Nhiều đại biểu Quốc hội muốn giám sát án hình sự oan sai
VOV.VN - Đây là một chuyên đề thực sự bức xúc trong hoạt động tố tụng hình sự những năm qua và hiện nay.
Trong thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015, nhiều đại biểu nhất trí với việc sẽ giám sát hai chuyên đề: tình hình oan sai trong các hoạt động tố tụng hình sự và việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai trong các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 – 2014.
Về chuyên đề giám sát về tình hình oan sai trong các hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho những người bị oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) cho rằng: Đây là vấn đề cần quan tâm. Trước hết, cần tìm hiểu nguyên nhân tại sao Luật Tố tụng hành chính không đi vào được cuộc sống, vì sao nhân dân chưa yên tâm, chưa tin trong việc đưa ra Tòa hành chính xem xét, phán quyết các quyết định hành chính được cho là không đúng luật. Phải tìm cho được những giải pháp để tháo gỡ, góp phần nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính hiện nay, đồng thời góp phần để xây dựng một nền hành chính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả.
Đồng tình với quan điểm này, Đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) khẳng định: “Đây là một chuyên đề thực sự bức xúc trong hoạt động tố tụng hình sự, năm 2013 Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 388 và năm 2009 Quốc hội ban hành Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước đối với những trường hợp oan sai trong quá trình hoạt động tố tụng”.
Theo phân tích của đại biểu Nguyễn Thị Khá, người ngồi đằng sau song sắt bị oan sai trước khi được bồi thường thì có ít nhất là 5 cái mất: mất về vật chất, mất về tinh thần, mất về sức khỏe, mất uy tín danh dự và có khi mất cả gia đình, tan nhà, nát cửa. Trong quá trình đi tìm chân lý để xóa tan đi những mất mát ấy thì người bị oan sai phải trải qua 3 giai đoạn đi tìm công lý. Đó là, đi tìm làm sao gặp được những người công tâm để làm rõ, làm đúng, làm ngay thì mới mong tìm thấy được công lý. Trong khi công lý được làm sáng tỏ, minh bạch bằng một quyết định hay một bản án nào đó thì phải tiếp tục đi tìm công bằng để được bồi thường, được xin lỗi đúng nghĩa và đúng luật. Đây là một quá trình gian nan và mòn mỏi đợi chờ và để đi tìm cái công bằng mà mình đã bị tước đoạt.
“Trải qua trong 3 giai đoạn đi tìm 3 cái công đó thì quả thật là một gian nan không dễ chút nào, vì muốn đáp lại danh dự một người oan sai ở trường hợp này cũng đồng nghĩa là hạ thấp danh dự của mình. Trên đời này, ít ai muốn sự thua thiệt thuộc về mình, dẫu biết rằng sự thua thiệt ấy thuộc về chân lý” – đại biểu Nguyễn Thị Khá nói.
Giám sát việc sử dụng đất ở các nông, lâm trường
Về chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai trong các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 – 2014, theo Đại biểu Bùi Mạnh Hùng, đây là một trong những vấn đề lớn đã đặt ra trong quản lý tài nguyên đất đai trong thời gian vừa qua. Đây cũng là nơi khởi đầu của nhiều vụ khiếu kiện, khiếu nại trong thời gian vừa qua, cần có sự giám sát để tìm ra được các giải pháp tích cực về chính sách khắc phục trong thời gian tới.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) dẫn chứng: Khi thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012, rất nhiều đại biểu đã phát biểu rằng hãy đem cho dân cần câu chứ không đem con cá, nhưng nếu không tạo ra môi trường có cá để dân câu thì cần câu tốt mấy cũng không có cá để câu và dân nghèo vẫn hoàn nghèo. Cá ở đây chính là đất trồng rừng, đất trồng lúa, trồng màu, đất đầm nuôi tôm, nuôi cua, cá. Hiện tượng trớ trêu thay trong giai đoạn vừa qua rất nhiều dự án bỏ hoang đất ở, nông lâm trường quốc doanh không sử dụng, dân thì không có đất canh tác, tạo ra cảnh người ăn không hết, người lần không ra.
“Tôi hoàn toàn đồng tình cao với nội dung giám sát thứ ba mà Ủy ban thường vụ Quốc hội đã lựa chọn, nhưng tôi đề nghị bổ sung nội dung giám sát thực hiện chính sách, pháp luật trong việc tổ chức quản lý thị trường hay tổ chức hệ thống thương mại, bao gồm cả thị trường nội địa xuất nhập khẩu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì trong thời gian qua vấn đề quản lý thị trường xuất nhập khẩu, đặc biệt là cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam bao gồm nông dân, ngư dân, lâm dân và người tiêu dùng ở các thành thị có rất nhiều vấn đề. Người dân mua phân bón, giống, thuốc trừ sâu, thuốc tân dược giả, hàng kém, hàng quá hạn với giá không đúng với chất lượng, đặc biệt khi thu mua hàng do người nông dân sản xuất thì nông dân bị ép giá, ăn chặn, làm cho nông dân làm ăn không có lãi, thậm chí thua lỗ nặng nên có hiện tượng lâm dân bỏ rừng, nông dân bỏ ruộng, ngư dân bỏ đầm, lang thang đi kiếm sống khắp nơi” – Đại biểu Bùi Thị An nói.
Lý do đồng ý với chuyên đề giám sát này được Đại biểu Nguyễn Thị Khá đưa ra là: Thực hiện Quyết định 134, 1592 và 74 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số không đất, thiếu đất ở, đất sản xuất, một số hộ đã phản ánh rằng họ đã được cấp đất, nhưng cấp chồng lấn trên đất của nông trường, lâm trường nên họ không vào làm được. Được biết lí do là khi cấp đất cho nông trường, lâm trường theo bản đồ khung ảnh nên không có ranh giới rõ ràng cũng không khai thác sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả cao. Có nơi, trong lúc dân thiếu đất sản xuất, đất ở thì cũng ở nơi đó diện tích đất những nông trường, lâm trường không sử dụng hết còn bỏ hoang hóa… Ngoài ra, còn có những lí do lấn đất, cho thuê đất, cho mướn sử dụng sai mục đích, bỏ hoang,...
Đại biểu Nguyễn Thị Khá đề nghị chuyên đề này nên mở rộng giám sát thêm trong số đất được cấp cho hộ nghèo vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì hộ nghèo khai thác sử dụng được đạt hiệu quả bao nhiêu phần trăm. Tuy họ đã được cấp đất nhưng không có điều kiện sử dụng, khai thác như chồng lấn, xa nhà, chủ cũ không trả, người nơi khác đến mua thu gom… Việc này hiện nay đang còn bỏ ngỏ, không ai nắm được.
Việc Quốc hội giám sát nội dung này, theo Đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang), giúp Quốc hội đưa ra những quyết định quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội, quản lý chặt chẽ hơn về đất đai, khắc phục lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai nói chung, nhất là tại các nông, lâm trường. Đặc biệt là tạo quỹ đất giao cho hộ gia đình còn thiếu và không có đất ở, đất sản xuất, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo. “Vừa qua có 528 hộ thiếu và không có đất ở, đất sản xuất được nhà nước hỗ trợ khoảng 300.000 hộ, hiện tại còn trên 326.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có đất và thiếu đất, rất cần đất để an cư và sản xuất, hạn chế di cư tự do” – đại biểu Danh Út đưa ra dẫn chứng.
Về cơ quan chủ trì các nội dung giám sát, theo đại biểu Hồ Trọng Ngũ (đoàn Vĩnh Long): “Không phải một cơ quan chủ trì, một số cơ quan tương ứng phối hợp mà Ủy ban thường vụ Quốc hội chủ trì, tập trung nguồn lực của tất cả các cơ quan của Quốc hội, các Ủy ban và Hội đồng Dân tộc, cộng đồng trách nhiệm chứ không phải của một Ủy ban nào đấy”./.