Quốc hội sẽ ra Nghị quyết sau phiên chất vấn “chưa từng có tiền lệ”
VOV.VN -Lần đầu tiên Quốc hội tiến hành chất vấn với sự tham gia giải trình của đầy đủ các thành viên Chính phủ, với 175 câu hỏi được đại biểu đặt ra.
Sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, hôm nay (18/11), Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp nội dung giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.
175 câu hỏi chất vấn với các thành viên Chính phủ
Tổng cộng đã có 54 lượt đại biểu phát biểu thảo luận và đặt câu hỏi chất vấn; trong đó, có 18 đại biểu đặt 27 câu hỏi đối với Thủ tướng Chính phủ, 1 đại biểu có câu hỏi đối với Chủ tịch Quốc hội, 6 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi đối với các Phó Thủ tướng Chính phủ, 7 đại biểu đặt câu hỏi đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, khoảng 140 câu hỏi đối với các bộ trưởng, trưởng ngành.
Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10 diễn ra từ 16 đến hết buổi sáng 18/11 |
16 Bộ trưởng, Trưởng ngành, 3 Phó Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trả lời chất vấn và phát biểu làm rõ thêm những vấn đề thuộc trách nhiệm điều hành của mình.
Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu giải trình và làm rõ thêm và trực tiếp trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội về những vấn đề thuộc trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ; Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp trả lời 3 câu hỏi của đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch.
Giám sát lại thực hiện Nghị quyết là cần thiết
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, việc Quốc hội thực hiện giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết về hoạt động chất vấn và giám sát chuyên đề là hoạt động đổi mới của Quốc hội. Qua tổ chức giám sát, chất vấn tại kỳ họp này cho thấy, việc ban hành các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn và giám sát chuyên đề đã bám sát tình hình thực tế, tập trung vào những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống xã hội, được cử tri, dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao.
Việc tổ chức hoạt động giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã ban hành là hết sức cần thiết, có tác động rất tích cực đến các cơ quan chịu sự giám sát, làm chuyển biến mạnh mẽ những lĩnh vực, những vấn đề được giám sát, nâng cao trách nhiệm thực hiện của các cơ quan chịu sự giám sát đối với những vấn đề Quốc hội đã yêu cầu tại các nghị quyết đã ban hành.
Về cách thức tổ chức chất vấn, các phiên thảo luận, chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và xây dựng. Cách thức tiến hành chất vấn tại kỳ họp này có sự đổi mới, kết hợp việc xem xét, thảo luận, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết với việc chất vấn những vấn đề còn thực hiện chưa tốt.
Có 18 đại biểu đặt 27 câu hỏi đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng |
Nhiều báo cáo còn dài, yếu kém và giải pháp chưa rõ
Lần đầu tiên Quốc hội tiến hành chất vấn với sự tham gia giải trình của đầy đủ các thành viên Chính phủ với nhiều vấn đề liên quan đến điều hành chung của Chính phủ, các ngành, lĩnh vực được giải trình, làm rõ; đây cũng là cách thức để thực hiện chủ trương chất vấn đến cùng đối với các vấn đề mà Quốc hội, đại biểu Quốc hội quan tâm.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, do đây là cách làm mới, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên không tránh khỏi những điểm còn bất cập như việc chuẩn bị các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao để trình bày tại Hội trường vẫn còn dài hơn so với quy định; một số báo cáo cáo và trả lời chất vấn còn chưa nêu thật rõ những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và thiếu giải pháp đột phá để tạo chuyển biến rõ hơn trong thời gian tới.
Đa số thành viên Chính phủ đã nắm rõ vấn đề và trả lời đúng yêu cầu của đại biểu Quốc hội nhưng cũng còn có Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời còn dài, không đi vào trọng tâm, chưa thỏa mãn đại biểu Quốc hội.
”Để thực hiện nghiêm các nghị quyết do Quốc hội ban hành, làm cơ sở để Quốc hội khóa XIV giám sát việc thực hiện, đề nghị Quốc hội cho ban hành Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn. Đoàn thư ký kỳ họp sẽ tổng hợp nội dung và chuẩn bị dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, gửi xin ý kiến các ĐBQH trước khi thông qua”, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết./.