Ràng buộc cao hơn trách nhiệm của gia đình, cộng đồng với người chưa thành niên
VOV.VN - Chiều 6/6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp (UBTP) tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN) với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Toà án Nhân dân Tối cao (TANDTC).
Việc ban hành một đạo luật chuyên biệt về tư pháp đối với NCTN thể hiện Việt Nam đáp ứng và thực thi tích cực, nghiêm túc yêu cầu của Công ước quốc tế về quyền trẻ em, các khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em Liên Hợp Quốc.
“Ủy ban Tư pháp đánh giá cao kết quả của ANDTC rà soát các cam kết, quy tắc quốc tế và nghiên cứu tổng quan pháp luật của một số quốc gia trên thế giới về tư pháp NCTN. Trên cơ sở đó, các quy định của dự thảo Luật đã bảo đảm tương thích với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên”, bà Nga nhấn mạnh.
Về những nội dung quan trọng của dự thảo luật, Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp tán thành đối tượng điều chỉnh của Luật (gồm: NCTN là người phạm tội, NCTN là người bị hại và người làm chứng).
Bà Nga nêu cụ thể, khi tham gia vào quan hệ tố tụng hình sự, dù ở vai trò là người bị buộc tội, người bị hại hay người làm chứng, NCTN đều là những đối tượng dễ bị tổn thương, dễ bị ảnh hưởng tiêu cực trước các biện pháp tố tụng. Do đó, đều cần có những nguyên tắc, chính sách xử lý và thủ tục tố tụng đặc thù, phù hợp với các đối tượng này.
Trong đó, Ủy ban Tư pháp cơ bản nhất trí với mục đích, yêu cầu về xử lý chuyển hướng trong dự thảo Luật. Việc sửa đổi, bổ sung chế định này phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước ta, nhất là thể chế hóa yêu cầu tại Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 28/12/2023 của Bộ Chính trị “Phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”.
“Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành dự thảo Luật về việc làm rõ nội hàm của từng biện pháp xử lý chuyển hướng và quy định thêm các biện pháp xử lý chuyển hướng, để tạo điều kiện cho cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều lựa chọn để áp dụng biện pháp phù hợp nhất với từng đối tượng NCTN, bởi vì mỗi NCTN có hoàn cảnh gia đình, nhân thân, nguyên nhân thực hiện hành vi phạm tội, mức độ phạm tội và loại tội phạm thực hiện khác nhau”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nói.
Cũng theo Ủy ban Tư pháp, nhiều biện pháp mới được bổ sung như (hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại; cấm đến một địa điểm nhất định; quản thúc tại gia đình) sẽ ràng buộc cao hơn trách nhiệm của gia đình và huy động sự tham gia của cộng đồng vào quá trình xử lý chuyển hướng để thực hiện hiệu quả việc quản lý, giám sát, giáo dục NCTN.
Về đối tượng được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, Ủy ban Tư pháp tán thành sự cần thiết phải quy định cụ thể các đối tượng được áp dụng và không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng như dự thảo Luật trên cơ sở kế thừa khoản 2 Điều 91 của Bộ luật Hình sự hiện hành.
Về mở rộng một số trường hợp được xử lý chuyển hướng và các trường hợp này đều thuộc trường hợp áp dụng biện pháp giáo dục tại Trường giáo dưỡng sẽ đáp ứng tốt mục tiêu “lấy giáo dục, giúp đỡ NCTN sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội là mục tiêu chủ yếu trong xử lý NCTN phạm tội”.
Đồng thời, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn cho cộng đồng và cho người bị hại, do Trường giáo dưỡng là tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ, là cơ sở giáo dục do Bộ Công an trực tiếp quản lý.
Theo bà Nga, nếu được xử lý chuyển hướng, thời điểm NCTN được áp dụng biện pháp đưa vào Trường giáo dưỡng sẽ sớm hơn ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố (thay vì đến khi vụ án chuyển sang giai đoạn xét xử, Tòa án mới xem xét, quyết định như hiện nay). Theo đó, góp phần thực hiện tốt nguyên tắc của Bộ Luật hình sự hiện hành “chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn với NCTN khi xét thấy hình phạt và các biện pháp giám sát, giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa”.
“Về hình phạt cảnh cáo (Điều 102), Ủy ban Tư pháp nhận thấy việc mở rộng đối tượng được áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với “người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do vô ý và có tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt” như dự thảo Luật là phù hợp với chính sách xử lý đối với NCTN”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói.