ĐBQH bàn về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ

VOV.VN - Tại buổi thảo luận tổ chiều 6/1, hầu hết các đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao với việc ban hành các nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Cần Thơ.

Chiều 6/1, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ. Hầu hết các đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao với việc ban hành các nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Cần Thơ.

Việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 59 về phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển TP Cần Thơ nhanh và bền vững.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, đối với cơ chế đặc thù của thành phố Cần Thơ, Ủy ban Tài chính Ngân sách được giao nhiệm vụ chủ trì thẩm tra, đến hôm nay có thể khẳng định Chính phủ cũng đã đi cả một chặng đường khá vất vả để có sản phẩm trình ra Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần này.

Hai chính sách mới phát huy thế mạnh, khắc phục được những điểm yếu

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đánh giá cao hai chính sách “Nạo vét luồng hàng hải Định An Cần Thơ” và “Thành lập trung tâm liên kết tiêu thụ sản phẩm ĐBSCL” đã đáp ứng yêu cầu phát huy thế mạnh của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ đem lại lợi ích cho TP Cần Thơ mà còn là một chính sách chung cho cả vùng. Theo đại biểu, hai chính sách mới đã khắc phục được những điểm yếu hiện nay.

“Mặc dù Nhà nước đã đầu tư rất nhiều nhưng vấn đề ách tắc trong giao thông đường thủy, không phát huy được thế mạnh đường thủy đã cản trở rất lớn đến hoạt động phát triển kinh tế. Dự án “Nạo vét luồng hàng hải Định An- Cần Thơ” có đặc thù là xã hội hóa, tư nhân sẽ tham gia để cùng khắc phục khơi thông thế mạnh đường thủy”- đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho biết.

Với việc “Thành lập trung tâm liên kết tiêu thụ sản phẩm ĐBSCL”, theo đại biểu, điều này sẽ góp phần tạo một hệ thống trong việc tiêu thụ sản phẩm cho cả một khu vực. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là thời hạn áp dụng ưu đãi sẽ thực hiện như thế nào?

Hiện nay có ý kiến cho rằng thời hạn ưu đãi này cần phải tương thích với thời hạn thí điểm. Nếu áp dụng như thời hạn thí điểm thì sẽ có điểm bất hợp lý, đó là khi thông qua Nghị quyết và đi vào triển khai, khi chính sách được áp dụng, cả quy trình thủ tục liên quan cũng mất một thời gian lớn và để đến khi có thể áp dụng được chính sách này cũng phải mất từ 2- 3 năm, trong khi thời gian thí điểm cũng chỉ đến năm 2025 đã kết thúc. "Nếu quy định trong Nghị quyết chỉ áp dụng cho các dự án trong thời gian thí điểm thì chắc chắn một điều là sẽ không thu hút được bất kỳ dự án nào, bởi chưa kịp làm, chưa được áp dụng thì đã hết thời hạn ưu đãi"- đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho biết.

Các đại biểu cho rằng, hai chính sách này sẽ giúp ĐBSCL có được thuận lợi hơn trong việc lưu chuyển hàng hóa, phát triển thế mạnh của vùng. 

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) “Trung tâm liên kết tiêu thụ nông sản đặt tại Cần Thơ được coi là phục vụ vùng, nhưng “vùng” này được xác định như thế nào? Thủ tướng cũng chưa có quyết định thành lập vùng, trong khi chúng ta đang quyết định ưu đãi cho một vùng chưa xác định ranh giới”. Vì vậy, đại biểu đề nghị từ nay đến trước khi Quốc hội thông qua nghị quyết, ranh giới “vùng” dự án này phải được xác lập rõ.

Không có đầu tàu, không có động lực thì cả vùng không phát triển

Đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cho rằng, nếu không có đầu tàu, không có động lực thì cả vùng không phát triển. Đây là một chính sách hết sức cần thiết, cần đầu tư vào để có mô hình, kinh nghiệm, thậm chí là có thêm nguồn vốn từ phát triển khu vực này để đầu tư và các vùng khác.

Tuy nhiên, điều đại biểu băn khoăn để trở thành trung tâm của vùng, cần phải có các nguồn lực, các giải pháp, chế độ, chính sách để đầu tư vào vùng này.

Theo đại biểu, hiện nay các cơ chế chính sách chưa đủ mạnh, đủ cơ sở để trở thành trung tâm của vùng. Muốn trở thành một dịch vụ thương mại, trung tâm thương mại gồm có cung ứng dịch vụ thương mại, xúc tiến thương mại, trung gian thương mại, việc tập trung như thế nào đang rất khó khăn. Vì vậy, đại biểu mong rằng các chính sách đầu tư phải làm rõ.

“Cả vùng đồng bằng sông Cửu Long thì nên tập trung cho Cần Thơ. Đây là mô hình thí điểm, sau này Cần Thơ phát triển, các tỉnh cũng có cơ hội để phát triển nguồn cung ứng các dịch vụ. Về chính sách đầu tư, thay vì năm nào tỉnh nào cũng hội nghị xúc tiến đầu tư tại đồng bằng sông Cửu Long một lần thì có thể tập trung cho hội nghị xúc tiến đầu tư cho Cần Thơ để huy động được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào Cần Thơ trong lĩnh vực về dịch vụ thương mại, du lịch, công nghiệp chế biến. Nếu không thì khó trở thành trung tâm của vùng"- đại biểu Trương Xuân Cừ cho hay.

Ông cũng nêu rõ, hiện nay chính sách đầu tư và nguồn lực đầu tư vào Cần Thơ vẫn còn mỏng mà không có nguồn lực thì không thể phát triển./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét chính sách đặc thù cho Cần Thơ
Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét chính sách đặc thù cho Cần Thơ

VOV.VN - Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét chính sách đặc thù cho Cần Thơ

Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét chính sách đặc thù cho Cần Thơ

VOV.VN - Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét nhiều chính sách đặc thù cho Cần Thơ
Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét nhiều chính sách đặc thù cho Cần Thơ

VOV.VN - Việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Cần Thơ nhanh và bền vững.

Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét nhiều chính sách đặc thù cho Cần Thơ

Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét nhiều chính sách đặc thù cho Cần Thơ

VOV.VN - Việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Cần Thơ nhanh và bền vững.