Quốc hội lại ‘nóng’ chuyện sim rác
VOV.VN -Bộ trưởng thừa nhận việc quản lý sim rác vẫn khó vì hạ tầng viễn thông chưa liên thông, nhiều đại lý lách luật…
Tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông (TTTT) Nguyễn Bắc Son, ngay đầu phiên làm việc sáng nay (21/11), các đại biểu đã làm nóng nghị trường với những câu hỏi liên quan đến sim rác.
Ngay sau chất vấn của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng cần “trả lời dứt khoát là có chấm dứt được tình trạng này hay không?”
Trả lời về tình trạng sim rác tràn lan, Bộ trưởng thừa nhận, đây là một nguyên nhân dẫn đến quảng cáo rác, sim rác, tin độc hại. Quản lý sim rác là việc quan trọng. Hiện tượng đại biểu nêu là hoàn toàn đúng. 4 năm qua, Bộ TTTT đã ra nhiều văn bản để chấn chỉnh, quản lý sim rác. Thông tư 14 năm 2012 quản lý cước hoàn mạng. Thống kê thuê bao tháng 12/2012 là 131 triệu thuê bao, đến tháng 9 vừa qua còn 117 triệu thuê bao, giảm 14 triệu thuê bao. Tình trạng sim rác vẫn còn trên thị trường do sim cũ còn lại, do một số nhà mạng, đại lý thông thực hiện nghiêm qui định của Bộ TTTT.
Năm qua, các đoàn thanh tra của công an và các tỉnh thành thanh tra gần 230.000 điểm kinh doanh và thu giữ hàng trăm nghìn thuê bao không có đăng ký thông tin.
Trong phiên làm việc chiều qua, chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) nêu: Hiện nay trên thị trường, người tiêu dùng chỉ cần từ 20 ngàn đồng đến 50 ngàn đồng là có thể mua được 1 sim điện thoại di động để thực hiện các cuộc gọi không cần phải khai báo bất kỳ một thông tin cá nhân nào như quy định hiện hành của Bộ Thông tin và Truyền thông. Các sim này được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không loại trừ mục đích phạm tội như đe dọa, lừa gạt, tống tiền, cấu kết hình thành các băng nhóm tội phạm gây bất an trong xã hội.
“Bộ trưởng có những giải pháp gì trong quản lý và xin Bộ trưởng cho biết đến khi nào thì trên thị trường không còn những sim rác được bầy bán công khai như hiện nay?” – Đại biểu nhấn mạnh câu hỏi của mình.
Về quản lý thuê bao trả trước dẫn đến tin nhắn rác, Bộ trưởng cũng thừa nhận là “chưa quản lý được” và “khó”.
Hiện nay, sim được bán trên thị trường khuyến mại nhiều, giá sim thì có khoảng 50 đồng khuyến mại tới 300 – 400 nghìn đồng, nên nhiều người dùng hết tiền khuyến mại lại bỏ sim đi, không dùng thẻ cào. Việc dùng sim thay thẻ cào dẫn đến tình trạng không đăng ký danh tính, dễ vi phạm pháp luật.
Chỉ thị 04 quản lý thuê bao trả trước yêu cầu các nhà mạng bán sim cho cá nhân sử dụng đều phải kê khai danh tính, kê khai thông tin cá nhân. Thế giới có hạ tầng liên thông cho nên họ kiểm tra được ngay các thông tin cá nhân khi sử dụng các dịch vụ viễn thông.
“Chúng ta chưa quản lý được điều này. Chúng tôi đã đưa ra chế tài phải kê khai thông tin cá nhân khi mua sim của các nhà mạng ở các đại lý. Nhưng thực tế hiện nay các đại lý, các nhà mạng cụ thể là các đại lý cho các nhà mạng bán sim này vẫn lách luật, vẫn không thực hiện đúng thông tư này. Chúng tôi kiểm tra có rất nhiều cơ sở lưu hình ảnh chứng minh thư trên máy vi tính nhưng nhiều cái là giả. Cho nên dẫn đến tình trạng một người có thể mua nhiều sim. Hành động gian trá này đã và đang được kiểm tra” – Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng đề nghị các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cùng tham gia quản lý vấn đề này.
Để quản lý sim rác, Bộ TTTT còn có Thông tư 14, tách tiền sim riêng ra quyền thuê bao riêng để tránh tình trạng mua sim thay thẻ cào và không có khuyến mại nhiều như trước đây. Trước đây, khuyến mại cả một năm nhưng bây giờ không quá 90 ngày. Vừa rồi thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã phạt một số doanh nghiệp, nhà mạng, đặc biệt là các đại lý vi phạm quy định này. Khi ngăn chặn được nạn sim rác và những hoạt động của nhà kinh doanh nội dung trên mạng thì sẽ giảm thiểu tin nhắn rác cũng như thư rác trên môi trường mạng hiện nay./.