'Những vấn đề nhạy cảm cần trực diện thảo luận chứ đừng né tránh'
VOV.VN -“Luật Biểu tình dù thấy Thủ tướng rất quyết liệt, nhiều lần đưa vào chương trình nhưng tiếp tục dừng lại ở khâu nào đấy”- ĐB Quốc hội bày tỏ.
Ngày 22/5, các đại biểu Quốc hội làm việc ở tổ, thảo luận về việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII năm 2015 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.
Liên quan Luật Biểu tình và Luật về hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là những dự án quan trọng cần được sớm ban hành nhằm cụ thể hóa Điều 25 của Hiến pháp và tạo hành lang pháp lý để Nhà nước quản lý các hoạt động này. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình chuẩn bị, đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian trình dự án Luật biểu tình từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 11, còn dự án Luật về hội thì giữ thời hạn trình tại kỳ họp thứ 10 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.
Bày tỏ không đồng tình với tình trạng các dự án đề nghị điều chỉnh, bổ sung còn nhiều trong thời gian qua, Đại biểu Nguyễn Văn Chiến bày tỏ: “Cứ đưa vào chương trình rồi lại rút ra, mà không rút không được vì Chính phủ đã chuẩn bị được đâu? Luật Biểu tình không biết bao nhiêu kỳ cứ đưa vào chương trình nhưng khi đến thời điểm trình thì Chính phủ lại báo cáo chưa chuẩn bị được”.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng |
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cũng thắc mắc: “Luật Biểu tình dù thấy Thủ tướng rất quyết liệt nhưng tiếp tục dừng lại ở khâu nào đấy. Cử tri rất phàn nàn và bản thân chúng tôi thấy như thế cũng bị động khi chương trình cứ điều chỉnh”.
Cho rằng những vấn đề lớn, nhạy cảm cần trực diện thảo luận chứ né tránh cũng không giải quyết được vấn đề, đại biểu Phương Hữu Việt đề nghị Luật Biểu tình, Luật về hội cần làm sớm để điều chỉnh kịp thời những diễn biến của cuộc sống.
“Có luật thì sẽ có quy định liên quan đến việc được biểu tình tại đâu chứ không phải cứ ùa ra quốc lộ như hiện tượng xảy ra vừa qua”, đại biểu nói.
Đề nghị Luật về hội bàn từ rất lâu rồi nên cần trình thông qua tại khóa này, Đại biểu Huỳnh Văn Tính cho biết: “Lần nào tiếp xúc cử tri cũng đặt vấn đề. Hội đặc thù, không đặc thù, nơi có chế độ nhưng có nơi thì không nên rất lộn xộn, khó quản lý. Ai cũng thành lập hội mà không có pháp luật điều chỉnh, cứ thả nổi là không ổn”.
Liên quan thời gian thông qua dự án luật, theo Đại biểu Nguyễn Văn Tiên, “thời gian qua Quốc hội “ngại” hay sao mà luật nào đưa ra cũng thông qua 2 kỳ họp. Có những luật không có nhiều điểm mới nhưng kéo dài tới một năm. Rất nhiều luật sửa đổi một vài điều chỉ nên làm một kỳ họp để chúng ta có điều kiện tác động tới vấn đề KT-XH”.
Đại biểu này đề nghị nên theo định hướng những luật nào tác động đến thể chế chính trị phải hết sức cân nhắc, thận trọng; tập trung làm các luật về kinh tế, xã hội như y tế, giáo dục, kinh tế... để điều chỉnh xã hội, phát triển đất nước.
“Nghị quyết của Đảng, các luật về xã hội lúc nào cũng nói phát triển về y học cổ truyền nhưng chưa có luật, pháp lệnh nào điều chỉnh. Hay số người chết liên quan bệnh không lây nhiễm rất cao, tiêu tốn nhiều tiền của xã hội, nhà nước thì cũng cần nghiên cứu xây dựng luật về phòng chống để vừa bảo vệ quyền con người, vừa tiết kiệm nguồn lực. Chúng ta có luật phòng chống tác hại của thuốc lá thì liên quan rượu bia cũng nên luật hóa”, đại biểu đề nghị./.