Quốc hội giám sát phải làm rõ trách nhiệm
VOV.VN - Các hoạt động giám sát phải làm rõ trách nhiệm đối tượng, nội dung giám sát, nếu thấy cần thiết thì kiến nghị xử lý.
Sáng 24/2, Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị về công tác phối hợp phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội với sự tham dự của đại diện Ủy ban thường vụ, các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, ngành Trung ương. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn chủ trì hội nghị.
Hội nghị phối hợp phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội (Ảnh: Ngọc Thạch) |
Trong những năm qua, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục được đẩy mạnh mang lại nhiều kết quả tích cực. Qua giám sát, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị, đóng góp nhiều thông tin quan trọng cho hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội với các cơ quan liên quan còn một số hạn chế, thiếu chặt chẽ dẫn tới chất lượng hoạt động của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội chưa cao.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, đặc biệt là trong hoạt động chất vấn, các đại biểu đề nghị hoạt động giám sát cần thực chất hơn, tăng cường giám sát văn bản, giám sát chuyên đề và đặc biệt là cần chuẩn bị kỹ chương trình giám sát. Các hoạt động giám sát phải làm rõ trách nhiệm đối tượng, nội dung giám sát, nếu thấy cần thiết thì kiến nghị xử lý, tránh những kết luận giám sát chung chung, không có địa chỉ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền kiến nghị: “Thường vụ Quốc hội phải chỉ đạo các Ủy ban khi tiến hành giám sát địa phương, bộ ngành phải chuẩn bị chu đáo, nghiên cứu trước, nghiên cứu tình hình và đặc biệt là nghiên cứu đơn thư khiếu kiện, tố cáo kéo dài của đối tượng bị giám sát. Tất cả những kết luận phải cụ thể, làm rõ trách nhiệm và trong trường hợp cần thiết thì kiến nghị xử lý”.
Một số đại biểu cũng kiến nghị, việc giám sát văn bản cần được tăng cường hơn nữa bởi thời gian qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhưng thiếu văn bản hướng dẫn, hướng dẫn không đúng hoặc có những văn bản ban hành chưa sát thực tế gây bức xúc trong xã hội. Vì vậy, giám sát thực hiện bài bản sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí đồng thời nâng cao chất lượng giám sát, cũng như phục vụ tốt Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành các văn bản luật.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị các đơn vị phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan liên quan; báo cáo giám sát phải có chất lượng, đáp ứng tốt cho các kỳ họp Quốc hội và các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng như nguyện vọng của cử tri./.