Hoạt động của cây xăng phải gắn với trách nhiệm địa phương
(VOV) -Cơ quan, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm khi cấp phép cũng như quản lý hoạt động của một số cây xăng.
Sáng 12/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Đa số các đại biểu tập trung cho ý kiến về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc PCCC.
Cây xăng hoạt động phải gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương |
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho rằng, hiện nay, có một số cây xăng hoạt động không đúng quy định đề ra, không đảm bảo điều kiện về PCCC nên khi có hoả hoạn xảy ra đã gây thiệt hại lớn tới tài sản của tổ chức, đơn vị và ảnh hưởng lớn tới người dân địa phương.
Vì vậy, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC nên quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, chính quyền địa phương khi cấp phép cũng như quản lý hoạt động của một số cây xăng. Theo đó, giấy phép phải đảm bảo nguyên tắc rõ ràng về PCCC cũng như khoảng cách an toàn từ cây xăng đến các hộ dân xung quanh.
Trách nhiệm của cơ quan, chính quyền địa phương còn được quy định cụ thể ở việc cùng với Bộ, ngành liên quan thẩm định rõ biện pháp PCCC tại các công trình xây dựng, nhà ở cao tầng. Đó là ý kiến của đại biểu Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam).
Theo đại biểu Đức Tiến, chính quyền địa phương cần phải có trách nhiệm quy định rõ như thế nào là nhà cao tầng, siêu cao tầng để yêu cầu chủ đầu tư có biện pháp và trách nhiệm thiết kế hệ thống PCCC. Việc làm này là rất cần thiết nhằm bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân nếu gặp sự cố xảy ra.
Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm (đoàn Hà Nội) kiến nghị: Hiện nay, hoạt động PCCC ở nhiều địa phương còn manh mún, thiếu đồng bộ. Cụ thể là nguồn nhân lực PCCC chưa có đủ, chế độ đầu tư trang thiết bị PCCC ở địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Vì thế, khi gặp sự cố về cháy xảy ra thường gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng của người dân.
Để khắc phục hạn chế trên, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm cho rằng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương phải có trách nhiệm phân bổ nguồn ngân sách hợp lý dành cho công tác PCCC.
Trong phiên thảo luận sáng 12/6, các đại biểu còn đóng góp ý kiến về việc cần mở rộng tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của các hộ gia đình cũng như người dân về công tác PCCC ngay tại nơi mình sinh sống./.