Quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Pháp trên đà phát triển

VOV.VN - Hy vọng với IPU-132 và tại nhiều diễn đàn và hoạt động khác, mối quan hệ
hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Pháp sẽ tiếp tục đà phát
triển.

Tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tổ chức tại thủ đô Hà Nội - Việt Nam từ 27/3-1/4, Đoàn đại biểu Nghị viện Pháp, do Nghị sỹ Michele André, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính của Thượng viện dẫn đầu, đã tới tham dự. Đoàn gồm 15 thành viên, phụ trách các lĩnh vực liên quan đến chương trình nghị sự của Hội nghị như: phát triển bền vững; văn hóa, giáo dục và truyền thông; đối ngoại, quốc phòng…

Lễ khai mạc IPU 132 tại Hà Nội (Ảnh: TTXVN)
Đoàn đại biểu Nghị viện Pháp đã được các Lãnh đạo cao cấp của Quốc hội nước chủ nhà Việt Nam đón tiếp trọng thị và trao đổi về những vấn đề mà Quốc hội 2 nước quan tâm…đặc biệt là các vấn đề nằm trong chương trình nghị sự của IPU -132. IPU lần này nêu cao khẩu hiệu: “Các mục tiêu phát triển bền vững, biến lời nói thành hành động” do Việt Nam đưa ra, trong đó việc thông qua Nghị quyết “Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước” là chủ đề trung tâm. 

Quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Pháp (gồm Thượng viện và Quốc hội - hay Hạ viện) trong những năm qua phát triển rất tốt đẹp, trở thành kênh quan trọng trong việc mở rộng quan hệ giữa hai nước.

Mối quan hệ ấy phát triển dựa trên cơ sở Văn bản thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Thượng nghị viện Cộng hòa Pháp (ký năm 2003), Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Pháp (ký năm 2008) và sự hợp tác trao đổi đoàn ở các cấp, được duy trì và thực hiện khá đều đặn. Đặc biệt là các chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (năm 2005), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (năm 2008), Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (2013), Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng (2014), Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Việt - Pháp Ngô Quang Xuân (2009), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Thoa (2013); các chuyến thăm Việt Nam của ông Christian Poncelet với tư cách là Chủ tịch Thượng viện Pháp (năm 2003, 2008) và tư cách Chủ tịch Nhóm nghị sỹ Hữu nghị Pháp - Việt tại Quốc hội ( năm 2014).

Hầu hết các ủy ban chuyên môn của Quốc hội Việt Nam cũng đã sang thăm, tìm hiểu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, hoạt động lập pháp, lập hiến với các ủy ban tương ứng của Quốc hội và Thượng viện Pháp. Ngoài ra, trong các chuyến thăm chính thức Pháp, Lãnh đạo cấp cao của ta (Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Thủ tướng) đều có các cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Thượng viện của bạn.

Việc trao đổi đoàn các cấp thực sự có ý nghĩa quan trọng trong việc thắt chặt mối quan hệ hợp tác nhiều mặt và tin cậy giữa cơ quan lập pháp hai nước và giữa hai nước nói chung.

Phó CTQH Tòng Thị Phóng thăm, làm việc với Thượng viện Pháp vào tháng 10/2014

Trong chuyến thăm Pháp gần đây nhất của Đoàn đại biểu cao cấp Quốc hội Việt Nam (tháng 10/2014), Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã gặp gỡ, hội đàm với Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Pháp Laurence Dumont, bày tỏ mong muốn Quốc hội hai nước tiếp tục có những trao đổi đoàn cấp cao và ủng hộ hai Chính phủ thực hiện tốt các chương trình hợp tác, thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược đã được xác định trong chuyến thăm Pháp tháng 9/2013 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bà nhấn mạnh đến sự hợp tác của Pháp trong một số lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh như luật, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, xử lý nước thải…

Nhân chuyến thăm, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng có các cuộc gặp gỡ, trao đổi với Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Pháp - Việt Pascal Deguihem, Phó Chủ tịch Ủy ban pháp luật của Quốc hội Pháp Dominique Raibourg và Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) Pascal Terrasse.    

Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Pháp cũng thường xuyên có sự hợp tác, trao đổi quan điểm, phối hợp tại các diễn đàn liên nghị viện, như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Đối tác nghị viện Á - Âu (ASEP) hay Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF)…

Quốc hội và Thượng viện Pháp đều có thái độ rất tích cực với Việt Nam; có tình cảm hữu nghị, ấn tượng tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam; coi trọng vai trò của Việt Nam ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đánh giá cao thành công của chính sách đổi mới của Việt Nam; rất tích cực thúc đẩy sự hợp tác về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng với Việt Nam; ủng hộ các quan điểm giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực của Việt Nam, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Đặc biệt, Quốc hội và Thượng viện Pháp đều có nhóm nghị sỹ hữu nghị Pháp - Việt, có đại diện của tất cả các đảng phái chính trị và hoạt động rất tích cực ủng hộ phát triển quan hệ hai nước. Hiện, Nhóm Nghị sỹ hữu nghị tại Quốc hội có 68 thành viên; tại Thượng viện có 50 thành viên và đều là các nhóm có số lượng nghị sỹ thành viên vào loại đông đảo nhất và ngày càng tăng so với các nhóm nghị sỹ hữu nghị khác, cho thấy Việt Nam luôn có một vị trí đặc biệt đối với các nghị sỹ Pháp.

Ông Christian Poncelet, nguyên Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Nhóm Hữu ngị Pháp - Việt tại Thượng viện, là người có vị trí và ảnh hưởng tại Thượng viện và rất tâm huyết, có nhiều đóng góp cá nhân quan trọng cho quan hệ hai nước.

Phát biểu trong Hội thảo 40 năm quan hệ Pháp - Việt, tổ chức theo sáng kiến của Nhóm nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt và Đại sứ Việt Nam tại Pháp năm 2014, ông Christian Poncelet đánh giá cao những thành quả hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, đề cao những đóng góp của Nhóm hữu nghị Pháp -Việt và mong muốn thúc đẩy, đa dạng hóa các hình thức hợp tác của Quốc hội hai nước trong tương lai.

Tham dự IPU-132 tại Hà Nội lần này, với thành phần đoàn đa số là những Nghị sỹ chuyên trách những lĩnh vực nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị, Nghị viện Pháp thể hiện sự quan tâm đến hoạt động của IPU nói chung và mối quan hệ hợp tác với Quốc hội Việt Nam nói riêng.

Hy vọng với IPU-132 và tại nhiều diễn đàn và hoạt động khác, mối quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Pháp sẽ tiếp tục đà phát triển trong những năm qua, góp phần tích cực thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước trong tương lai./.        

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên