Đại biểu Quốc hội: "Cấp dưới còn đi biếu quà cho cấp trên không?"
VOV.VN - Đại biểu Nguyễn Minh Sơn đặt vấn đề khi bày tỏ băn khoăn về việc chỉ có 9 địa phương có người nộp lại quà tặng với tổng trị giá 451,5 triệu đồng.
Cấp dưới còn đi biếu quà cho cấp trên không?
Thảo luận trên hội trường Quốc hội, sáng 13/11, Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) nhấn mạnh, trong báo cáo của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng có báo cáo về tặng quà và nộp lại quà tặng. Đây là một điểm mới, đánh dấu cho hiệu quả của lời kêu gọi của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ.
Nhất là vài năm trở lại đây, năm nào Thủ tướng cũng nhắc các địa phương không được lên Trung ương để tặng quà nhân dịp lễ, tết, mà hãy dành phần quà đó đi thăm viếng gia đình chính sách, có công với cách mạng. Đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn và ngăn chặn tội đút lót, hối lộ.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu trên Hội trường sáng 13/11 (Ảnh: Quochoi.vn) |
Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn khi con số địa phương được nêu tên chỉ có 9 tỉnh, tỉnh ít nhất có một người, tỉnh nhiều nhất có 9 người nhận và nộp với tổng giá trị 451,5 triệu đồng.
“Vậy, các địa phương khác có tình trạng này không, hay không có ai tặng quà nên không có việc nộp lại quà tặng? Nếu đúng như thế là đáng mừng. Tuy nhiên, báo cáo cũng chưa làm rõ ai tặng, tặng ai, quà gì, nộp vào đâu, cấp dưới còn đi biếu quà cho cấp trên không” – đại biểu đoàn Tiền Giang đặt vấn đề.
Báo cáo phòng, chống tham nhũng có nêu phần thu hồi tài sản bị tham nhũng có cả hiện kim và hiện vật. Đại biểu Nguyễn Minh Sơn đặt câu hỏi hiện kim đó có phản ánh qua phần thu về ngân sách Nhà nước báo cáo Quốc hội hàng năm không, bởi ngân sách nhà nước là tiền thuế của dân, là mồ hôi, nước mắt của dân đóng góp để xây dựng đất nước.
Tham nhũng vặt gây mất niềm tin
Đại biểu Trần Hồng Hà (đoàn Vĩnh Phúc) thì cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực và thu được nhiều thành tựu đáng kể, nhưng chủ yếu mới chỉ tập trung ở những vụ việc, vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng. Việc ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập.
Theo đại biểu, tham nhũng vặt vẫn ngang nhiên tồn tại và thường tập trung trong các lĩnh vực điển hình như y tế, giáo dục, vi phạm giao thông, hải quan, thuế, cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh, đấu thầu, xây dựng, làm giấy tờ nhà đất, giải quyết các thủ tục hành chính ở bộ phận một cửa, trong tuyển dụng, đề bạt, sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức.
Đại biểu Trần Hồng Hà (Ảnh: Quochoi.vn) |
Mặc dù tình trạng “tham nhũng vặt” vẫn ngang nhiên tồn tại nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn chưa dám mạnh dạn đấu tranh, phê phán, tố cáo hành vi tiêu cực vì ngại đụng chạm, sợ bị trù dập, bị gây khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi của chính mình.
Ở một số ngành, địa phương, vẫn còn xảy ra hiện tượng cá nhân, doanh nghiệp phải dùng những khoản chi phí để “bôi trơn” khi đi làm các thủ tục hành chính. Người dân đi xin cấp phép xây dựng, làm giấy tờ nhà đất phải đi lại nhiều lần, chờ đợi trong thời gian lâu vì các thủ tục rườm rà.
Nữ đại biểu nhấn mạnh, việc tham nhũng của một số cán bộ, nhân viên như vậy tại các cơ quan nhà nước nếu không được chấn chỉnh kịp thời sẽ gây mất niềm tin của nhân dân.
“Cần phải kiên quyết xử lý và siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu, hành dân trong giải quyết công việc, nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân” – đại biểu Trần Hồng Hà nhấn mạnh và đề nghị Chính phủ nhanh chóng đề ra các biện pháp quyết liệt để kịp thời ngăn chặn tình trạng này./.