Không bó hẹp vùng động lực trong Quy hoạch tổng thể quốc gia
VOV.VN - Làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan tới Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết trong quá trình phát triển, nếu thấy đủ điều kiện sẽ điều chỉnh và bổ sung các vùng động lực mới để phát huy được tối đa tất cả các lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của các vùng, các địa phương chứ không bó hẹp...
Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau 2 phiên thảo luận tại tổ và hội trường, đã nhận được hơn 300 ý kiến góp ý, thảo luận của đại biểu Quốc hội. Đa số ý kiến đại biểu thống nhất với Tờ trình, dự thảo Nghi quyết và cơ bản đồng tính nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều rất tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc, có giá trị đã gợi mở nhiều vấn về để các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện Quy hoạch. Bộ trưởng khẳng định sẽ nghiên cứu tiếp thu xác đáng các ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Về sự cần thiết và tính cấp bách của xây dựng Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để triển khai các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch khác, cũng như để thu hút đầu tư đầu tư cho các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
Về mức độ chi tiết, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đã đảm bảo tuân thủ là một bước cụ thể hóa các Nghị quyết của Đại hội thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch này cũng là quy hoạch tuân theo Điều 22 của Luật Quy hoạch xác định là quy hoạch cấp quốc gia mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ; tổ chức không gian phát triển của đất nước.
Các nội dung chi tiết về phân chia tiểu vùng trong các vùng, liên kết nội vùng, định hướng phát triển cụ thể của từng ngành, từng tỉnh sẽ được quy hoạch cụ thể hóa ở các quy hoạch cấp thấp hơn để tránh sự trùng lắp và chồng chéo về nội dung của các quy hoạch.
Về các quan điểm phát triển những trọng tâm, trọng điểm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, quan điểm mới và quan trọng của quy hoạch lần này là phải hướng đến phát triển có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra được động lực phát triển mới, đồng thời phải đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội và môi trường.
Theo đó, Quy hoạch được phân chia ra 2 giai đoạn. Giai đoạn trước 2030 phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi để hình thành các vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo quan tâm các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường, các đối tượng chính sách, những người nghèo, dân tộc thiểu số miền núi nhất là về y tế, giáo dục và văn hóa. Giai đoạn sau năm 2030 sẽ hướng đến phát triển cân bằng, hài hòa và bền vững giữa các vùng miền và địa phương.
Về hình thành và phát triển các vùng động lực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quy hoạch được thiết kế trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay để lựa chọn một số địa bàn có vị trí, điều kiện thuận lợi nhất có cảng biển, cảng hàng không quốc tế, khu kinh tế ven biển, tiềm lực về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao được kết nối với các cửa khẩu quốc tế… sẽ xác định là 4 vùng động lực, sau đó có 4 cực tăng trưởng.
"Trong quá trình phát triển, nếu thấy đủ điều kiện sẽ điều chỉnh và bổ sung các vùng động lực mới để phát huy được tối đa tất cả các lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của các vùng, các địa phương chứ không bó hẹp", Bộ trưởng cũng cho biết thêm,
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, đã nghiên cứu kỹ lưỡng để lựa chọn kịch bản phát triển trên cơ sở đánh giá đầy đủ các yếu tố tác động, cân đối các nguồn lực phù hợp với cả các thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu phát triển, bám sát để cụ thể hóa mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đưa ra.
Bộ trưởng nhấn mạnh để đảm bảo tính khả thi kịch bản, phấn đấu trên tinh thần quyết tâm cao nhất, tận dụng được tất cả các khai thác hiệu quả các lợi thế so sánh của các vùng và của cả nước cũng như các cơ hội mới, xu thế mới để phát triển nhanh, bền vững và đạt được các mục tiêu Đại hội Đảng đã đề ra./.