Ông Phạm Minh Chính: Trưng bày quy hoạch để nhân dân giám sát
VOV.VN -Việc trưng bày cho thấy định hướng quy hoạch; nhân dân giám sát quy hoạch; đó cũng là sản phẩm xúc tiến đầu tư và là sản phẩm du lịch.
Chiều nay (23/5), Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch.
Thảo luận tại tổ, đại biểu Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh Luật Quy hoạch rất quan trọng và cần phải phân cấp nhiều hơn để các ngành, địa phương, cơ quan đơn vị thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của mình.
“Sửa luật trên tinh thần phân cấp nhiều hơn để Trung ương thì chịu trách nhiệm về những vấn đề gì thuộc tầm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung ương, còn của địa phương thì theo chức năng quyền hạn tỉnh, huyện, xã” – ông Phạm Minh Chính nêu ý kiến và cho rằng theo hướng đó thì mọi việc đơn giản đi nhiều.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu thảo luận tại tổ, chiều 23/5 |
Trước việc dự luật có nhiều điều giao Chính phủ quy định, ông Phạm Minh Chính Nguyên đặt vấn đề phải có định hướng. Bởi khi Chính phủ quy định cụ thể theo định hướng của Quốc hội thì luật mới đảm bảo thống nhất và thể hiện chức năng quyền hạn của Quốc hội.
Nhấn mạnh sự cần thiết của giám sát quy hoạch, ông Phạm Minh Chính đề nghị bổ sung thêm ý về trưng bày quy hoạch và thực tế cần có khu trưng bày như nhiều nước vì điều này sẽ “tích hợp 4 trong 1”. Theo đó, việc trưng bày cho thấy định hướng quy hoạch; nhân dân giám sát quy hoạch; đó cũng là sản phẩm xúc tiến đầu tư và là sản phẩm du lịch.
Về quy hoạch xây dựng đề nghị Chính phủ nghiên cứu vì hiện quy hoạch này tập trung nhiều ở Trung ương mà nhiều khi không giải quyết nổi, do đó cần nghiên cứu thêm hướng phân cấp hơn nữa cho các cơ quan đơn vị, địa phương làm.
“Mỗi cấp có chức năng, nhiệm vụ của họ và quyền hạn thì ràng buộc trách nhiệm luôn. Cứ dồn lên Trung ương thì khó khăn cho cả Trung ương và cho cả địa phương. Cùng với đó là tăng cường giám sát kiểm tra thì nâng cao vai trò quản lý nhà nước tốt hơn” – ông Phạm Minh Chính nêu ý kiến.
Để quy hoạch bị “treo” phải bồi thường cho dân
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM), quy hoạch treo là vấn đề “rất bất công” với người dân.
"Ở Bình Quới treo hai mươi mấy năm. Cách đây cả chục năm chúng tôi đấu tranh, mở ra được chút gì đó nhưng rồi cuối cùng vẫn siết lại rồi để treo để chờ nhà đầu tư rồi kêu một nhà đầu tư vào, vài ba năm làm không được lại nhảy ra, xong rồi cũng không tháo gỡ mà lại chờ một nhà đầu tư khác. Cho đến nay, chờ hai mươi mấy năm chưa có nhà đầu tư nào vào. Đời sống toàn bộ những người dân đó bị “treo”.” – đại biểu Trương Trọng Nghĩa thông tin.
Theo vị đại biểu này, trong Luật Quy hoạch phải quy định, nếu toàn bộ nhà cửa, tài sản, vườn tược của người ta đang hợp pháp mà anh quy hoạch, hạn chế quyền của người ta thì đúng theo Hiến pháp phải bồi thường về hạn chế đó thì mới công bằng với những vùng khác không bị quy hoạch. Nếu quy hoạch sai hoặc để quá lâu thì phải giải tỏa nếu không thì cũng phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu.
“Hai mươi mấy năm Bình Quới treo như vậy chứng tỏ là sai rồi. Thật bất công khi các nhà cầm quyền đi vẽ quy hoạch rồi để hoài như vậy. Cho nên, quy hoạch mà xâm phạm đến quyền lợi của người dân như vậy thì anh phải đền bù cho người dân một mức độ nhất định vì quyền của người ta bị hạn chế” – ông Nghĩa nêu quan điểm và nhấn mạnh nếu lần này sửa luật quy hoạch thì phải sửa ngay cái đó.
“Ở tất cả các vùng miền, đặc biệt là ở các vùng quê bị ảnh hưởng rất nhiều, gây ra chuyện khiếu nại đến mấy chục năm, như Thủ Thiêm” – Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói./.
Quản lý đất đai:“Thủ Thiêm là bài học và còn bao nhiêu Thủ Thiêm nữa?”