểu vì đó là những người đại diện cho cử tri và nhân dân cả nước nên cần thể hiện thái độ, trách nhiệm của mình góp phần cùng với Đảng, Nhà nước giải quyết các vấn đề.
Thực tế xảy ra trường hợp nhiều cơ quan, tổ chức giải quyết công việc không đến nơi, đến chốn, thậm chí còn áp dụng sai pháp luật. Vì vậy sự xuất hiện, giám sát của các đại biểu và các đoàn đại biểu Quốc hội cũng như các cơ quan của Quốc hội hết sức cần thiết, tạo kênh giám sát cao có tính chất quyền lực ngay cạnh công việc thì sẽ giảm bớt những tiêu cực hoặc những việc làm chưa đầy trách nhiệm của các cơ quan đứng ra giải quyết các vụ việc đó.
PV: Vấn đề được cử tri cũng như dư luận quan tâm nhất sau mỗi kỳ họp vẫn là việc Quốc hội có cơ chế giám sát việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng như thế nào cho hiệu quả và thực chất, tránh lặp lại những vấn đề cũ trong kỳ họp mới, thưa ông?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Ở kỳ họp thứ 2, đại biểu Dương Trung Quốc có nói: Quốc hội cần phải đồng hành với Chính phủ. Điều này thể hiện rất rõ ở chỗ khi anh giám sát thì anh cũng phải giúp Chính phủ tìm ra giải pháp, tháo gỡ khó khăn thì việc sẽ tiến triển nhanh hơn.
Có những việc Chính phủ thực hiện trong dài hạn, như việc giải cứu hàng nông sản không thể ngày một, ngày hai được, đó là cả một chiến lược liên quan đến thị trường nội địa, quốc tế, cả lĩnh vực ngoại giao và liên quan đến nhiều Bộ, ngành khác. Việc giám sát bộc lộ được khá nhiều vấn đề là nó có kết quả.
Ví dụ, tại kỳ họp thứ 2, đặt vấn đề chuyển phân bón sang Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì Thủ tướng Chính phủ đã chuyển. Về vấn đề tăng tỷ lệ phân hữu cơ, giảm tỷ lệ phân vô cơ thì đồng chí Bộ trưởng cũng đã hứa có những biện pháp, tiếp tục tham mưu cho Chính phủ thực hiện vấn đề này, đặc biệt là nghiên cứu khuyến khích các doanh nghiệp, tức là đã có điểm sáng, giải pháp đặt ra. Hay như việc chất vấn về vấn đề Sơn Trà cũng đã có giải pháp. Kỳ họp có rất nhiều kết quả mà thông qua kết quả giám sát đã bật ra.
Như vậy chúng ta cũng không nên đánh giá tại sao cứ nhắc đi nhắc lại một vấn đề bởi việc ấy vẫn có thể được chất vấn tiếp và đòi hỏi của cử tri và nhân dân tiếp tục cao hơn nữa chứ không phải chỉ thực hiện ở một mức độ.
Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng
PV: Phải đến kỳ họp sau, vào năm 2018 thì Quốc hội mới ban hành Nghị quyết về chất vấn và đánh giá lại việc thực hiện lời hứa của Bộ trưởng từ kỳ họp thứ 2 đến kỳ họp thứ 6. Ông có kỳ vọng gì về Nghị quyết này? Theo ông, thời điểm ban hành Nghị quyết như vậy có hơi muộn không?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Ở thời điểm năm 2018, gần như là một bước tổng kết các vấn đề chất vấn hiện nay. Như vậy, chúng ta đã cho các thành viên của Chính phủ thời gian để xem xét các giải pháp, đặt kế hoạch thực hiện theo lộ trình chứ không thể vừa chất vấn xong có thể về làm được ngay. Tôi nghĩ rằng ý này của Quốc hội hoàn toàn đúng và không hề muộn. Còn việc giám sát là thường xuyên, có thể làm hàng ngày, hàng tháng, như vậy không có nghĩa từ nay đến giai đoạn đó mới giám sát, mà giám sát toàn bộ quá trình đến lúc chúng ta đánh giá là chốt lại ở điểm đó để xem mức độ thành công của lời hứa của các thành viên Chính phủ đến đâu để từ đó đánh giá lại các vấn đề.
PV: Theo ông, đâu là khâu mà Quốc hội cần phải thực hiện ngay để cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân thực sự thể hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước chứ không phải chỉ đối với tầng cao nhất trong bộ máy này, thưa ông?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Quốc hội có toàn quyền giám sát tất cả các vấn đề có liên quan đến đời sống xã hội, vì đó cơ quan giám sát cao nhất của Nhà nước.
Theo tôi, khâu đột phá đầu tiên phải là tập trung vào một số vấn đề trọng yếu nhất và giải quyết một cách rốt ráo.Thứ hai, tập trung các nguồn lực cho giám sát đó, ví dụ như lực lượng giám sát, phân công giám sát, kế hoạch giám sát ra sao.
Thứ ba, xử lý hậu giám sát theo đúng ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, tức là phải theo đuổi đến cùng vấn đề giám sát.
Thứ tư, vấn đề giám sát phải được xem xét ở một bình diện cùng với việc đánh giá lại tín nhiệm của các thành viên Chính phủ và cần thiết phải có báo cáo giám sát trước khi lấy phiếu tín nhiệm. Bên cạnh đó cần bồi dưỡng các kỹ năng giám sát cho các đại biểu Quốc hội và từ những đại biểu như thế sẽ đóng góp giám sát cho các đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng các Ủy ban và sẽ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức việc giám sát với nội dung đích đáng, phương án, kế hoạch, con người tốt, kỹ năng tốt thì mới dẫn đến kết quả tốt và hiệu quả cao.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Chủ tịch QH: “Chuyển từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận“