Dân “tự xử”: Không chỉ vì mất lòng tin

VOV.VN -Ở đây, ý thức chấp hành pháp luật có vấn đề và hiệu quả quản lý của các cơ quan chức năng chưa được kịp thời…

Hôm nay (7/11), Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Đây là vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội do diễn biên ngày càng phức tạp của tình hình này trong thời gian qua. Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Thiếu tướng Lê Đông Phong, Phó Giám đốc Công an TP.HCM đã chia sẻ với VOV.VN xung quanh nội dung này.

 

PV: Một số đại biểu Quốc hội cho rằng tình trạng dân “tự xử” hiện nay có nguyên nhân là do mất lòng tin ở lực lượng chức năng. Thậm chí, có ý kiến cho rằng “tự xử” hiệu quả hơn nhờ cơ quan chức năng can thiệp. Thiếu tướng nghĩ sao về vấn đề này?

Thiếu tướng Lê Đông Phong: Phải nói rằng tình trạng này phản ánh tình hình vi phạm pháp luật ở cả hai góc độ chứ không chỉ là do dân mất lòng tin ở lực lượng chức năng. Ở đây, rõ ràng ý thức chấp hành pháp luật có vấn đề và hiệu quả quản lý của các cơ quan chức năng chưa được kịp thời, cần được chấn chỉnh. Việc điều chỉnh pháp luật dân sự, hình sự đối với các quan hệ kinh tế có phát sinh tranh chấp chưa thích hợp. Nếu quyền lợi chính đáng của người dân không được giải quyết hoặc giải quyết không thấu đáo thì sẽ phát sinh hiện tượng dân “tự xử” như những vụ đòi nợ thuê đã diễn ra. Tình trạng này đặt ra vấn đề cần hoàn thiện các quy phạm pháp luật để điều chỉnh kịp thời. Cùng với đó, lực lượng chức năng cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình và công dân cần có ý thức chấp hành pháp luật.

PV: Tình hình tội phạm thời gian qua diễn biến phức tạp, một số người cho rằng một phần nguyên nhân do tình hình kinh tế khó khăn. Điều này có nghĩa là ta đã chấp nhận một mức độ nào đó những hiện tượng tiêu cực trong xã hội hiện nay?

Thiếu tướng Lê Đông Phong: Thật ra nền kinh tế không tạo ra tội phạm nhưng những người sống trong điều kiện đó, nếu thiếu hiểu biết hoặc lệch lạc trong nhận thức, rất dễ bị tác động bởi những yếu tố tiêu cực. Ở đây tôi muốn nói đến vấn đề nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của những người phạm tội. Nhận thức kém, hiểu biết kém lại thiếu tự tin, thiếu kiềm chế, thiếu tự chủ… dễ dẫn đến hành vi phạm tội.

Hành vi gây án do những nguyên nhân xã hội bột phát. Từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt như cãi nhau hay một cái “nhìn đểu” đã có thể dẫn tới những hành vi hành xử hung hãn, thậm chí giết người. Trong điều kiện khó khăn, điều quan trọng là mỗi người phải biết kiềm chế trước những xung đột, không giải quyết mâu thuẫn bằng các hành vi bạo lực.

PV: Theo Thiếu tướng, nguyên nhân dẫn đến diễn biến tội phạm như hiện nay là gì?

Thiếu tướng Lê Đông Phong: Thời gian qua, lực lượng công an đã nỗ lực đấu tranh phòng, chống tội phạm, kiềm chế được mức độ gia tăng tội phạm. Tuy nhiên, tình hình tội phạm đang tiếp tục diễn biến theo chiều hướng phức tạp, tính chất nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này sự khó khăn của tình hình kinh tế - xã hội, bởi như người ta vẫn nói “bần cùng sinh đạo tặc”. Mặt khác, một bộ phận người phạm tội do đua đòi chạy theo lối sống vật chất, muốn làm giàu bằng mọi giá, làm giàu bất chính. Bên cạnh đó còn có những yếu tố chủ quan là việc quản lý xã hội, giáo dục đạo đức chưa được tốt, là sự phối hợp quản lý giữa xã hội, gia đình, nhà trường chưa hiệu quả. Ý thức chấp hành pháp luật, ý thức phòng ngừa và ý thức cảnh giác của một bộ phận người dân còn kém.

Tất nhiên, cũng cần nói đến trách nhiệm của lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm, phải tập trung các biện pháp để công tác phòng chống tội phạm hiệu quả hơn, nhất là đối với những đối tượng phạm tội chuyên nghiệp, có tổ chức.

PV: Điều lo ngại hiện nay là độ tuổi trung bình của người phạm tội ngày càng trẻ (chiếm 36-37%). Thiếu tướng nghĩ sao về điều này?

Thiếu tướng Lê Đông Phong: Nó cũng phản ánh những nguyên nhân xã hội sâu xa, trong đó có việc quản lý con người trong gia đình, trong nhà trường, trong cộng đồng dân cư. Nó phản ánh phần nào giá trị đạo đức và những quy phạm đạo đức đang bị thay đổi, bị xói mòn, dẫn đến những hành vi “lệch chuẩn”.

PV: Trong thảo luận tổ, Thiếu tướng từng nói việc phòng ngừa tội phạm của chúng ta chưa tốt. Thiếu tướng có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Thiếu tướng Lê Đông Phong: Tôi muốn nhấn mạnh là việc phòng ngừa phải được phối hợp thực hiện từ trong gia đình, cộng đồng, xã hội, kể cả quá trình quản lý, hoạch định chính sách, ban hành các quy định. Phải lường trước những sơ hở, tránh tình trạng lạm dụng quy định không rõ ràng. Ví dụ hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có những vấn đề phức tạp, đã được minh chứng qua những vụ án thực tế.

Thế nhưng, phải đến khi bộc phát ra, kẻ tù, người tội thì mới tập trung nói về nó còn trong quá trình quản lý thường xuyên, giám sát ra sao, kiểm tra thế nào chưa được đề cập sâu. Phòng ngừa chính là đây. Cần phải làm từ khâu hoạch định chính sách, xây dựng thể chế và tổ chức thực hiện. Như vụ Nguyễn Đức Kiên, khi phát hiện ra mới thấy đầy đủ vấn đề. Hay các vụ án lớn ở tập đoàn, tổng công ty, đến khi giải quyết hậu quả mới tập trung nói về nó. Tại sao trong quá trình quản lý thường xuyên không thấy được trách nhiệm, biện pháp quản lý để ngăn chặn?

PV: Vậy xử lý tội phạm chỉ là xử lý hậu quả đã xảy ra, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Đông Phong: Đúng như vậy! Xử lý tội phạm là tất yếu nhưng điều mà ta cần quan tâm là phải hạn chế thấp nhất những nguồn gốc, nguyên nhân phát sinh tội phạm chứ không phải chỉ là giải quyết cái ngọn, khi xảy ra mới kiểm điểm, quy trách nhiệm. Tốt nhất là ngăn ngừa ngay từ đầu bằng việc uốn nắn từ trong quá trình thực thi chủ trương, chính sách pháp luật nhằm giảm hậu quả cho xã hội nói chung, kể cả các thiệt hại cụ thể.

Việc phòng ngừa không tốt ngoài việc gây ra các thiệt hại còn đánh mất cả con người. Trong nhiều vụ án, bị can là người có nhân thân tốt nhưng do lỏng lẻo về thể chế, cơ chế đối với vấn đề mua sắm tài sản nên mới dẫn đến hành vi phạm tội. Các kẽ hở trong cơ chế quản lý ở góc độ nào đó đã thúc đẩy những đối tượng phạm tội, giống như kiểu “mỡ treo miệng mèo”. Ở đây, khi phát hiện đối tượng phạm tội thì hành vi phạm tội đã được thực hiện trong một thời gian dài.

PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trả tự do cho ông Nguyễn Thanh Chấn sau 10 năm ngồi tù
Trả tự do cho ông Nguyễn Thanh Chấn sau 10 năm ngồi tù

Ông Nguyễn Thanh Chấn đã được trả tự do và chờ Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao xét xử lại theo trình tự tái thẩm.

Trả tự do cho ông Nguyễn Thanh Chấn sau 10 năm ngồi tù

Trả tự do cho ông Nguyễn Thanh Chấn sau 10 năm ngồi tù

Ông Nguyễn Thanh Chấn đã được trả tự do và chờ Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao xét xử lại theo trình tự tái thẩm.

Huỷ hai bản án kết tội ông Nguyễn Thanh Chấn
Huỷ hai bản án kết tội ông Nguyễn Thanh Chấn

VOV.VN - Chiều nay, tòa tái thẩm đã xem xét kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về bản án đối với Nguyễn Thanh Chấn

Huỷ hai bản án kết tội ông Nguyễn Thanh Chấn

Huỷ hai bản án kết tội ông Nguyễn Thanh Chấn

VOV.VN - Chiều nay, tòa tái thẩm đã xem xét kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về bản án đối với Nguyễn Thanh Chấn