Phải thay đổi mạnh mẽ cách thức “chấm điểm” người ứng cử
VOV.VN - Từng ứng cử viên phải trình bày chương trình hành động của mình để cử tri tiếp nhận thông tin, đánh giá năng lực, từ đó “chấm điểm” khả năng hoàn thành nhiệm vụ đại biểu của những ứng cử viên đó đến đâu nếu được bầu.
Theo quy định của pháp luật, bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, các ứng cử viên sẽ tiến hành vận động bầu cử. Công việc này sẽ kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ.
Năm nay, cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 23/5/2021, chậm nhất là ngày 3/5/2021, tất cả các khu vực bỏ phiếu trong cả nước sẽ hoàn thành việc niêm yết danh sách những người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Như vậy, những người ứng cử sẽ có khoảng 20 ngày để vận động bầu cử.
Cần thay đổi mạnh hình thức vận động bầu cử
Theo ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng ban Dân chủ Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vận động bầu cử là hoạt động tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND báo cáo với cử tri dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu họ được bầu. Đặc biệt, trong trường hợp vận động bằng hình thức tiếp xúc cử tri, người ứng cử trực tiếp trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm, tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc và hiểu rõ hơn người ứng cử để cân nhắc bầu chọn.
Như vậy có thể thấy, hoạt động vận động bầu cử là một cấu phần rất quan trọng trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Khi thông tin về ứng cử viên càng công khai, minh bạch, cụ thể, kết hợp với trao đổi, phản biện trực tiếp giữa ứng cử viên và cử tri, sẽ là cơ sở để cử tri đánh giá, lựa chọn, bỏ phiếu cho những ứng cử viên thực sự đủ tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, theo ông Lê Bá Trình, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, để hoạt động vận động bầu cử đạt hiệu quả, trước hết phải đẩy mạnh tuyên truyền, làm sao khơi dậy tinh thần trách nhiệm của cử tri, “kéo” họ đến những hội nghị đó. Tuyệt đối không tổ chức theo hình thức mời đại diện cử tri mà cố gắng giải thích, thuyết phục, vận động để cử tri đến càng đông càng tốt. Làm được như vậy, là chúng ta đề cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cử tri với lá phiếu bầu của mình khi đưa ra quyết định chọn ai, bầu ai, điều đó không chỉ liên quan tới thành công chung của đất nước, mà liên quan tới cá nhân mỗi cử tri.
Khi đã “kéo” được cử tri đến các hội nghị, để cử tri nắm được thông tin, công tác tổ chức để người ứng cử và cử tri giao lưu, tiếp xúc với nhau rất quan trọng. Ông Lê Bá Trình cho rằng, không thể thực hiện theo hình thức trước đây, cử 1 người trong đoàn đại biểu ứng cử, ra trình bày chương trình hành động chung, mà từng ứng cử viên phải trình bày chương trình hành động của mình để cử tri tiếp nhận thông tin, giám sát, đánh giá năng lực từng người thông qua khả năng trình bày, diễn đạt, hành động, từ đó “chấm điểm” khả năng hoàn thành nhiệm vụ đại biểu của những ứng cử viên đó đến đâu nếu được bầu.
Cùng với lý lịch tiểu sử trích ngang, cử tri còn đặc biệt quan tâm đến thông tin tài sản, thu nhập của các ứng cử viên. Do vậy, khi cử tri có yêu cầu, họ cũng cần được cung cấp những thông tin này để có cơ sở đánh giá, giám sát ứng cử viên, tránh bỏ lọt những người không thực sự đủ tiêu chuẩn.
“Không biết rõ về ứng cử viên nên bỏ phiếu theo đám đông”
Theo quy định tại Hướng dẫn 36-HD/BTCTW, tiêu chuẩn đặt ra cho đại biểu Quốc hội khóa XV không chỉ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp… mà phải có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật…; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền…; đặc biệt có liên hệ chặt chẽ với nhân dân và được nhân dân tín nhiệm…
Tuy nhiên, thực tế từ nhiều cuộc bầu cử trước đây, thông tin về mức độ uy tín, tín nhiệm và quan hệ của ứng cử viên với nhân dân như thế nào? những quy định thuộc tiêu chuẩn ứng cử viên đã thể hiện trong thực tế cuộc sống… mà cử tri mong muốn được biết tường tận còn rất hạn chế, khiến cho việc bỏ phiếu có khi theo trình độ học vấn, có khi thiên về vị trí chức vụ…
Cũng muốn biết người đại diện cho mình có năng lực, trình độ ra sao, đạo đức thế nào, nhưng chỉ với những thông tin lý lịch của ứng cử viên được niêm yết tại đơn vị bầu cử, bà Nguyễn Thị Ngọc, cán bộ hưu trí ở quận Hai Bà Trưng, thừa nhận, trong kỳ bầu cử trước, mặc dù cũng đã “nghiên cứu” khá kỹ lý lịch ứng cử viên nhưng đến khi đi bỏ phiếu bà lại bỏ theo lựa chọn của đám đông.
“Tôi cùng mấy người đi bỏ phiếu có hỏi han nhau xem bầu ai và bầu theo họ luôn. Không biết bầu có đúng người không, tôi e lá phiếu của mình không có ích, bầu theo phong trào”, bà Ngọc bày tỏ.
Không muốn đi bỏ một lá phiếu vô trách nhiệm, bà Ngọc mong muốn được giao lưu, tiếp xúc nhiều hơn với ứng cử viên, thậm chí không chỉ 1 buổi mà nhiều buổi, để cử tri có điều kiện tìm hiểu kỹ hơn khi đối diện, chứ không chỉ thụ động ngồi nghe họ trình bày.
Cùng mong muốn này, ông Nguyễn Chính, Đại tá quân đội về hưu, trú tại phường Trung Phụng, quận Đống Đa, kiến nghị, để có thể hiểu rõ nhân thân của ứng cử viên, cần có những buổi tiếp xúc để cử tri được trao đổi với ứng cử viên, nói chuyện trực tiếp với nhau, người ta có thể dễ dàng hình dung hơn là những thông tin được cung cấp trên giấy.
Trong những lần bầu cử trước đây, mặc dù ông Chính cũng đã bỏ phiếu theo quan điểm và đánh giá của bản thân với những ứng cử viên mà ông biết. Còn với những đại biểu cấp cao, ông cũng chỉ “nghe giới thiệu và đọc tiểu sử của họ, sau đó bỏ phiếu cho những ứng cử viên hoạt động trong doanh nghiệp”, nhưng những ứng cử viên ông chọn thường trượt, khiến ông không khỏi băn khoăn.
Mong muốn nắm bắt, hiểu biết được một cách sâu sắc, cụ thể, tường tận đối với ứng cử viên để lựa chọn được người xuất sắc, nổi trội nhất trong những người đủ tiêu chuẩn là nguyện vọng chính đáng và có trách nhiệm của cử tri. Như vậy, việc cung cấp đầy đủ thông tin và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cử tri và người ứng cử trao đổi trực tiếp để cử tri yên tâm lựa chọn người đại diện cho mình trên diễn đàn Quốc hội, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan này./.