Nguồn cải cách tiền lương đã được chuẩn bị sẵn sàng
VOV.VN - Đây là thông tin được ông Đinh Ngọc Quý, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đưa ra tại họp báo về chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tổ chức chiều 19/10.
Tại họp báo, ông Đinh Ngọc Quý, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, cải cách tiền lương luôn là vấn đề được báo chí và dư luận đặc biệt quan tâm.
Theo ông Quý, Hội nghị lần 8 của Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết, trình Quốc hội tiến độ cải cách tiền lương. Theo kết luận Hội nghị lần 8 lộ trình thực hiện từ 1/7/2024 với tinh thần, quan điểm thực hiện 6 nội dung Nghị quyết 27 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về cải cách tiền lương.
Trong đó, xây dựng bảng lương mới thay cho bảng lương hiện nay, gồm bảng lương về chức danh lãnh đạo từ Trung ương cho đến cơ sở, bảng lương chuyên môn nghiệp vụ và 3 bảng lương cho lực lượng vũ trang. Thứ hai là sắp xếp, thu gọn chế độ phụ cấp so với hiện nay. Thứ ba là chế độ tiền thưởng bằng 10% quỹ tiền lương cơ bản không bao gồm phụ cấp. Thứ 4 là chế độ nâng bậc lương. Thứ 5 là nguồn kinh phí để thực hiện chế độ cải cách tiền lương. Thứ 6 là quản lý tiền lương và thu nhập.
“Vấn đề quan trọng nhất trong 6 nội dung này là nguồn kinh phí để cải cách tiền lương. Chính phủ báo cáo hội nghị Trung ương, nguồn cải cách tiền lương đã được chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn 2024 - 2026. Mặc dù vậy, sau 2024, tức từ 2025 thực hiện tăng có lộ trình 5-7% lộ trình tăng lương đảm bảo mức lương phù hợp tiệm cận khu vực 1 của tư nhân”, ông Đinh Ngọc Quý nêu rõ.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 23/10 và dự kiến bế mạc vào ngày 28/11 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội (kỳ họp được chia làm 2 đợt: đợt 1 từ 23/10-10/11; đợt 2 từ 20/11-28/11).
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đồng thời, xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến 8 dự án Luật, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024; xem xét các báo cáo đánh giá kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công...