Người lao động tự do “có bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch Covid-19?
VOV.VN - Sáng 11/11, Quốc hội tiếp tục ngày chất vấn thứ 2, tiếp tục nhận câu hỏi từ các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung về vấn đề hỗ trợ người lao động tự do, khi có những phản ánh họ không nhận được hỗ trợ trước ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.
Những vướng mắc trong hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là vấn đề được nhiều ĐBQH nêu ra trong 2 phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung. Các ĐBQH khẳng định, Việt Nam đã có chính sách “không để ai bị bỏ lại phía sau” nhưng tại sao “có nơi có, có nơi không”, “có người được, có người không”?
Trả lời chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, lực lượng lao động về quê vừa qua là tương đối lớn, với thống kê chính thức là khoảng 1,3 triệu người, chiếm 60% trong tổng số người dân di chuyển từ TP.HCM, Hà Nội và các vùng trọng điểm kinh tế phía Nam để về quê.
“Nhiều địa phương đã tạo được việc làm tại chỗ cho người lao động về quê, ví dụ như Quảng Trị, Quảng Nam tiếp nhận toàn bộ những công nhân nghề may và một số ngành, lĩnh vực khác cho công nhân làm việc tại địa phương mình. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khuyến khích lao động quay trở lại. Chúng tôi đang tập trung triển khai các chính sách, như chính sách giảm nghèo, chính sách cho vay quỹ quốc gia giải quyết việc làm… để hỗ trợ cho người lao động ổn định, tạo công việc mới ở địa phương”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) về kết quả triển khai gói lao động tự do, ông Đào Ngọc Dung cho biết, 56 tỉnh, thành báo cáo đã hỗ trợ cho 12,99 triệu lượt lao động tự do và kinh phí tới 16,99 nghìn tỷ đồng, như vậy chúng ta thành công. Nhưng tại sao có nơi được, nơi không?
“Tôi đã đi thị sát tại TP.HCM, Bình Dương, thậm chí 2 xã liền nhau, cùng một việc hỗ trợ nhưng có xã không được. Bởi vì phụ thuộc vào quy định chính sách, ngân sách của địa phương đó, đối tượng đó có nằm trong nhóm mà địa phương đó quy định lao động tự do không. Do đó, dẫn đến tình trạng như vậy. Vừa qua, có những địa phương ngân sách dự phòng không còn, do đó chưa hỗ trợ hoặc chậm hỗ trợ lao động tự do. Chúng tôi sau khi tổng kết sẽ báo cáo Thủ tướng để điều chỉnh chính sách cho phù hợp hơn”, Bộ trưởng trả lời.
Trả lời chất vấn về vấn đề mô hình “3 tại chỗ” của đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, nêu mô hình đã triển khai tại Bắc Ninh và Bắc Giang, sau đó, triển khai tại một số địa phương khác.
“Trung ương không áp đặt mô hình nào với các địa phương mà chỉ đưa ra nguyên tắc “an toàn thì mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Nghĩa là việc này do địa phương, doanh nghiệp xem xét quyết định dựa trên thực tế”, ông Dung nói.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cũng cho rằng, mô hình này chỉ đúng với doanh nghiệp vừa và nhỏ: “Quan điểm cá nhân của tôi là không áp đặt mô hình nào với doanh nghiệp. Tôi cũng có đọc các kiến nghị và thấy mô hình này chỉ phù hợp trong thời gian ngắn, quy mô vừa phải vì chi phí để vận hành rất lớn”./.