Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần đảm bảo chính sách công bằng cho các nghệ nhân
VOV.VN - Các đại biểu Quốc hội đề nghị cần tiếp tục ban hành chính sách đãi ngộ công bằng đối với các nghệ nhân, thể hiện sự quan tâm ghi nhận động viên của Nhà nước trong duy trì, bảo vệ, lưu giữ và truyền dạy những giá trị văn hóa của dân tộc.
Tại thảo luận ở hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sáng 26/6, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) quan tâm đến quy định tôn vinh, chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân có tài năng xuất sắc, nghệ nhân có công lao bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, nhất là những nghệ nhân người dân tộc thiểu số rất ít người.
Đại biểu Ngân cho rằng, một số nội dung quy định trong dự thảo luật đặt ra mới chỉ mang tính nguyên tắc, chưa quy định cụ thể chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với nghệ nhân người dân tộc thiểu số nói chung, chưa thể hiện sự khác biệt với các nghệ nhân khác. Mặc dù quy định nghệ nhân người dân tộc thiểu số rất ít người được đặc biệt quan tâm, nhưng chưa đầy đủ và chưa toàn diện nên chưa tạo ra động lực khuyến khích đối với các nghệ nhân người dân tộc thiểu số.
Để giải quyết tốt mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, đại biểu Ngân đề nghị cần có cơ chế đặc thù đãi ngộ động viên và tôn vinh đội ngũ đội ngũ nghệ nhân người dân tộc thiểu số một cách kịp thời, qua đó phát huy mọi khả năng đóng góp vào công tác bảo tồn và phát triển phát huy văn hóa truyền thống.
“Trong dự thảo quy định chính sách đối với nghệ nhân là chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể. Nhưng cần phân định rõ về đối tượng là nghệ nhân đối tượng là chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể, bởi chủ thể di sản văn hóa phi vật thể không chỉ là nghệ nhân, mà còn có cộng đồng là nhóm người, hoặc cá nhân khác kế thừa và sở hữu nắm giữ thực hành sáng tạo và trao truyền di sản văn hóa phi vật thể, nên quy định cần đảm bảo phù hợp đầy đủ và mang tính toàn diện”, đại biểu Ngân lưu ý.
Đối với chế độ trợ cấp sinh hoạt hàng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi phí mai táng, đại biểu nhận thấy dự thảo luật mới chỉ quy định việc trợ cấp sinh hoạt hằng tháng hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế hỗ trợ tiền mai táng khi người bệnh nhân chết là nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng.
Trong khi theo quy định tại Khoản 17, Khoản 18, Điều 3 dự thảo quy định nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể là người được thực hành, nắm giữ và trao truyền các kỹ năng, kỹ thuật, bí quyết ở trình độ cao và hiểu biết sâu sắc về di sản văn hóa phi vật thể. Người thực hành là thành viên của cộng đồng chủ thể di sản văn hóa phi vật thể tham gia tích cực vào thực hành và trao truyền, tái tạo di sản, góp phần để di sản được hình thành bản sắc văn hóa vì lợi ích của cộng đồng chủ thể.
“Như vậy không phải chỉ có nghệ nhân nhân dân hay nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng mới là người thực hành nắm giữ tham gia tích cực và thực hành và trao truyền các kỹ năng, các kỹ thuật, các bí quyết và hiểu biết sâu sắc về di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, tại báo cáo tổng kết Luật Di sản văn hóa phi vật thể, Bộ VH,TT&DL cũng đã có nội dung đánh giá, việc thực hiện chính sách đối với nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đang tập trung chủ yếu vào việc vinh danh thông qua các danh hiệu. Cụ thể là danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú nghệ nhân dân gian, các danh hiệu này lại bị chi phối bởi Luật Thi đua Khen thưởng và các chính sách khác nên chỉ tập trung vào nghệ nhân đã có danh hiệu”, đại biểu nêu.
Trước thực tế đó, đại biểu đề nghị cần tiếp tục ban hành chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể, nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú nói chung, đặc biệt là các nghệ nhân người thực hành tổ chức truyền dạy đối với di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một thất truyền. Qua đó vừa đảm bảo công bằng, vừa thể hiện sự quan tâm ghi nhận động viên của Nhà nước đối với các nghệ nhân, người thực hành trong việc duy trì, bảo vệ, lưu giữ truyền dạy những giá trị văn hóa của dân tộc.
Cùng quan tâm đến chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân chủ thể di sản văn hóa phi vật thể, đại biểu Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang) cho rằng, thời gian qua việc thực hiện chính sách đối với nghệ nhân mới tập trung chủ yếu vào việc vinh danh, thông qua các danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú. Một số chính sách hỗ trợ mới chỉ áp dụng đối với nghệ nhân nhân dân nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp hoàn cảnh khó khăn, nhưng thực tế vẫn có rất ít nghệ nhân được hỗ trợ bởi không đạt được các tiêu chí theo quy định.
Do đó, đại biểu đồng tình cao với việc dự thảo luật lần này quy định chính sách đối với nghệ nhân chủ thể di sản văn hóa phi vật thể. Theo đó, tất cả các nghệ nhân chủ thể di sản văn hóa phi vật thể được thụ hưởng chính sách, chế độ đãi ngộ của Nhà nước, không chỉ riêng đối với các nghệ nhân nhân dân nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp hoàn cảnh khó khăn.
Đồng thời, để đảm bảo tính khả thi của dự thảo luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét quy định cụ thể các tiêu chí, tiêu chuẩn được hỗ trợ các chính sách đãi ngộ của Nhà nước, cũng như rà soát nội dung tại Điểm b, Điểm c, Khoản 1, Điều 13 dự thảo luật để tránh trùng lặp.