Tai nạn giao thông tăng, đề nghị làm rõ trách nhiệm người đứng đầu
VOV.VN - Đại biểu Quốc hội cho rằng, nội dung báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh toàn diện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 19 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, sáng 8/10, các đại biểu cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2016. Ý thức của người tham gia giao thông, tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông; kiểm soát tải trọng xe, quản lý việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là những tồn tại được các đại biểu tập trung làm rõ.
Tai nạn kinh hoàng cướp đi nhiều sinh mạng. |
Báo cáo của Chính phủ cho thấy đã có những chuyển biến tích cực về trật tự an toàn giao thông trong 9 tháng qua. Toàn quốc xảy ra 16.189 vụ, làm chết 6305 người, bị thương 14.929 người, giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm ngoái. Số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng và tình trạng chở quá tải đã giảm mạnh. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy, từ đầu năm đến nay, tại Hà Nội và TP HCM đã xuất hiện tình trạng ùn tắc kéo dài, nhất là vào giờ cao điểm tại các tuyến đường cửa ngõ ra vào thành phố.
Qua thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, nội dung báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh toàn diện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các lĩnh vực; chưa thống kê đầy đủ và đánh giá tai nạn giao thông ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước trên cả 3 tiêu chí.
Đối chiếu với mục tiêu trọng tâm của nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2015 theo Nghị quyết của Quốc hội thì chưa đạt được. Do đó, đề nghị cần làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương để có giải pháp chỉ đạo thực hiện đạt mục tiêu Quốc hội đề ra trong năm nay. Theo ông Nguyễn Đình Thu, thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, ở nước ta hiện nay, hạ tầng giao thông rất quan trọng nhưng không phải là quyết định vấn đề giảm tai nạn giao thông: “Chúng tôi muốn nói đến vấn đề con người, chứ chúng ta đừng có đổi lỗi cho hạ tầng. Từ con người thì liên quan đến vấn đề quản lý và phân công trách nhiệm. Ví dụ như vấn đề chúng ta quản lý về mặt chính quyền các cấp về hành lang an toàn, vỉa hè rất kém. Cái này không chỉ có giao thông, công an đâu mà các cấp, các ngành không thực hiện được. Một môi trường mà việc chấp hành các tiêu chí giao thông, đô thị kém như vậy thì ai là người chịu trách nhiệm?”. Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh việc quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe còn lỏng lẻo, là nguyên nhân khiến cho thái độ, trách nhiệm và trình độ của lái xe kém, gây nên nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong thời gian qua.
Ông Hồ Trọng Ngũ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh của Quốc hội cho rằng: “ Tôi không kì vọng lắm trong thời gian tới chúng ta xử lý được vấn đề giao thông. Bởi vì tình hình giao thông nói chung nguyên nhân rất nhiều, không chỉ có chủ quan, khách quan mà còn cả tinh thần pháp luật, hệ thống pháp luật của chúng ta không nhất quán, xử lý hay không xử lý. Một mình ngành giao thông thôi không làm được, mà tôi đề nghị phải tham mưu cho Ban Bí thư, cho Chính phủ có giải pháp đồng bộ, tổng thể hơn nữa về vấn đề này”.
Về mục tiêu bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong năm tới, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị tiếp tục khẳng định mục tiêu kiểm soát chặt chẽ tải trọng phương tiện, xử lý kịp thời nghiêm minh các trường hợp vi phạm; tiếp tục phấn đấu giảm tai nạn giao thông ở tất cả các tỉnh, thành phố từ 5% đến 10% so với năm trước trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương./.