Quy hoạch thủy điện có quá nhiều lỗ hổng
VOV.VN -Nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi: Khi hậu quả nghiêm trọng xảy ra thì trách nhiệm thuộc về ai?
Chiều 1/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu thảo luận tại tổ về quy hoạch tổng thể thủy điện. Hầu hết các ý kiến cho rằng, việc quy hoạch thủy điện trên toàn quốc hiện nay có quá nhiều lỗ hổng. Quy hoạch thủy điện nếu không được tính toán kỹ, thì hậu quả không những hiện tại mà cả về lâu dài.
Đại biểu Lê Nam, đoàn Thanh Hóa nêu ý kiến: Dường như quá trình quy hoạch thủy điện không được đặt trong sự thống nhất, điều hành đúng mức, mà chỉ dừng lại ở cơ sở bậc thang thủy điện, tức quy hoạch dòng chảy, xem khả năng của dòng sông như thế nào. Trên cơ sở quy hoạch đó, Bộ Công thương cũng duyệt, sau đó các nhà đầu tư báo cáo xin dự án.
Các đại biểu thảo luận tại tổ về quy hoạch tổng thể thủy điện |
Những vấn đề về môi trường, văn hóa xã hội, văn hóa, đời sống nhân dân… gần như không được quan tâm, xem xét ngay từ đầu nên ngay từ khi lập quy hoạch đã có xung đột.
Đại biểu cho rằng, trừ một số nhà máy thủy điện lớn, thì các nhà đầu tư cố gắng làm cách nào đó có lợi nhuận cao nhất. Cho nên họ không quan tâm đến công tác bảo tồn, những tác động xấu. Ví như thủy điện Sông Tranh, khi vỡ lở chúng ta mới lo ngại vì thủy điện này không có cửa xả đáy mà chỉ có đập tràn.
Bên cạnh đó, chức năng giao thông vốn có của dòng sông cũng bị các nhà máy làm biến dạng, hầu như tước hết những chức năng bình thường của dòng sông. Thế nhưng các cơ quan thẩm định vẫn cứ cho làm. Điều đó làm biến đổi tự nhiên, dẫn đến nguy cơ khó lường.
Việc dự kiến thảm họa và nguy cơ gây ra cho con người cũng không được tính toán kỹ. Do đó, rất nhiều nhà máy thủy điện treo lơ lửng trên đầu các khu dân cư những túi nước khổng lồ, nếu không may xảy ra thảm họa thì không có cách gì tránh được.
Việc giám sát thi công thì gần như bỏ ngỏ, vì các dự án diễn ra ở vùng cao, vùng núi, từ việc nhập thiết bị, đảm bảo công trình ra sao. Đại biểu Lê Nam lấy ví dụ chỉ có một cái ô tô cũng húc đổ đập thủy điện Đắk Mek 3. “Cũng nhờ cái ô tô này mà dân thoát được thảm họa có thể xảy ra” – ông Nam nói.
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa cho biết: Từ giám sát thủy điện ở Thanh Hóa thấy rằng, hậu quả của sự buông lỏng trong quy hoạch thủy điện hết sức nghiêm trọng, không những bây giờ mà cho cả thế hệ con cháu. Qua đánh giá, cán bộ, chính quyền và nhân dân không mặn mà với thủy điện, bởi làm thì dân khổ, từ khâu tái định cư, đất đai, văn hóa…
Theo ông Lê Nam, tại Thanh Hóa, nếu 7 nhà máy thủy điện cùng hoạt động trên sông Mã, thì con sông hồn cốt Thanh Hóa sẽ bị biến dạng, điệu hò sông Mã cũng chỉ còn là dĩ vãng, văn hóa sông Mã cũng mai một.
Dừng 40% dự án thủy điện là cần thiết
Đại biểu Trần Ngọc Vinh, đoàn Hải Phòng nhấn mạnh: Sau khi các cơ quan chức năng lên tiếng, Chính phủ chỉ đạo dừng trên 40% dự án thủy điện là rất cần thiết. Điều này chứng tỏ có nhiều bất cập, nguy hiểm từ thủy điện.
Ông Trần Ngọc Vinh đặt vấn đề phải quy trách nhiệm rõ ràng đối với vấn đề này: “Nếu dừng thì có ảnh hưởng đến lượng điện quốc gia không? Nếu không thì cần lãm rõ. Còn nếu có lợi thì sao phải dừng ở mức độ nghê gớm như vậy?”.
Đại biểu Lê Minh Thông, đoàn Thanh Hóa khẳng định, cần cắt giảm nữa các công trình thủy điện chứ không phải dừng lại ở con số 40%. Chính phủ cần tổng rà soát lại các thủy điện vừa và nhỏ trên toàn quốc xem hiệu quả kinh tế đến đâu, mức độ an toàn thế nào. Nếu nhà máy nào kém hiệu quả, không an toàn thì nhất quyết phải đóng cửa.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh, khi hậu quả nghiêm trọng do thủy điện xảy ra thì trách nhiệm thuộc về ai?./.