“Nếu có 2/3 phiếu Tín nhiệm thấp nên xem xét thủ tục miễn nhiệm”
VOV.VN - "Tín nhiệm thấp phải được xử lý ngay tại kỳ họp hoặc xem xét thay đổi bằng nhiều biện pháp cho thích hợp", ĐBQH nêu đề xuất.
Sáng nay (6/6), Quốc hội nghe Tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Về nội dung này, VOV.VN ghi lại một số ý kiến ĐBQH.
Đại biểu Trần Văn Tư – Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Đồng Nai
Lấy phiếu tín nhiệm là cần thiết nhưng cần mở rộng thêm đối tượng lấy phiếu tín nhiệm ở Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện.
Cùng với đó, người bị đánh giá "Tín nhiệm thấp" phải được xử lý ngay tại kỳ họp hoặc xem xét thay đổi bằng nhiều biện pháp cho thích hợp: Nếu có từ 2/3 số lượng ĐBQH, Đại biểu HĐNQ trở lên tín nhiệm thấp thì xét theo thủ tục miễn nhiệm. Nếu tín nhiệm thấp chiếm quá nửa thì xem xét giải quyết bằng các biện pháp khác như thay đổi vị trí công tác, sắp xếp cho phù hợp với khả năng, trình độ…
Tôi ủng hộ các mức lấy phiếu tín nhiệm như trong Nghị quyết 35/2012/QH13 vì đây là bước kiểm tra mức độ tín nhiệm của đại biểu dân cử, nhằm giúp người được lấy phiếu tín nhiệm có giải pháp, phương hướng phấn đấu, rèn luyện bản thân, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mình.
Các mức độ lấy phiếu tín nhiệm chính là điểm khác biệt với mức độ bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Mặt khác, việc lấy phiếu tín nhiệm với các mức độ như quy định trong Nghị quyết 35/2012/QH13 tại kỳ họp thứ năm (05), Quốc hội khóa 13 đã đạt được kết quả tốt, được cử tri đồng tình. (Những người có lượng tín nhiệm thấp đã có sự điều chỉnh, thay đổi và chuyển biến nhất định trong lĩnh vực công tác được phân công, đảm nhiệm.)
Việc lấy phiếu tín nhiệm nên tiến hành hai lần trong một nhiệm kỳ vào thời điểm đầu năm thứ ba (03) và cuối năm thứ tư (04) của nhiệm kỳ. Thực hiện phương án này, việc đánh giá cán bộ sẽ chính xác và toàn diện hơn.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP. HCM)
Việc lấy phiếu tín nhiệm là cần thiết, lần lấy phiếu tín nhiệm trước là lần đầu tiên mình làm nên phải rút kinh nghiệm để lần sau làm hiệu quả hơn. Việc bàn bạc, thảo luận lần này sẽ theo hướng đó để xây dựng bộ máy quản lý Nhà nước ngày càng tốt hơn.
Còn về ý kiến chỉ nên có 2 mức hay 3 mức đánh giá, ngay từ đầu bàn về vấn đề này, tôi đã đề nghị chỉ nên có 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm. Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp tôi nghĩ không có một ngưỡng nào để tư duy con người có thể chọn lựa được. Như thế nào là tín nhiệm cao, tôi không chọn được, mình tín nhiệm hoặc không tín nhiệm người nào đó, đơn giản vậy thôi.
Nếu nói chỉ đưa ra 2 mức mà làm nản ý chí, nhiệt huyết của những người không được tín nhiệm, hoặc không đánh giá được đầy đủ năng lực của những người mới ở vị trí đó, theo tôi là không đúng. Nói vậy là chưa hiểu hết và chưa tin tưởng vào lá phiếu của ĐBQH, rộng ra là chưa tin tưởng vào cử tri. Vì khi cầm lá phiếu, người ta đã phải cân nhắc rất kỹ đó là sinh mệnh chính trị của một cán bộ, chứ không đơn thuần bỏ cho có, nên họ phải cân nhắc cả yếu tố khách quan, chủ quan, đến hiệu quả cả quá trình hoạt động của người được lấy phiếu tín nhiệm.
Người có bản lĩnh phải nhận thấy rằng phiếu tín nhiệm là cảnh báo tốt nhất để mình vươn lên. Tôi nghĩ việc này có lợi nhiều hơn có hại, chứ nếu phiếu tín nhiệm thấp làm người đó nản chí tôi nghĩ tốt nhất không nên ngồi ghế đó nữa. Việc đánh giá đó không phải để loại trừ mà để cảnh báo, để họ thấy cần phải điều chỉnh, cố gắng hơn nữa nên nó mang ý nghĩa tích cực. Chứ nếu nói là phiếu đó để vùi dập một nhân tài tôi nghĩ nó không đúng với bản chất của việc lấy phiếu tín nhiệm và càng xúc phạm đến lá phiếu của ĐBQH.
Đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Hà Nội)
Có 3 vấn đề tập trung nghiên cứu rút kinh nghiệm đối với việc lấy phiếu tín nhiệm trong kỳ này. Thứ nhất là đối tượng lấy phiếu. Đối với Trung ương không có gì thay đổi là diện Quốc hội bầu, phê chuẩn, giới hạn ở 47 người như kỳ trước. Cũng có ý kiến không nên đưa cơ quan lập pháp vào diện lấy phiếu nhưng theo tôi giữ như hiện tại là hợp lý. Vì theo yêu cầu công tác cán bộ của Đảng thì phải đánh giá cán bộ mà việc đánh giá phải bình đẳng cả lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đối với địa phương, cũng có ý kiến là ngoài chức danh do HĐND bầu còn có các vị trưởng các ngành như giám đốc sở, rất quan trọng cũng cần lấy phiếu. Nhưng họ đã được lấy phiếu ở tổ chức Đảng rồi nên theo tôi không cần đưa vào nữa, để tránh chồng chéo.
Thứ hai, về thời gian lấy phiếu, đang có 2 phương án là cả nhiệm kỳ lấy 1 lần, hoặc cả nhiệm kỳ lấy 2 lần. Theo tôi, để phục vụ cho đánh giá cán bộ nên lấy tối thiểu 2 lần, vì nếu đầu kỳ người ta chưa có gì thể hiện còn cuối kỳ không có cơ hội cho họ điều chỉnh, rút kinh nghiệm. Đối với cán bộ viên chức, cấp thứ trưởng trở xuống việc đánh giá xếp loại là hằng năm, còn nếu cấp cao từ bộ trưởng trở lên mà cả 5 năm 1 lần là quá ít.
Thứ ba về xếp loại, còn băn khoăn 2 mức (tín nhiệm hay không tín nhiệm) hay 3 mức (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp). Trung ương đã trao đổi nên giữ 3 mức. Quan điểm tôi nên giữ 3 mức vì lấy phiếu khác bỏ phiếu. Bỏ phiếu để quy trách nhiệm pháp lý một cá nhân cụ thể thì phải quy định 2 mức rất rành mạch, còn lấy phiếu chỉ để đánh giá, nắm thông tin cán bộ nên 3 mức là hợp lý. Việc lấy phiếu là một cơ sở để bỏ phiếu nên không thể quy định bỏ phiếu nghĩa là thành 2 mức cũng khó, nhất là thông tin về người được lấy phiếu nếu không đầy đủ, cảm tính, nghe theo dư luận mà chỉ đánh giá theo 2 mức sẽ rất nguy hiểm, không công bằng với người đó.
Về hiệu quả của lần lấy phiếu đầu tiên tôi cho là rất tốt. Những người bỏ lá phiếu đề cao được trách nhiệm của mình trước người được lấy phiếu. Sau thời gian từ lấy phiếu đến nay, có người làm rất tốt, thực hiện được từ lời nói tới việc làm. Như giao thông, ngân hàng trước là điểm nóng nhưng trong thời gian vừa qua đã rất tiến bộ với sự cố gắng của tư lệnh ngành.
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình)
Lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm đã rất thành công. Các ĐBQH rất công tâm, ai là người có công, làm tốt được đánh giá đúng mức, ai làm chưa tốt cũng được đánh giá. Qua đó, những người được lấy phiếu tín nhiệm có thể đánh giá lại mình, cái gì tốt thì tiếp tục phát huy, vươn lên, cái gì chưa làm được, chưa tốt thì nhìn nhận lại để rút kinh nghiệm. Thực tế qua lần lấy phiếu vừa rồi, những người nhận số phiếu tín nhiệm thấp đã rất cố gắng và có sự tiến bộ. Việc lấy phiếu là lần đầu tiên chưa có tiền lệ nên cũng còn những mặt chưa hoàn chỉnh, bởi vậy tại kỳ họp này sẽ đưa ra bàn bạc, thảo luận về các tiêu chí, quy định với nhiều cải tiến, rút kinh nghiệm từ kỳ trước nên tôi tin trong những lần tới, việc lấy phiếu sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn.
Về ý kiến chỉ nên có 2 mức tín nhiệm hay không tín nhiệm, QH đã bàn nhiều và ý kiến cử tri cũng có nhiều băn khoăn. Có người nói nên chỉ để 2 mức, có người nói vẫn để 3 mức như hiện nay là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. QH đã thảo luận, phân tích những thuận lợi và hạn chế của tất cả các phương án đó. Cân đối trong tình hình của ta hiện nay, mọi người thống nhất rằng chúng ta vừa làm, vừa bàn bạc, vừa rút kinh nghiệm, việc chọn lựa, đào tạo cán bộ phải có thời gian. Vì vậy, hiện trong Nghị quyết vẫn xây dựng giữ ở 3 mức. Nếu làm vậy sẽ tạo điều kiện để những người được lấy phiếu tín nhiệm có cơ hội vươn lên, chuẩn bị chương trình hành động, cách làm tốt để phát triển hơn./.