“Mới bắt được sâu nhỏ trong tham nhũng”
VOV.VN -Đại biểu Lê Như Tiến: Phần lớn tham nhũng là do người dân và báo chí phát hiện
“Địch tham nhũng” chưa bị sát thương là bao
Sáng 7/11, thảo luận tại Hội trường về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013, đại biểu Lê Như Tiến, đoàn Quảng Trị cho biết: Theo cử tri, nợ xấu về tiền tệ không đáng lo ngại về “nợ xấu” trong dân về đấu tranh chống tham nhũng.
Dư luận cho rằng, vệc xử lý tham nhũng chỉ mới dừng lại ở việc bắt những con sâu nhỏ đục khoét lá, cành; còn sâu lớn đục khoét thân cây, gốc rễ thì vẫn nhởn nhơ. Công cuộc phòng chống tham nhũng được bày binh bố trận rầm rộ; chiến lược, chiến thuật bài bản… nhưng “địch tham nhũng” chưa bị sát thương là bao nhiêu.
Đại biểu Lê Như Tiến phát biểu tại Hội trường (Ảnh: Thời báo doanh nhân) |
Đại biểu Lê Như Tiến khẳng định, có một nghịch lý là cơ quan phòng chống tham nhũng của ta tầng tầng lớp lớp, từ Trung ương tới địa phương, song phần lớn tham nhũng là do người dân và báo chí phát hiện.
Điều đáng lo ngại là gần đây có hiện tượng người dân thờ ơ, không còn mặn mà, thiếu lửa trong tham gia phòng chống tham nhũng. Nguyên nhân do nhiều vụ tham nhũng dân cung cấp thông tin đã không được cơ quan chức năng xử lý; đôi khi những người đấu tranh lại trở thành nạn nhân của kẻ tham nhũng. Luật phòng chống tham nhũng đã quy định về trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng quy định này lại có hai mặt. Vì người liên đới trách nhiệm thường có hành động bao che, chỉ đạo biến báo số liệu… để khi xử lý chỉ là phê bình, nhắc nhở.
Theo đại biểu Lê Như Tiến, việc kê khai tài sản còn hình thức. Vì kê khai tài sản chỉ để trong hồ sơ của một số người có trách nhiệm, không công khai để cho cử tri, nhân dân, nơi cư trú, nơi công tác để người ta biết là chưa thể hiện được hiệu quả. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác phòng chống tham nhũng chưa thực sự đạt hiệu quả.
“Có người khuyên đại biểu không nói đến tham nhũng tại Quốc hội, nhưng đại biểu Quốc hội không nói đến phòng chống tham nhũng thì sẽ suốt đời nợ dân” – ông Tiến nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến, đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu cũng khẳng định, tình trạng cán bộ tha hóa, biến chất, bảo kê cho xã hội đen đang tồn tại khiến dư luận bất bình và mong muốn phải bị trừng trị trước pháp luật. Nhiều vụ án tham nhũng dân đã biết, song bị kéo dài, chậm được được xử lý.
Phải khoanh vùng đối tượng tham nhũng
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến nói: “Đề nghị kiểm toán, thanh tra các công trình, dự án vốn đầu tư Nhà nước. Rất nhiều tiền của dân bị chiếm đoạt như làm nhà vệ sinh cho học sinh, những con đường tiền tỷ, con tàu nghìn tỷ không biết nâng giá như thế nào. Ngân sách Trung ương chi cho các tỉnh Ninh Thuận, Hậu Giang, Bắc Kạn… chỉ bằng một phần của con tàu sắt vụn. Nếu kiên quyết chống tham nhũng và chống có hiệu quả sẽ không phải nâng trần bội chi, không phải phát hành trái phiếu để nuôi tham nhũng”.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá, đoàn Trà Vinh nhấn mạnh tới “phòng bệnh hơn chữa bệnh” trong công tác phòng chống “quốc nạn” tham nhũng. Bà Khá đề nghị cần tập trung vào các vụ án tham nhũng để xử nghiêm minh, làm từ gốc chứ không từ ngọn. Việc thu hồi thất thoát từ tham nhũng cũng phải làm triệt để, bởi đó là tiền thuế do dân đóng góp.
Đại biểu Lê Như Tiến đề nghị, bên cạnh những cơ quan hiện có, cần thành lập Cục Điều tra phòng chống tham nhũng trực thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, qua đó có thể trả lời được câu hỏi lớn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là “Liệu có tham nhũng, tiêu cực, bao che trong chính cơ quan bảo vệ pháp luật và trong chính cơ quan phòng chống tham nhũng hay không?”.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, đoàn Lâm Đồng kiến nghị nên khoanh vùng đối tượng có nguy cơ tham nhũng để có hướng khắc phục, xử lý. Chống tham nhũng phải hết sức bình tĩnh, bởi “tham nhũng như con chuột ở mâm cỗ, làm sao phải lừa bắt được chuột mà vẫn phải giữ được mâm cỗ”.
“Các đại biểu đã nói hết về tham nhũng rồi, có cái gì xấu đã nói hết; với tham nhũng, không thể nói xấu hơn được nữa” – ông Nguyễn Bá Thuyền khẳng định./.