ĐBQH: Việc xuyên tạc lịch sử đang “ký sinh” trên nghệ thuật thứ 7
VOV.VN - Đại biểu Phạm Trọng Nhân cho biết, kể từ khi xâm nhập thị trường Việt Nam, Netfix đã phổ biến ít nhất 3 phim có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ đất nước như "Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta" đến "Bà Ngoại trưởng" và gần đây nhất là "Bill Gates".
Nói về các nội dung trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đang được trình Quốc hội xem xét, đóng góp ý kiến, đại biểu Phạm Trọng Nhân, đoàn Bình Dương cho rằng, chỉ vài ngày nữa dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được thông qua, song những người làm điện ảnh chân chính, tâm huyết vẫn còn đó không ít tâm tư để tiếp tục chuyển tải những thông điệp về cuộc sống qua từng lăng kính, thước phim.
Bên cạnh việc tiếp thêm những chế định để điện ảnh nước nhà bay cao, vươn xa thì dự luật này phải đảm đương sứ mệnh là công cụ bảo vệ nền tảng tinh thần của xã hội cũng như những sự thật thiêng liêng trước những thông tin xuyên tạc lịch sử, những nội dung xấu, độc, đồi trụy mà nhiều nền tảng xuyên biên giới phổ biến trên không gian mạng đang ngang nhiên tấn công vào tâm thức người xem.
Tuy nhiên, dự thảo lại xây dựng cơ chế hậu kiểm đối với phổ biến phim trên không gian mạng mà điển hình là các nền tảng xuyên biên giới tại điểm a khoản 2 Điều 18, điểm b khoản 2 Điều 21 và khoản 1 Điều 27. Trong khi việc để các nền tảng này tự do đi lại trên mặt trận văn hóa thời gian qua đã gây nên những tổn thương không hề nhỏ đến đời sống tinh thần của xã hội.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân dẫn chứng như kể từ khi xâm nhập thị trường Việt Nam, Netfix đã phổ biến ít nhất 3 phim có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ đất nước như "Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta" đến "Bà Ngoại trưởng" và gần đây nhất là "Bill Gates".
“Như vậy, từ câu chuyện trong đời sống thực với giàn khoan HD 981 thì nay chủ quyền lãnh thổ đã và đang đối diện với một hình thái khác mà việc xuyên tạc lịch sử đang ký sinh lên nghệ thuật thứ bảy và những thành tựu khoa học công nghệ. Rõ ràng vị khách này không hề có thiện chí cũng như thiếu sự tôn trọng chủ nhà và dĩ nhiên không phải vô tình để vi phạm hết lần này đến lần khác. Hệ lụy của nó sẽ đi đến đâu nếu tiếp tục để môn Lịch sử là môn tự chọn của học sinh ở lứa tuổi đã bắt đầu có những tư duy và nhận thức độc lập.
Gỡ bỏ nội dung sai phạm là một việc làm không nhiều ý nghĩa vì người xem đã kịp tải xuống để đăng tải trên các nền tảng khác. Do đó, mặc dù báo cáo giải trình đã cố gắng lý giải nhưng chưa thể thỏa mãn với những gì đã và đang diễn ra trên không gian mạng”, đại biểu Phạm Trọng Nhân nói.
Theo ông Nhân, điều đáng nói là các nội dung độc hại đang từng ngày lần mò len lỏi, cài cắm vào tâm thức người xem, mà tệ hại nhất là giới trẻ khi smartphone đã quá phổ biến và việc xem các nội dung trên các nền tảng này mọi lúc, mọi nơi. Không dừng lại ở đó, các nền tảng xuyên biên giới này còn kiếm lợi bất chính khi doanh thu hàng ngàn tỷ đồng từ cung cấp dịch vụ nhưng chưa đóng một đồng tiền thuế tại nhiều nước sở tại trong đó có Việt Nam. Khi chất vấn tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, nhiều ý kiến đại biểu cũng như phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã minh chứng và làm rõ hơn vấn đề trên.
“Khởi nguồn của nghệ thuật thứ 7 là vị nhân sinh, việc lợi dụng những thành tựu nhân loại, nó đã bị thao túng để phục vụ động cơ vì tiền bạc thay vì hoán cải con người và xã hội trên những nền tảng của chân, thiện, mỹ. Với những khuất tất, khuyết tật vô cùng độc hại cho xã hội như trên, nhưng phổ biến phim trên không gian mạng không phải trải qua quy trình chặt chẽ để được cấp phép phân loại phim như hệ thống rạp hay các điểm chiếu phim công cộng thì liệu đã đảm bảo nguyên tắc, đảm bảo sự bình đẳng cạnh tranh công bằng của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh và phát triển công nghiệp điện ảnh mà ngay từ đầu dự thảo đã đặt ra. Vì sao cùng một nền tảng chính sách nhưng lại có sự phân biệt đối xử, tiền kiểm và hậu kiểm trong khi cùng thực hiện hành vi phổ biến phim”, ông Nhân nêu vấn đề.
Đại biểu đoàn Bình Dương cũng cho rằng, với những vi phạm có chủ ý và có tính chất hệ thống hết lần này đến lần khác thì ở góc độ quản lý vẫn còn đó những trăn trở. Phải chăng hậu kiểm đã "nhờn thuốc" khi các vi phạm cứ lặp đi lặp lại và đồng thời cho thấy một khoảng trống pháp lý trong bảo vệ chủ quyền văn hóa và tâm thức của mọi người trước hành động xâm lăng được bao bọc bởi vẻ ngoài gắn mác nghệ thuật thứ bảy. Vấn đề đáng nói chính là dự thảo vẫn chế định cơ chế hậu kiểm thì liệu đã đánh giá thận trọng những nguy hại khôn lường từ nền tảng xuyên biên giới hay chưa?
Giải thích điều này, tờ trình tại kỳ họp thứ hai có nêu "cần xem xét kỹ lưỡng, đặc biệt về mặt kỹ thuật, về nhân lực và khả năng thực hiện kiểm soát, thẩm định nội dung phim". Với khối lượng đăng tải và truy cập phim hiện nay chưa có giải pháp hiệu quả nhằm kiểm soát khối lượng thông tin này. Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, việc lấy những khó khăn về nhân lực để lý giải cho quy định hậu kiểm đối với phổ biến phim trên không gian mạng, trong khi các công đoạn tiền kiểm hiện nay đều được số hóa và được thực hiện trên các phần mềm chuyên dụng mà các cơ quan thông tấn báo chí quốc gia hiện đang duyệt từng chương trình truyền hình nước ngoài, bao gồm hàng chục ngàn bộ phim mỗi năm trên hàng chục kênh truyền hình phát sóng 24/7 vào Việt Nam liệu đã đủ thuyết phục hay chưa?
"Giữa nỗ lực phải thể chế hóa cùng trách nhiệm của ngành và những lý giải hậu kiểm như trên của tờ trình thì đâu sẽ là giải pháp để bảo vệ ngọn đèn văn hóa trong hành trình soi đường cho quốc dân đi", ông Nhân đặt câu hỏi.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân lo ngại, nếu như các nền tảng Google, Facebook, Tiktok âm thầm theo dõi, định vị, thay đổi tâm thức người dùng từ khi gõ phím, tìm kiếm đến việc ghi âm các cuộc thoại, phân tích thông tin chứa đựng trong đó đến các thao tác tưởng chừng vô hại như những like, share, thả tim trên các dòng trạng thái thì việc cung cấp các dịch vụ phim ảnh qua các nền tảng xuyên biên giới cũng là một cách thức tấn công vào tâm thức con người bằng những tư tưởng sai lệch về giá trị văn hóa được lồng vào những câu chuyện tưởng chừng chỉ mang tính chất giải trí.
Do đó, đại biểu Nhân đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra và Quốc hội phải cân nhắc kỹ lưỡng điểm a khoản 2 Điều 18; điểm b khoản 2 Điều 21 và khoản 1 Điều 27 về hậu kiểm đối với việc phổ biến phim trên không gian mạng. Cần giải pháp để các nền tảng xuyên biên giới không có bất kỳ cơ hội nào xâm lấn bờ cõi tư tưởng văn hóa người xem nói riêng và hàng chục triệu người nói chung./.