Hàng hóa ùn ứ cho thấy chiến lược sản xuất, tiêu thụ nông sản còn luẩn quẩn, bế tắc
VOV.VN - Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh điều này khi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về vấn đề ùn ứ hàng nông sản ở các cửa khẩu.
Vấn đề ùn ứ hàng nông sản ở các cửa khẩu và nguyên nhân, giải pháp là một trong nhiều nội dung thu hút chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trong phiên chất vấn sáng 16/3.
Trả lời chất vấn của đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, thực tế thời gian qua đã cho thấy, vấn đề ùn ứ nguyên nhân đầu tiên do Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid. Nguyên nhân thứ hai là hàng hóa nông sản của Việt Nam xưa nay bán qua biên giới chủ yếu xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, sản phẩm xuất sang bên đó chủ yếu là không theo quy hoạch và cũng không đạt tiêu chuẩn.
Để đảm bảo việc lưu thông nông sản hàng hóa, theo Bộ trưởng, Bộ đã tham mưu Chính phủ chỉ đạo thống nhất quan điểm trao đổi với đối tác Trung Quốc để xây dựng quy trình thông quan, trước hết là thành lập các vùng xanh an toàn cho hàng hóa; thống nhất quy trình giao nhận hàng hóa ở biên giới cho thuận lợi. Đồng thời chỉ đạo các địa phương có cửa khẩu phải hỗ trợ chủ hàng trong quá trình vận tải, có thông tin thường xuyên về vùng trồng, vùng nuôi với những địa phương có sản phẩm để có sự hợp tác khi cửa khẩu phía bạn không mở do Covid, đồng thời không gây sức ép cho các địa phương có cửa khẩu. Bộ cũng chỉ đạo tăng cường hoạt động tiêu thụ trong nội địa bằng cả hình thức truyền thống và thương mại điện tử; chỉ đạo các thương vụ ở nước ngoài tăng cường kết nối giao thương để từng bước mở rộng thị trường, không phụ thuộc vào một nước.
"Chiến lược sản xuất tiêu thụ nông sản của ta còn luẩn quẩn, bế tắc"
Cho rằng, vấn đề xuất khẩu nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu với Trung Quốc cho thấy sự đứt gẫy trong tiêu thụ hàng hóa, bởi theo đại biểu Siu Hương (Gia Lai) đây là vấn đề lưu thông khi xét trong toàn bộ quy trình sản xuất, thị trường tiêu thụ nông sản chưa ổn định và cần hoàn thiện phương án sản xuất. Đại biểu đề nghị Bộ Công Thương cho biết giải pháp thời gian tới.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thừa nhận, hàng hóa ùn ứ cho thấy chiến lược sản xuất tiêu thụ nông sản còn luẩn quẩn, bế tắc. Để giải bài toán này, theo Bộ trưởng, đã không dưới 3 lần Bộ Công Thương có kiến nghị Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và các địa phương cần có quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, bám sát tín hiệu thị trường. Bộ trưởng nhấn mạnh, nếu giữ cách làm cũ thực sự là bị động. Tại diễn đàn Quốc hội lần này, một lần nữa Bộ trưởng khuyến cáo các địa phương có quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, xây dựng kế hoạch đề án sản xuất theo quy hoạch từng thị trường.
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Công Thương cùng với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tổ chức trao đổi hướng dẫn thông tin và tập huấn nghiệp vụ ngành hàng cho doanh nghiệp sản xuất nông sản, thực phẩm để các thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài trực tiếp hướng dẫn về quy cách hàng hóa, tiêu chuẩn, tập quán tiêu dùng.
“Đây cũng là cách để chúng ta có thể chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ, tiểu ngạch, sang chính ngạch”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Về nỗ lực giải quyết ùn tắc nông sản ở biên giới trước mắt, cơ quan chức năng của Việt Nam đã có rất nhiều cuộc họp và trao đổi với đối tác phía Trung Quốc. Tình hình dịch ở các tỉnh phía Bắc và Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid, nhiều thành phố bị phong tỏa, nên đã gây không ít khó khăn. Đồng tình với đại biểu trong tương lai, Bộ Công Thương và Nông nghiệp - Phát triển nông thôn phối hợp xây dựng một đề án liên quan vấn đề này. Cụ thể, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ xây dựng đề án xuất khẩu qua biên giới theo chính ngạch, với các tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể. Hiện Bộ đã trình Chính phủ, hy vọng thời gian tới, khi Chính phủ thông qua, đây sẽ là cơ sở để triển khai. Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương cùng phối hợp với 2 Bộ để cùng nhau thực hiện cho tốt.
"Bán trong nước chưa được chào đón thì bán ra nước ngoài làm sao được"
Về chất vấn của của đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) vì sao mỗi lần ta với bạn có giao thiệp thì cửa khẩu được mở, nhưng bẵng đi thì cửa khẩu lại đóng. Vậy giải pháp căn cơ, chiến lược đặt ra là gì để thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh và tình hình thế giới phức tạp, Bộ trưởng Công Thương cho biết, chiến lược phòng, chống dịch của Việt Nam và Trung Quốc có những điểm không giống nhau. Việt Nam thì thích ứng an toàn, nhưng Trung Quốc lại thực hiện Zero Covid. Thời điểm trước Tết, mặc dù hàng hóa ùn ứ rất lớn nhưng chúng ta cũng tích cực giao thiệp. Qua giao thiệp chủ yếu bàn việc giao hàng qua phương thức nào để đảm bảo an toàn cho cả hai bên. Vì mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho người dân vẫn là trên hết, không phải vì lợi ích trước mắt. Qua giao thiệp chúng ta hình thành phương thức giao nhận hàng hóa, hình thành các luồng xanh, vùng an toàn dịch bệnh. Ở thời điểm ấy, dịch ở Việt Nam chưa nặng, dịch nước bạn kiểm soát tốt nên lưu thông hàng hóa được. Nhưng sau Tết, dịch bùng phát ở phía Bắc, khu vực biên giới có nhiều người mắc, cả người Việt Nam và Trung Quốc. Bằng chứng là 3 thành phố của bạn ở khu vực cửa khẩu ráp Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai bị phong tỏa, cùng với chính sách Zero Covid, nên cửa khẩu lại đóng cửa.
“Việc đóng- mở cửa khẩu là việc của ngoại giao. Hàng nông sản đảm bảo chất lượng hay không không chỉ là trách nhiệm của ngành Công thương. Nhưng chúng tôi thấy phối hợp với nhau rất tốt nên giải quyết được bài toán này”.
Bộ trưởng khẳng định như vậy và cho biết những ngày tới việc giao thiệp vẫn phải duy trì, đây là việc cần thiết, ngoại giao vẫn là trên hết. Khi không ngoại giao được mới phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật. Bên cạnh đó, có thể thấy thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường lớn. Những nước rất xa vẫn tìm Trung Quốc để bán hàng và Việt Nam không có lý do gì để không bán hàng. Lý do nữa là các nước đưa ra tiêu chuẩn hàng hóa rất cao, đòi hỏi người sản xuất phải tuân thủ quy định này. Nhưng trên thực tế, ta với tập quán sản xuất nhỏ lẻ, không theo quy hoạch, không đảm bảo quy chuẩn.
“Một lần nữa, khuyến cáo các ngành sản xuất nói chung đặc biệt là nông nghiệp, nông sản, thực phẩm đều phải cố gắng sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tiêu chuẩn và tiêu chuẩn ấy phải sát từng thị trường chứ tiêu chuẩn chung chung rất khó. Hàng xuất vào Trung Quốc dù là chính ngạch nhưng nếu trục trặc gì đó không xuất được vào Trung Quốc cũng không dễ gì vào các thị trường khác”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
“Chúng ta hiện đã là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do nhưng nếu không nâng năng lực sản xuất, khả năng thích ứng để đáp ứng nhu cầu thị trường thì sẽ thua ngay trên sân nhà, trở thành thị trường tiêu thụ cho đối tác. Gần 100 triệu dân của chúng ta là thị trường hấp dẫn đối với các nước. Trong khi đó hàng sản xuất của chúng ta rất nhiều nhưng đưa đi thì rất khó. Vì ngay cả bán trong nước cũng chưa chắc đã được chào đón thì bán ra nước ngoài làm sao được”, Bộ trưởng cảnh báo./.