Đề nghị sửa Luật Cán bộ công chức: “Không chỉ để xử lý người về hưu“
VOV.VN -“Cử tri và công luận rất bức xúc trước việc đề bạt, bổ nhiệm đúng quy trình nhưng vẫn bỏ lọt một số cán bộ có năng lực yếu kém, nhiều sai phạm”.
Chiều 31/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2018. Đại biểu Quốc hội đề nghị sửa đổi Luật Cán bộ công chức và xây dựng Luật Nhà giáo.
Sửa luật không chỉ để xử lý cán bộ về hưu
Đại biểu Đặng Xuân Phương (đoàn Đắk Lắk) - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống hành chính nhà nước, Quốc hội cần cân nhắc việc bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2018) sửa đổi Luật Cán bộ công chức, sau 9 năm ban hành (năm 2008).
Đại biểu Đặng Xuân Phương (đoàn Đắk Lắk) |
Theo đại biểu Phương, lý do sửa đổi không phải chỉ để giải quyết những vướng mắc chưa đồng bộ trong các quy định về trách nhiệm công vụ và việc xử lý cán bộ công chức sau khi đã nghỉ hưu, chuyển công tác mà thực tiễn đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết như vấn đề tinh giản biên chế đã đặt ra từ nhiều năm qua nhưng không giải quyết được căn bản. Trong khi đó, các quy định về vị trí việc làm còn mang tính hình thức, không phản ánh được thực chất, chất lượng giải quyết công việc của cán bộ công chức.
Hơn nữa, đại biểu Đặng Xuân Phương cho rằng, các quy định về bầu, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ công chức như hiện nay chưa thực sự gắn với thẩm quyền giám sát và xử lý trách nhiệm đối với người có chức vụ trong hệ thống công vụ. Cùng đó, tiêu chuẩn bổ nhiệm có tương xứng hay không cũng thường xuyên được nêu ra liên quan đến nhiều vụ việc cụ thể ở cả Trung ương và địa phương.
Vị đại biểu đoàn Đắk Lắk cũng nhấn mạnh, thời gian qua cử tri và công luận rất bức xúc trước việc đề bạt, bổ nhiệm đúng quy trình nhưng vẫn bỏ lọt một số cán bộ năng lực yếu kém, nhiều sai phạm trong quản lý.
Ngoài ra, theo đại biểu Phương, các quy định về chức danh lãnh đạo quản lý chưa được tách bạch một cách khoa học hợp lý với các hệ thống ngạch bậc, chức danh chuyên môn. Vẫn còn biến thể trong hệ thống chức danh như “hàm” và việc thi nâng ngạch đã trở thành một cơ chế để giải quyết vấn đề chính sách tiền lương, chứ không phải vì nhu cầu chuyên môn.
Do đó, đại biểu kiến nghị đưa nội dung sửa đổi Luật Công chức viên chức vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2018.
Đề nghị xây dựng luật Nhà giáo
ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 dự án Luật Nhà giáo.
Theo nữ đại biểu, dự án luật này được đặt ra từ Chỉ thị 40 ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư khi đề cập đến đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục và được đưa vào nghị quyết số 27 ngày 15/11/2008 của Quốc hội khoá XII, được triển khai để chuẩn bị trình Quốc hội. Tuy nhiên, chưa có sự đồng thuận.
ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) |
Ngoài ra, thời gian qua có gần 200 văn bản quy định và điều chỉnh về chính sách đối với nhà giáo nhưng nhiều bất cập chồng chéo và không thể giải quyết những vấn đề đặt ra.
Trước áp lực giảm biên chế trong bộ máy nhà nước hiện nay, đại biểu Minh cho rằng nhà giáo là nghề đặc thù. Họ không là công chức, viên chức, họ là nhà giáo, vì thế danh dự và chính sách, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, đãi ngộ phải có luật điều chỉnh để đảm bảo môi trường làm việc dân chủ, bình đẳng, kể cả trong cơ sở giáo dục công lập hay ngoài công lập.
“Họ xứng đáng được nhận sự tôn trọng và vị nể của xã hội", vị đại biểu Ngô Thị Minh nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cũng đề nghị đưa dự án Luật Nhà giáo vào xây dựng luật pháp lệnh năm 2018 để kịp thời với những thay đổi của Bộ Giáo dục./.