Quảng Ninh và câu chuyện đi tìm cán bộ
(VOV) - Cách làm của tỉnh Quảng Ninh là bước đột phá trong công tác cán bộ để khơi dậy niềm tin giữa Đảng với nhân dân.
Quảng Ninh-vùng đất địa đầu Tổ quốc, nơi có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế-xã hội và có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng. Thêm một vịnh Hạ Long được thế giới công nhận là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới, đang tạo tiền đề cho Quảng Ninh vươn lên mang tầm khu vực và quốc tế. Nhưng làm gì để khai thác được hết lợi thế nhằm bứt phá vươn lên?
Câu hỏi này không chỉ là điều trăn trở riêng của lãnh đạo tỉnh, mà đó cũng là câu hỏi, là khát vọng của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Trong rất nhiều điều phải lo, thì việc chuẩn bị một đội ngũ cán bộ có trí thức, năng động trong thực tiễn và vì lợi ích chung để đáp ứng yêu cầu phát triển mới là điều Tỉnh uỷ Quảng Ninh hướng đến. Mà cuộc thi tuyển lãnh đạo cấp sở vừa qua chỉ là bước khởi đầu.
Cuộc thi đã thành công, 2 người trúng tuyển đã được bổ nhiệm vào những vị trí xứng đáng. Dư luận đang nghe ngóng về cách làm của tỉnh Quảng Ninh và coi đây là bước đột phá trong công tác cán bộ để khôi phục và khơi dậy niềm tin giữa Đảng với nhân dân.
Trong một ngày bộn bề công việc cuối tháng Chạp, bà Đỗ Thị Hoàng- Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh đã dành thời gian trao đổi với phóng viên Đài TNVN để làm sáng rõ thêm câu chuyện mới mẻ này.
Bà Đỗ Thị Hoàng cho biết: “Thực ra, công tác cán bộ thời nào cũng được Đảng ta đặt ra và xem là một trong những công tác trọng tâm của Đảng. Bác Hồ nói: “Cán bộ nào, phong trào ấy”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI phần nói về công tác bộ đã chủ trương “thí điểm chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo quản lý; thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự theo hướng những người được dự kiến đề bạt, bổ nhiệm phải trình bày đề án hoặc chương trình hành động trước khi cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”.
Vận dụng vào tình hình cụ thể, chúng tôi thấy đó là một chủ trương hoàn toàn chính xác và triển khai thực hiện trên cơ sở đặt ra mục tiêu rất rõ là phải thực sự công khai, minh bạch và công bằng, công tâm. Sau đó, chúng tôi đã lập một Hội đồng thẩm định ở cấp có thể ra quyết định đối với người trúng tuyển.
Quá trình tổ chức thi tuyển, chấm điểm, đánh giá đều được tiến hành một cách thận trọng, nghiêm túc thông qua một qui chế rõ ràng, minh bạch. Khi đã tổ chức thi, chúng tôi mở rộng nguồn ứng cử. Trên cơ sở những tiêu chuẩn cho các chức vụ mà mình đang cần bổ nhiệm, các ứng viên tự xét điều kiện năng lực của mình, nếu thấy đủ tự tin đều có thể đăng ký dự thi.
Tôi nghĩ, một chủ trương đúng, một chủ trương mới sẽ không bao giờ thành hiện thực và không bao giờ đúng cả nếu không có ai hưởng ứng. Cho nên với cuộc thi này, sau khi thông báo rộng rãi, rất nhiều cán bộ trẻ đăng ký dự thi. Sau sơ tuyển còn lại 13 ứng cử viên. Đến lúc thi, còn lại 11 người thi tuyển vào 2 chức danh là Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông và Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long. Có thể nói đó là những người hết sức nhiệt huyết, có bản lĩnh và khao khát hành động.
Bà Đỗ Thị Hoàng |
** Có thể nói đây là cuộc thi tuyển lãnh đạo cấp sở đầu tiên trong cả nước. Ý tưởng này bắt đầu từ đâu, thưa bà?
Bà Đỗ Thị Hoàng: Thực ra thì từ năm 2006, tỉnh Quảng Ninh đã thí điểm bổ nhiệm cán bộ thông qua việc trình bày đề án. Đến năm 2008, chúng tôi phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội thảo khoa học để rút kinh nghiệm và thấy rằng đấy là cách làm hay, nên không cần phải thí điểm nữa, mà quyết định chính thức là cho bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo thông qua trình bày đề án.
Hiện một số chức danh đã được bổ nhiệm theo cách này. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn trăn trở là làm sao để có nhiều sự lựa chọn hơn nữa thì mới mong có được những cán bộ mà mình ưng ý. Thế là với sự chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Bì thư Tỉnh ủy chúng tôi quyết định tiến thêm một bước nữa - tổ chức thi tuyển cạnh tranh.
So với cách tổ chức trình bày đề án thì việc thi tuyển cạnh tranh có nhiều ưu điểm hơn. Vì nếu trình bày đề án thì ta chỉ lấy những người trong nguồn quy hoạch vào chức danh ấy thôi. Việc bổ nhiệm ai, ở cơ quan nào đều phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của Ban xét duyệt đề án: gồm đại diện cấp ủy, chính quyền và đại diện cơ quan quản lý cấp trên, lại sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm của cơ quan đơn vị đấy làm kênh thông tin chính để quyết định bổ nhiệm.
Như vậy việc lựa chọn cán bộ phụ thuộc rất nhiều vào tình cảm của cán bộ công chức tại đơn vị, cũng như của người có quyền bổ nhiệm chứ không hoàn toàn căn cứ vào năng lực thực chất. Lần này tổ chức thi tuyển công khai với nhiều tiêu chí mở, chúng tôi mở rộng được nguồn.
Tôi tin rằng, về lâu dài, không chỉ cán bộ trong tỉnh Quảng Ninh, mà người ở tỉnh khác nữa, nếu thấy rõ là việc thi tuyển ở đây là minh bạch, công tâm và khách quan, Quảng Ninh là nơi có đất dụng võ thì rất có thể, họ sẽ sẵn sàng ghi tên ứng thí nếu đủ bản lĩnh, đủ tri thức và đủ năng lực quản lý điều hành.
** Lâu nay, việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo gần như là chuyện “khép kín”, là chuyện riêng của cấp ủy Đảng. Việc lấy phiếu tín nhiệm còn mang nặng hình thức. Chính vì thế mà nhiều người cho rằng: “Mười năm phấn đấu không bằng cơ cấu một giờ”. Cũng bởi thế mà đây đó ở nhiều cơ quan, đơn vị đề bạt, bổ nhiệm cán bộ không xứng đáng cả về phẩm chất chính trị, năng lực lãnh đạo “kém đức, hèn tài”. Hệ lụy của nó là công việc đình trệ, phong trào đi xuống, phát sinh tham nhũng, gây mặc cảm và mất lòng tin của quần chúng nhân dân. Nay, Quảng Ninh tổ chức thi tuyển cạnh tranh, lại mở rộng đối tượng tham gia, liệu như vậy có đảm bảo tính thống nhất lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ? Nhỡ người thi tuyển đạt điểm cao, nhưng lại không phải là người được cấp ủy “ngắm” trước thì sao?
Bà Đỗ Thị Hoàng: Thực ra phần lớn những ứng viên đều là cán bộ trong quy hoạch của ngành, lĩnh vực họ đang công tác, có thành tích và hầu hết đang nắm giữ các chức vụ trưởng phó phòng hoặc tương đương. Có những ứng viên không phải là quy hoạch trong ngành lĩnh vực mà mình dự kiến bổ nhiệm nhưng họ cũng đã được qui hoạch ở ngành mà họ đang công tác, cho nên đều có sự quan tâm theo dõi và quy hoạch đào tạo bồi dưỡng. Lần thi này chỉ 1 ứng viên ở doanh nghiệp đã được quy hoạch trong đơn vị nhưng chúng tôi chưa có điều kiện tuyển dụng, nhưng qua cuộc thi này đã bộc lộ được rất rõ phẩm chất và năng lực.
** Thưa bà, không phải bây giờ, mà từ rất lâu rồi, nhiều người không tin lắm ở các cuộc thi. Đơn giản như việc tuyển dụng công chức, tuyển dụng lao động của các cơ quan, nhiều người cũng cho rằng chỉ là hình thức để hợp lý hóa số người đã được lãnh đạo chấm trước. Bởi có những cuộc thi tuyển, vừa thông báo thì đã có đầy hồ sơ, chuyện quân xanh, quân đỏ là có thật. Vậy, với cuộc thi này, Quảng Ninh làm gì để dư luận không hoài nghi về tính công khai, minh bạch của quá trình chọn lựa ứng viên trúng tuyển?
Bà Đỗ Thị Hoàng: Đúng là nếu ở ngoài cuộc, tôi cũng nghĩ như vậy, cũng băn khoăn thôi. Nhưng mục tiêu của chúng tôi là đi tìm người, đi tìm cán bộ, mà đã cất công đi tìm người thực sự mình cần thì phải tìm cho đúng. Vì vậy, khi được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao nhiệm vụ, chúng tôi nghĩ nếu không làm minh bạch, công khai và công tâm thì sẽ đánh mất niềm tin. Không phải chỉ nhân dân đâu, mà ngay đội ngũ cán bộ lãnh đạo của mình cũng sẽ mất niềm tin.
Cho nên, với tư cách là người chịu trách nhiệm chính, tôi yêu cầu anh em xây dựng quy chế rất cẩn thận, đưa ra lấy ý kiến của từng đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh ủy, xong lại xin ý kiến thêm của Ban Tổ chức Trung ương, rồi quay về lấy ý kiến của từng đồng chí thường vụ để mọi qui định đưa ra là khách quan nhất.
Việc chấm điểm của ban giám khảo, chúng tôi qui định, nếu giữa vị giám khảo nọ với giám khảo kia mà chênh nhau quá 20% thì đều phải chấm tập thể, giống như chấm thi đại học vậy. Làm như thế thì sẽ hạn chế được trường họp vì tình cảm cá nhân mà các giám khảo làm sai lệch kết quả thi.
Tức là những gì có thể dẫn đến chuyện khuất tất thì chúng tôi đều lường trước, đều có qui chế ràng buộc chặt chẽ. Những người không phận sự thì không được vào. Nhưng lại e rằng nếu làm kín quá, không có công cụ nào kiểm soát thì cũng dễ làm người ta nghi ngờ. Nên chúng tôi đã đề nghị Đài PT-TH tỉnh đến quay phim để kiểm soát toàn bộ cuộc thi. Tất cả băng hình chúng tôi đang lưu giữ cẩn thận, đề phòng có ai khiếu nại gì không?
Tôi nghĩ là mình hoàn toàn có thể cung cấp cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu về cuộc thi, thậm chí cần tuyên truyền về quá trình tổ chức thi, cũng có thể cho đăng tải dần dần trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều rất vui là sau khi công bố kết quả, hầu như mọi người đều công nhận là cuộc thi rất công bằng, minh bạch. Có ứng viên, mặc dù không đỗ lần này nhưng rất xúc động, phát biểu chân tình rằng, họ rất hạnh phúc, vì thấy những ý tưởng, những đề xuất của mình được lãnh đạo tỉnh lắng nghe và ghi nhận. Những người trúng tuyển là hoàn toàn xứng đáng.
** Có ý kiến cho rằng, dù gì thì đây cũng chỉ mới là một cuộc thi. Cán bộ quản lý, điều cần nhất là hiệu quả công việc, là khả năng hành động thực tiễn chứ không chỉ giỏi lý thuyết. Khi tổ chức thi tuyển, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã giải quyết mối quan hệ này như thế nào?
Bà Đỗ Thị Hoàng: Cái gì cũng có 2 mặt của vấn đề, những người dự thi đều là người đang công tác, đã kinh qua thực tiễn công việc. Riêng việc đi thi cũng đã thể hiện tâm huyết, trách nhiệm và lòng can đảm của họ rồi. Còn năng lực thực sự trên cương vị sẽ được bổ nhiệm nếu trúng tuyển thì phải chờ thời gian.
Trong cuộc thi, bên cạnh kiểm tra lý thuyết, chúng tôi cũng đã đặt ra những câu hỏi mang tính tình huống để đánh giá khả năng xử lý của các ứng viên. Có thí sinh cho biết là 6 năm công tác, được giao 3 nhiệm vụ, cả 3 nhiệm vụ đều triển khai mới. Cứ thành công ở lĩnh vực này lại luân chuyển sang công việc khác mới hơn. Mới 6 năm làm lãnh đạo nhưng đã trải qua 3 lĩnh vực và 2 lĩnh vực chịu trách nhiệm chính. Đấy là năng lực, là quản lý chứ đâu nữa.
Một ứng viên khác là giám đốc trung tâm tương đương trưởng phòng, khi được hỏi: Nếu thi đỗ vào chức vụ Giám đốc Sở thì có mạnh dạn nhận nhiệm vụ không khi mà cả 4 cấp phó đều đáng tuổi cha chú của mình? Câu trả lời là: “Riêng việc đi thi là đã sẵn sàng rồi. Còn việc quản lý, phải thông qua quy chế và hiệu quả công việc. Qua quy chế mà xây dựng được mối đồng thuận, cộng tác với nhau tốt thì sẽ có hiệu quả tốt, qua quy chế mà sự bắt tay chưa thuận lợi thì sẽ phải tính các giải pháp tổ chức khác”.
Tôi cho rằng một người có kinh nghiệm lâu năm cũng chỉ có thể trả lời được đến thế. Điều đặc biệt là khi phát hiện ứng viên nào nổi trội là ngay lập tức, Ban Thường vụ chúng tôi hỏi dồn dập, hỏi không cho kịp suy nghĩ để dồn người ta, xem bản lĩnh kỹ năng ứng phó của người ta như thế nào.
Nhưng có những thí sinh trả lời rất rất sắc sảo, giải pháp quản lý rất khả thi và có thể áp dụng trong thực tế được ngay. Chứng tỏ họ rất bản lĩnh, rất tự tin và thể hiện sự trăn trở, khát vọng vươn lên và ham hành động. Vì vậy, chúng tôi tin là những người trúng tuyển lần này đều là người thực tiễn mà chúng tôi cần tìm. Còn muốn đánh giá hiệu quả thực sự thì cần phải có thời gian để họ thực thi nhiệm vụ, triển khai ý tưởng của mình nữa chứ. Tất nhiên, kết quả công việc còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng nghỉ của họ.
** Một ý tưởng mới, một cách làm đột phá chưa hẳn đã nhận được sự đồng tình của xã hội. Trong quá trình tổ chức cuộc thi này, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nói chung và bà nói riêng có chịu áp lực gì không?
Bà Đỗ Thị Hoàng: Thực ra sau khi cuộc thi diễn ra thì dư luận xã hội đánh giá rất nhiều chiều. Một kênh thì ủng hộ cách làm công khai, minh bạch, khách quan, công tâm của tỉnh. Họ ủng hộ vì nghĩ rằng cuộc thi đã góp phần khích lệ các cán bộ có năng lực thể hiện rõ sự khát khao cống hiến tri thức của mình cho xã hội.
Thế nhưng, cũng có một dư luận khác băn khoăn là liệu có đảm bảo tính Đảng trong công tác cán bộ hay không? Có làm đúng quy trình về phát hiện, quy hoạch rồi mới đến bổ nhiệm hay không? Những người đã cống hiến, có kinh nghiệm quản lý mà thi trượt đợt này thì phải bố trí họ thế nào để đảm bảo tính kế thừa. Những suy nghĩ ấy là rất thực tế cần ghi nhận. Đấy cũng chính là những điều mà Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh suy nghĩ.
Thực tế, có trường hợp cán bộ trong qui hoạch, qui trình bổ nhiệm cũng được tiến hành rất đúng trình tự, từ cơ sở lên không thấy sai gì cả. Thế nhưng, khi bổ nhiệm vào thì điều hành công việc không hiệu quả, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngành, để lại dư luận không tốt. Vì vậy, tôi cho rằng, công tác cán bộ phải lấy thực chất làm trọng. Một qui trình đã gọi là đúng thì không thể cho ra một kết quả sai.
** Thưa bà, có thể nói là cuộc thi tuyển lãnh đạo cấp sở của Quảng Ninh đã thành công. Dư luận dẫu còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng nhìn chung đều ghi nhận đây là một cách làm hay, cần được nhân rộng. Theo bà, những bài học kinh nghiệm được rút ra từ cuộc thi này là gì?
Bà Đỗ Thị Hoàng: Ngay sau khi kết thúc cuộc thi, trước giờ công bố kết quả thì Ban Thường vụ chúng tôi tổ chức họp rút kinh nghiệm luôn. Thứ nhất là ghi nhận sự cố gắng, sự nhiệt tình của 11 ứng viên dự thi. Ngoài 2 người được bổ nhiệm chính thức thì chúng tôi bảo lưu kết quả này trong vòng 12 tháng, nếu như có nhu cầu bổ nhiệm của chuyên môn gần giống như vậy thì chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho các ứng viên đã tham gia dự tuyển trước.
Thứ 2, chúng tôi gửi kết quả và ghi nhận của tập thể Ban Thường vụ với các ứng viên đã dự tuyển. Nếu là người trong tổ chức của mình thì dễ nhưng còn ứng viên của các doanh nghiệp thì mình cũng có xác nhận gửi cho họ, để đơn vị ấy theo dõi, giúp đỡ, hỗ trợ cho người ta có thể tiếp tục phát triển.
Thứ 3 là chúng tôi phân công các đồng chí thường vụ chịu trách nhiệm theo dõi và tạo điều kiên để người được bổ nhiệm thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình. Cần thiết phải đề xuất một số giải pháp về quản lý để tạo sự đồng thuận của đơn vị có người bổ nhiệm ấy, người ta tạo không khí để làm việc tốt. Đồng thời cũng phải ra soát các quy chế hiện nay rồi tạo điều kiện để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mà các ứng viên đã đề xuất.
Chúng tôi cũng giao trách nhiệm cho 2 ứng viên được bổ nhiệm tập hợp lại những ý tưởng tốt nhất của các đề án và các ý kiến tham gia góp ý của Ban thường vụ thành 1 đề án chuẩn và đề nghị cơ quan cấp trên phê duyệt. Coi như đấy là một trong những căn cứ để giám sát các đối tượng được bổ nhiệm thực hiện nhiệm vụ trong thời gian giữ chức. Phải làm được như vậy thì mới đánh giá được toàn diện kết quả cuộc thi tuyển này.
Tới đây, chúng tôi sẽ lựa chọn một số vị trí để tiếp tục tổ chức thi tuyển cạnh tranh, cân nhắc việc luân chuyển một số vị trí khác để còn chuẩn bị tạo nguồn cho nhiệm kỳ 2015-2020, giải quyết hài hòa để vừa phát huy được trí tuệ của cán bộ trẻ, đồng thời tiếp tục sử dụng đội ngũ cán bộ có tri thức, kinh nghiệm đã được bổ nhiệm từ trước./.