Luật Giao thông đường thủy nội địa cần quy định chặt chẽ hơn
VOV.VN -Cơ bản các ý kiến nhất trí sửa đổi bổ sung Luật này cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Chiều nay (12/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi bổ sung Luật giao thông đường thủy nội địa.
Cơ bản các ý kiến nhất trí sửa đổi bổ sung Luật này cho phù hợp với tình hình hiện nay. Trong đó, vấn đề quản lý đường thủy, phương tiện, quy định đối với việc cấp phép và người điều khiển tàu thuyền, cũng như một số khái niệm trong dự án luật… được các đại biểu quan tâm và đề nghị làm rõ, không quy định chung chung.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng, tai nạn đường thủy gây thiệt hại nhiều về người và tài sản, thời gian qua, số vụ tai nạn đường thủy không giảm nhiều, vì vậy cần quy định rõ trong Điều 24 về “Điều kiện hoạt động của phương tiện”.
Tán thành với ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị quy định chặt chẽ hơn trong Luật, đặc biệt là việc quản lý cấp giấy chứng nhận thuyền trưởng, máy trưởng; quy định rõ về luồng tuyến để đảm bảo an toàn đường thủy theo vùng, miền và địa lý tự nhiên.
Các đại biểu cũng đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm của các đối tượng liên quan để hạn chế tai nạn và có cơ sở pháp lý khi xử lý các vụ tai nạn giao thông đường thủy, cũng như làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, trách nhiệm thanh tra, kiểm tra của các cơ quan liên quan.
Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Pháp lệnh cảnh sát cơ động. Đa số các ý kiến tán thành với các nội dung của dự án Pháp lệnh này. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đề nghị nên giữ tên gọi là “Pháp lệnh cảnh sát cơ động”, không lấy tên “Pháp lệnh cảnh sát vũ trang”./.