"Lãnh đạo gợi ý quan tâm người nhà, quy trình bổ nhiệm chạy theo"
VOV.VN - Tính liêm chính của người đứng đầu trong việc cất nhắc người thân là những điểm cần chú ý rà soát trong quy trình bổ nhiệm cán bộ.
Lạm dụng quy định để bổ nhiệm người thân
Cuối tháng 9 vừa qua, Báo cáo của Uỷ ban Tư pháp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 do Chủ nhiệm Lê Thị Nga trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đại biểu Quốc hội, dư luận cử tri và báo chí phản ánh trong công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế là người trong gia đình, người thân.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga |
“Có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước” – báo cáo nêu rõ và cho rằng thực tế này đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của cán bộ Đảng viên và nhân dân vào chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước.
Do đó, Uỷ ban Tư pháp đề nghị Chính phủ ghi nhận, xem xét kỹ các phản ánh của đại biểu Quốc hội và cử tri, báo chí; chỉ đạo người có trách nhiệm kiểm tra và giải trình về các trường hợp cụ thể được phản ánh, trên cơ sở đó Chính phủ đánh giá tổng thể thực trạng và đề ra giải pháp xử lý, khắc phục trong thời gian tới.
Liên quan vấn đề bức xúc trong công tác cán bộ, Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TANDTC, nguyên Chánh án Tòa quân sự cũng từng đặt vấn đề: “Bổ nhiệm hàng loạt trước khi nghỉ, ai cũng nói đúng quy trình nhưng đúng quy trình kiểu gì? Đằng sau đó chắc phải có cái gì đó mới bổ nhiệm kiểu đấy, phải có lợi ích” và nhấn mạnh không để tình trạng mãi như vậy được.
Lãnh đạo nói một câu thì quy trình chạy theo
Trước câu hỏi việc bổ nhiệm người thân vừa qua có phải là hiện tượng lạm quyền, ông Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, thực tế có sự tranh luận khá sôi nổi trên phương tiện thông tin đại chúng và dư luận nói chung. Có ý kiến cho rằng có sự lạm quyền, có việc liên quan cá nhân, gia đình; ý kiến khác cho rằng có tư lợi, bè phái, lợi ích nhóm.
“Theo tôi, trên cơ sở ý kiến dư luận và nhân dân, cơ quan có thẩm quyền cần thanh tra, kiểm tra và làm rõ vấn đề. Nếu có sự lạm quyền thì cần xem xét lại cơ chế chính sách và xử lý” – ông Nhưỡng nói.
Ông Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội |
Chưa khẳng định quy trình có vấn đề hay không, tuy nhiên về mặt hiện tượng, vị đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho biết, người ta cho rằng trong 3 bước quy trình bổ nhiệm cán bộ hiện nay có những sơ hở.
“Thứ nhất là nặng tính tập thể, tức người ta có thể lợi dụng “phong trào” tập thể để bổ nhiệm người nhà mà họ chỉ cần đứng đằng sau. Thứ hai là tính liêm chính của người lãnh đạo ở các cấp khác nhau. Ví dụ người đứng đầu hàng tỉnh chỉ cần câu nói chú ý đồng chí nọ, đồng chí kia, cậu nọ, cô kia là người nhà của mình thì lập tức quy trình chạy theo sự chỉ đạo mang tính chất ngầm đó” – đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.
Từ thực tế đó, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, cơ quan thẩm quyền cần có sự rà soát. Với việc gần đây Ban Tổ chức Trung ương có chấn chỉnh vấn đề này, ông Nhưỡng hy vọng trong thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền, nhất là cơ quan chuyên ngành tổ chức của Đảng và Nhà nước sẽ hành động mạnh mẽ hơn.
“Các cơ quan đó sẽ có nghiên cứu để chỉ rõ điểm nào là sơ hở, dễ bị lợi dụng nhằm khẳng định đúng quy trình nhưng lại để lọt vào những người không đủ đức, đủ tài, gây ra tình trạng dễ dẫn đến “gia đình trị” và vấn đề lợi ích nhóm, bè phái, làm mất niềm tin của nhân dân, làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”- Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm./.