Dự thảo Luật Báo chí sao lại không điều chỉnh trang tin điện tử?
VOV.VN - Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) cần điều chỉnh cả những trang tin điện tử, trang mạng xã hội.
Quy định sẽ khuyến kích cách làm báo sao chép
Báo cáo Thẩm tra dự án Luật Báo chí (sửa đổi) vừa trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp 41 của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, Thường trực Uỷ ban đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể về loại hình báo điện tử.
Theo cơ quan thẩm tra, trong thời gian qua, loại hình báo điện tử phát triển mạnh mẽ với những đặc tính riêng như: khả năng tương tác cao, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian; cập nhật tin, bài đến từng phút… đòi hỏi phải có phương thức quản lý phù hợp.
Ngoài ra, các trang tin điện tử tổng hợp có tính chất tương tự như báo điện tử, hiện đang được Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT điều chỉnh, trong đó quy định hồ sơ đề nghị cấp phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp phải có “văn bản chấp thuận của các tổ chức cung cấp nguồn tin để đảm bảo tính hợp pháp của nguồn tin” (điểm đ, khoản 1, Điều 6, Thông tư 09).
Tuy nhiên, trên thực tế, ít có cơ quan báo chí nào cho phép một trang tin điện tử sao chép lại bài vở của họ, bởi đây là một cách gián tiếp giảm bớt lượng truy cập báo điện tử và số lượng phát hành báo in.
Ông Đào Trọng Thi- Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TN-TN-NĐ của Quốc hội |
“Do Luật không cho phép các trang tin điện tử tự sản xuất nội dung nên người làm các trang này sẽ tự ý sao chép, chỉnh sửa bài từ các báo điện tử. Tuy vậy, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí khó có thể ngăn chặn tình trạng này bởi số lượng các trang tin điện tử quá nhiều”, ông Đào Trọng Thi- Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TN-TN-NĐ cho biết.
Dự thảo Luật lần này đã mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả trang tin điện tử tổng hợp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp... Theo cơ quan thẩm tra, quy định này vô hình trung đã khuyến khích cách làm báo kiểu sao chép, hay nói cách khác là hợp pháp hóa việc xâm phạm bản quyền.
“Do vậy, không nên quy định “trang tin điện tử tổng hợp” trong Luật, mà có thể tham khảo cách quản lý của nhiều nước là điều chỉnh hoạt động của các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội bằng Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Sở hữu trí tuệ...”, ông Đào Trọng thi nói.
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son cũng khẳng định, một số trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội không phải là báo chí không nằm trong điều chỉnh của Luật Báo chí (sửa đổi).
“Một số trang thông tin điện tử hoạt động như báo chí nhưng không phải là báo chí được điều chỉnh bằng văn bản khác. Sắp tới chúng tôi dự định đề nghị nâng Nghị định 72 lên thành một luật mới điều chỉnh trang thông tin điện tử, trạng mạng xã hội”, ông Nguyễn Bắc Son cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Phan Trung Lý- Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, dự thảo thiếu một khái niệm về báo chí hoàn chỉnh, để căn cứ vào đấy công dân thực hiện được quyền tự do báo chí, nhà nước cũng có thể quản lý được.
Dự thảo loại rất nhiều loại có thông tin báo chí nhưng không được coi là báo chí. Như vậy việc quản lý nhà nước là khó và không biết Luật Báo chí được coi là công cụ để quản lý sẽ được sử dụng như thế nào? Khi xử lý trường hợp trái quy định của pháp luật về báo chí sẽ căn cứ vào đâu?
“Có phải ban soạn thảo nói hình thức thể hiện quan điểm, ý kiến của công dân được thể hiện theo quy định của luật này, từ thành lập đến hoạt động, tổ chức của tờ báo thì mới gọi là báo chí? Khẳng định như vậy thì sau này mới có căn cứ quản lý và thực hiện quyền tự do báo chí”, ông Phan Trung Lý nêu quan điểm.
Luật “né” phần khó?
Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh thực tế loại không được coi là báo chí đang xảy ra nhiều vấn đề và tồn tại rất lớn nhưng không được điều chỉnh trong luật này. Câu hỏi đặt ra về quyền tự do báo chí thông qua loại đó như thế nào là điều cần làm rõ.
Đồng quan điểm cho rằng tự do báo chí trong khuôn khổ pháp luật và cần có điều khoản quy định chặt chẽ hơn, tuy nhiên Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng lại băn khoăn khi luật không điều chỉnh một số trang tin điện tử.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng |
“Bộ trưởng nói những trang mạng này kia mình không đề cập thì hoá ra cái gì khó mình lại không quản lý à? Cái đó mới là nhức nhối trong xã hội. Tôi nghĩ luật phải bao trùm để có điều chỉnh nhất định. Luật Báo chí chính là “đầu vào” của Luật An toàn thông tin nên cần nghiên cứu điều chỉnh”, ông Phan Xuân Dũng đề nghị.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng nêu quan điểm: “Luật mới nói về cái trong tầm tay do nhà nước sinh ra và quản lý, còn lĩnh vực khác thực chất là báo chí mà ta không kiểm soát được. Đã là Luật báo chí thì nội dung về quản lý nhà nước là phải kiểm soát và xử lý những vấn đề về báo chí trên lãnh thổ Việt Nam”.
Do đó, ông Ksor Phước đề nghị cần thiết kế thêm phần kiểm soát và xử lý vi phạm việc đưa thông tin sai trái không chỉ của các cơ quan báo chí mà của cả các trang mạng xã hội.
Về xu hướng phát triển của báo chí, theo bà Trương Thị Mai- Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, tương lai gần báo điện tử sẽ thống lĩnh. Do đó, việc xây dựng luật cần “đón đầu” việc quản lý.
“Tôi thấy dự thảo luật chưa làm mạnh lắm việc đón đầu cho quản lý. Báo điện tử tạo cơ hội tham gia của người dân rất mạnh mẽ nên vai trò loại hình này trong đời sống hiện đại cần được quan tâm đúng mức hơn”, bà Mai đề nghị./.