Đại biểu Quốc hội tranh luận: Luật Quy hoạch khiến dự án “nằm im”?
VOV.VN - Nhiều dự án phải tạm dừng liệu có phải do vướng mắc từ Luật Quy hoạch? Đây là vấn đề nhận được nhiều ý kiến tranh luận trên diễn đàn Quốc hội.
Phát biểu trên Hội trường về KT-XH, chiều 30/5, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Quảng Bình cho rằng cần khắc phục vấn đề “nóng” liên quan đến Luật Quy hoạch có hiệu lực từ 1/1/2019 nhưng đã làm các dự án tạm dừng vì sự bất cập của luật.
“Thực trạng của Luật Quy hoạch có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến nền kinh tế đất nước, làm cho nhiều dự án đầu tư ngừng hoạt động” – ông Nguyễn Ngọc Phương lo lắng và cho biết hiện có 39 quy hoạch ngành quốc gia, 63 quy hoạch tỉnh, 25 quy hoạch ngành, 368 dự án đầu tư sản xuất công thương không triển khai được vì vướng quy hoạch.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương phát biểu trên Hội trường, chiều 30/5 |
“Nếu không sớm xử lý thì tất cả đều trì trệ, không tháo gỡ được khó khăn. Đề nghị Quốc hội cần mạnh dạn sửa đổi những sai sót vừa qua. Hoặc ban hành nghị quyết riêng để xử lý tổng thể về việc chuyển tiếp các quy hoạch, bao gồm gia hạn, thời hiệu pháp luật chuyên ngành” – vị đại biểu đoàn Quảng Bình kiến nghị.
Tranh luận với đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đại biểu Đỗ Văn Sinh - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế (đoàn Quảng Trị) khẳng định, quy hoạch là một hoạt động quan trọng cần đi trước và làm trước theo những đường hướng lớn.
Luật Quy hoạch đã được Chính phủ chuẩn bị từ khóa XIII. Đến khóa XIV thì Quốc hội mới xem xét và thông qua tại 3 kỳ họp, có hiệu lực thi hành từ 1/01/2019.
Riêng các hoạt động lập, thẩm định quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được triển khai trước, từ ngày 1/3/2018, tức là các nội dung quan trọng, cốt lõi của luật được làm trước một bước, làm cơ sở để triển khai các quy hoạch chuyên ngành đi sau.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh |
“Rất tiếc đến tận ngày 5/7/2019, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 37 quy định chi tiết một số điều để thi hành luật. Vì chưa có nghị định trên nên các quy hoạch không thể triển khai được, đây là nguyên nhân chính và là nguyên nhân duy nhất khiến luật không triển khai được” – ông Đỗ Văn Sinh phân tích và đề nghị chỉ rõ luật vướng mắc ở nội dung nào, điều luật nào.
“Quá trình xây dựng luật thì quy trình làm rất chặt chẽ, rất công phu. Tất nhiên Luật Quy hoạch khi ban hành có nhiều điểm mà đại biểu Sinh chưa nắm hết” – ông Nguyễn Ngọc Phương trao đổi lại với đại biểu Đỗ Văn Sinh.
Vị đại biểu đoàn Quảng Bình cho rằng vấn đề trên được báo chí phản ánh nhiều; Thủ tướng Chính phủ cũng có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề này.
“Một thực tế là nhiều doanh nghiệp về quy trình đã làm, đến năm 2018 các Bộ đã duyệt, nhưng khi luật ban hành phải dừng lại hết, luật chuyên ngành chuyên sâu về các vấn đề này đều phải dừng lại hết” – ông Nguyễn Ngọc Phương nói.
Vấn đề này tiếp tục nhận được ý kiến tranh luận trong phiên thảo luận sáng nay (31/5). Đại biểu Phùng Văn Hùng – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế (đoàn Cao Bằng) cho rằng nhận định như đại biểu Phương “là sự phóng đại quá mức”. Bởi, báo cáo giám sát về đất đai đô thị vừa qua đã chỉ rõ việc quản lý, sử dụng đất đai gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng; các dự án điều chỉnh quy hoạch thường xuyên, có khi vì tối đa lợi ích cho doanh nghiệp... gây bức xúc.
Đại biểu Phùng Văn Hùng tranh luận với đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, sáng 31/5. |
“Quy hoạch không quy củ, tư duy nhiệm kỳ, điều chỉnh quy hoạch thường xuyên... là nguyên nhân sâu xa của những bức xúc vừa qua. Luật Quy hoạch ra đời là để đưa việc xây dựng quy hoạch vào quy củ, đề cao tính tuân thủ” – ông Phùng Văn Hùng nhấn mạnh và cho rằng, nếu luật có vướng mắc “gây nguy hại” như đại biểu Phương nêu thì trong báo cáo KTXH của Chính phủ đã phải nêu ra.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương tiếp tục giơ biển tranh luận lại. Song, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên làm việc cho rằng vấn đề này đã được nêu ý kiến, tranh luận trên hội trường nên “các đại biểu có thể gặp nhau trao đổi thêm” để dành thời gian cho nhiều đại biểu khác phát biểu trên hội trường./.