“Không ai nói thẳng như ông Nguyễn Đức Chung vì nể nang, bưng bít”
VOV.VN - Việc “chống lưng”, “bảo kê” là thiếu tượng tôn pháp luật, biểu hiện suy thoái của cán bộ. Tuy nhiên, chưa ai nói thẳng như Chủ tịch TP Hà Nội.
Ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh như vậy, đồng thời chia sẻ: “Cách nhìn của ông Nguyễn Đức Chung về tình trạng “chống lưng” ít nhiều đụng chạm lợi ích một số người, nhưng tôi mong Chủ tịch Hà Nội làm đến nơi đến chốn”.
Trước ông Chung, chưa ai dám nói!
PV: Thời gian vừa qua dư luận “nóng” lên sau phát ngôn của Chủ tịch TP Hà Nội về tình trạng cán bộ “chống lưng” cho những vi phạm về trật tự đô thị. Dưới góc nhìn về công tác cán bộ, vấn đề này nói lên điều gì, thưa ông?
Ông Đặng Thuần Phong: Phát biểu của anh Nguyễn Đức Chung rất nghiêm túc, thể hiện trách nhiệm và ông biết rõ, vì nếu không có tình trạng “chống lưng” thì tại sao vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường… vẫn tồn tại, xử lý mãi không được như mong muốn!
Nêu ra vấn đề là một chuyện, còn việc xử lý lại đang đặt ra thách thức. Lợi ích từ vỉa hè lâu nay bị chiếm dụng không vào Nhà nước mà vào một số người. Trước nay không ai dám nói vì còn nể nang, bưng bít, làm thinh cho lành nên dẫn đến không thượng tôn pháp luật.
Cách nhìn của ông Nguyễn Đức Chung ít nhiều “đụng chạm” lợi ích của một số người khác, nhưng tôi mong ông vượt qua và làm đến nơi đến chốn.
Ông Nguyễn Thành Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: "Cách nhìn của ông Chung ít nhiều đụng chạm" |
PV: Chúng ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, trong đó nêu cao sự gương mẫu của cán bộ, công chức; chống lợi ích nhóm. Sự nể nang, chống lưng để lấn chiếm vỉa hè, không gian chung có thể nói là việc “nhỏ mà không nhỏ”, thưa ông?
Ông Đặng Thuần Phong: Đó là một biểu hiện của suy thoái và là biểu hiện ai cũng nhìn thấy. Ở đây không đơn thuần là tự chuyển biến, tự chuyển hóa, tự đánh mất mình như Nghị quyết của Đảng nêu, mà biểu hiện này gắn với lợi ích lâu dài của người trong cuộc. Ngoài nơi giữ xe, rồi bảo kê cho nhà hàng, khách sạn đều có và diễn ra trong thực tế.
Giờ chúng ta xốc lại trật tự thì đòi hỏi người thực thi công vụ phải công tâm khách quan, nói không với biểu hiện tiêu cực hay núp bóng, bao che cho nhau.
Có thể nói việc thu lợi bất chính thời gian qua là không nhỏ và gây bức xúc, làm niềm tin người dân giảm sút. Do đó cần làm mạnh để lấy lại những gì người dân đáng được hưởng; xử lý cán bộ vi phạm vì chính việc “che đỡ” đó cho thấy không thượng tôn pháp luật.
Qua việc cụ thể, nghị quyết đi vào cuộc sống
PV: Có ý kiến nhấn mạnh rằng, để các nghị quyết đi vào cuộc sống thì phải qua giải quyết những vấn đề cụ thể như lấn chiếm vỉa hè, tránh nói chung chung. Ông bình luận gì về ý kiến này?
Ông Đặng Thuần Phong: Để nghị quyết đi vào cuộc sống thì cần có sự cụ thể hóa theo quy mô và mức độ ở từng cấp khác nhau. Trung ương thì phải giải quyết vấn đề ở đội ngũ cấp cao, phải làm gương, trong sạch để lan tỏa xuống tỉnh, rồi xuống phường, xã.
Cấp cơ sở dễ phát hiện vấn đề vì xảy ra trước mắt người dân. Vỉa hè, nơi công cộng nhà nước đầu tư nhưng sinh lợi lại rơi vào túi cá nhân. Có thể mỗi việc sinh lợi ban đầu không nhiều nhưng nhân lên nhiều hộ, nhiều người, nhiều tháng, nhiều năm thì không phải nhỏ. Rõ ràng đó gọi là tham nhũng, mà là tham nhũng có hệ thống. Từ việc vỉa hè thì việc bảo kê, chống lưng ở tất cả các lĩnh vực khác cũng cần tính quyết liệt làm cho minh bạch
Tôi rất mừng vừa qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra cách xử lý ở nhiều địa phương, để rồi gợi lại vụ việc cũ mà địa phương cho qua để xác định vi phạm, xử lý và qua đó tạo chuyển biến. Ở tỉnh, anh mạnh dạn xử lý một cách minh bạch như thế thì sẽ tạo ra làn sóng, dư luận người dân ủng hộ nhưng thời gian qua chúng ta làm còn mờ nhạt.
Việc quy trách nhiệm của người đứng đầu là rất đúng, bởi khi anh quyết tâm thì gần như cả hệ thống chuyển theo. Ngược lại sẽ làm trì trệ, hở ra nhiều khe mà người ta có thể lợi dụng, lạm dụng.
PV: Hà Nội đang có chuyển biến nhưng để mang lại kết quả thiết thực, lâu dài thì đâu là giải pháp căn cơ?
Ông Đặng Thuần Phong: Nên có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Vì vấn đề đã được nhận diện, giải pháp xử lý thì qua vai trò điều hành có thể thực hiện được. Lãnh đạo phường, trưởng công an phường đều nằm trong cấp ủy nên về mặt Đảng có thể bị xử lý trước nếu có vi phạm.
Sự vi phạm kéo dài gây mất lòng tin nên nếu tiếp tục tiêu cực này nữa, không tự hoàn thiện lại chính mình thì về mặt Đảng phải xử lý trước làm gương, rồi tiếp đó chính quyền xử lý theo đúng chức năng.
Trọng trách giao cho anh mà bây giờ đứng sau “chống lưng” thì làm sao nghiêm, anh nói ai nghe? Phường khác làm tốt còn phường này buông lỏng thì còn gì nữa là bộ mặt Thủ đô, đô thị tiến bộ? Cho nên nhận diện được phải có cách làm quyết liệt, trong điều hành phải phát hiện xử lý thì người dân tin tưởng.
Nếu cứ đồng chí này cũng thân quen, đồng chí kia cũng em cháu, mọi thứ “dĩ hòa vi quý”, “nước sông không phạm nước giếng” thì có khi mọi việc lại như cũ. Tất nhiên, mọi việc phải được thực hiện công khai, minh bạch chứ không phải trù dập nhau.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.