ĐBQH tranh luận về việc cho phép phạm nhân lao động ngoài trại giam
VOV.VN - Bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ quy định cho phép trại giam tổ chức cho phạm nhân lao động bên ngoài thì vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn.
Chiều nay (22/5), Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Quy định cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động và có thể tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam nhận được nhiều ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội.
Quy định sẽ đạt nhiều mục tiêu?
Ủng hộ quy định như dự thảo, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp phân tích, việc tổ chức lao động không chỉ cải tạo mà còn rất cần thiết cho mục tiêu phạm nhân tái hoà nhập cộng đồng sau này. Bởi người đi tù nhiều năm, khi mãn hạn tù ra xã hội khó tìm việc, mặc cảm, tự ti và nguy cơ tái phạm cao.
Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn) phát biểu trên Hội trường, chiều 22/5 |
Thời gian qua phương án tổ chức cho phạm nhân lao động đã được đặt ra nhưng mới chỉ thực hiện được ở một số trại bởi trong 54 trại trên cả nước có tới 34 trại đóng ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, chi phí sản xuất rất cao cao nên doanh nghiệp không đầu tư.
“Thực tế việc lao động ở nhiều trại chỉ dừng ở việc trồng rau, chăn nuôi tự cấp, tự túc vì không có nhiều việc để làm” – bà Thuỷ nói.
Cũng theo nữ đại biểu, thời gian qua Bộ Công an thí điểm tổ chức lao động ngoài trại và các điểm lao động đều thiết kế theo mẫu của trại, có tường rào, cách biệt khu dân cư. Kết quả thí điểm giúp đa dạng hoá ngành nghề, việc làm, học nghề, chuyển nghề. Theo Bộ Công an, trong gần 7.000 phạm nhân lao động ngoài trại chỉ có 1 phạm nhân bỏ trốn.
Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ cũng nhấn mạnh, bản chất và mục tiêu tổ chức cho lao động ngoài trại không phải vì kinh tế. Bởi càng có nhiều cơ hội lao động thì cơ hội cải tạo hoàn lương, giúp phạm nhân trở thành người có ích càng lớn. Và thực tế các nước tiên tiến cũng quy định cho phép phạm nhân lao động ngoài trại giam.
Tranh luận với một số đại biểu bày tỏ băn khoăn, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng - An ninh nói rằng Hiến pháp đã có sự thay đổi chính sách về quyền con người, quyền công dân nên chính sách hình sự, thi hành án hình sự cũng có sự thay đổi, biểu hiện rõ nhất là tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Ủng hộ quy định tổ chức lao động ngoài trại giam, ông Nguyễn Thanh Hồng nhấn mạnh lao động là quyền của phạm nhân và chính việc phạm nhân đồng ý hay không chính là thực hiện quyền đó.
Theo vị đại biểu này, thực tế một số trại tổ chức lao động bên ngoài bờ rào trại hay có trại sở hữu hàng trăm ha cao su thì phải đưa phạm nhân ra sản xuất. “Nghiên cứu báo cáo của Bộ Công an, của Chính phủ, của VKSND tối cao thì thấy rằng không có vấn đề gì lớn, nên giao Chính phủ quy định chi tiết là hợp lý” – ông Hồng nêu ý kiến.
Băn khoăn về tính pháp lý
Cũng tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ chưa đồng tình với quy định như dự thảo. Đại biểu Nguyễn Mai Bộ - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng – An ninh đặt vấn đề về tính pháp lý, rằng các quy định này có vượt quá phạm vi của Bộ Luật Hình sự hay không.
“Bộ luật Hình sự quy định buộc phạm nhân phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ trong một thời hạn nhất định. Doanh nghiệp không phải là cơ sở giam giữ nên thiết kế lao động ngoài trại là vượt quá quy định của Bộ luật Hình sự. Quy định ở đây là cơ chế thi hành những quy định của Bộ luật Hình sự nên cần thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật” – ông Nguyễn Mai Bộ nói.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn đề nghị làm rõ tính pháp lý liên quan tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam. |
Tranh luận với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ và Nguyễn Thanh Hồng, đại biểu Nguyễn Bá Sơn – Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách thành phố Đà Nẵng cũng nhấn mạnh nguyên tắc khi xây dựng pháp luật là phải căn cứ vào luật cao hơn.
“Tôi không nói phản đối đưa vào trong luật nội dung này nhưng vấn đề phải giải quyết hàng loạt vấn đề mang tính pháp lý” – ông Sơn đặt vấn đề và dẫn chứng nhiều quy định trong Bộ Luật Hình sự như quy định buộc phạm nhân chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ thì thi hành án phải đạt được mục tiêu này.
“Dự thảo trao cho trại quyền đưa phạm nhân ra khỏi cơ sở giam giữ thì căn cứ vào đâu? Báo cáo của Bộ Công an là doanh nghiệp tổ chức nơi lao động theo mẫu thiết kế của trại giam, có đầy đủ công trình đảm bảo yêu cầu an ninh thì tôi băn khoăn thiết kế này là cái gì, là trại giam hay công trường xí nghiệp? Giải quyết quyết mối quan hệ giữa người lao động với chủ lao động như thế nào? Chúng ta không thể thông qua thiết chế mà chưa có quy định” – vị đại biểu đoàn Đà Nẵng nêu quan điểm.
Bộ trưởng Tô Lâm giải trình
Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, cần hiểu lao động ngoài trại giam ở đây là phạm nhân chỉ lao động ở điểm lao động, dạy nghề chứ không phải theo cách hiểu “ngoài phạm vi xã hội”, vì như vậy phạm vi rất lớn.
Điểm lao động, dạy nghề này khi xây dựng đều có sự thống nhất giữa trại giam, doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm |
“Phạm vi hoạt động của cơ sở lao động, dạy nghề dù không trong khuôn khổ trại giam nhưng vẫn thuộc quản lý của trại giam để đảm bảo an ninh, an toàn chứ không phải ra ngoài xã hội bình thường” – Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Ngoài ra, có phân công cán bộ quản lý; phạm nhân được lựa chọn; có cơ chế quản lý như trong trại giam, lao động thành tổ, đội và thực hiện các quy định như điểm danh...
Các tiêu chí, điều kiện thành lập khu sản xuất, điểm lao động dạy nghề ngoài trại giam cũng được quy định. Vấn đề này cũng có sự giám sát của Viện kiểm sát.
“Quy định này cũng phù hợp xu hướng xã hội hoá thi hành án được nêu trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp” – Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh và cho biết sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, phối hợp tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý để thực hiện theo quy định pháp luật./.
“Gần 7.000 phạm nhân ra ngoài lao động chỉ có 1 phạm nhân bỏ trốn”