Tai nạn lao động: Xử “mạnh tay” để tăng tính răn đe
VOV.VN -Các vụ tai nạn lao động chết người hầu hết không đảm bảo thời hạn điều tra, số vụ có đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ chiếm khoảng 2%.
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 25/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật An toàn vệ sinh lao động (gồm 7 chương, với 91 điều). Các ý kiến cơ bản đánh giá sự chuẩn bị công phu của Ban soạn thảo, cụ thể hóa được quy định trong Hiến pháp về quyền của người lao động; thống nhất cao các quan điểm hướng tới bảo vệ quyền của người lao động ở 2 khu vực: có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động.
Doanh nghiệp ít báo cáo về tai nạn chết người
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Sau gần 20 năm thi hành, các quy định ATVSLĐ tại Bộ luật lao động cơ bản đã đi vào thực tiễn cuộc sống và mang lại một số kết quả. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp cũng như kỹ thuật công nghệ mới, thì những yêu cầu về phúc lợi và đảm bảo ATVSLĐ cũng đặt ra những thách thức mới, đồng thời cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập trong công tác an toàn, vệ sinh lao độngcũng tồn tại nhiều hạn chế.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền dẫn chứng: Đơn cử là việc tỷ lệ doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra hàng năm thấp. Trong đó số thanh tra viên tham gia làm nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động chỉ có khoảng 150 người, nên trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 0,22% số doanh nghiệp đang hoạt động được thanh tra pháp luật lao động nói chung và ATVSLĐ nói riêng. Các vụ tai nạn lao động chết người hầu hết không đảm bảo thời hạn điều tra theo quy định, số vụ có đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ chiếm khoảng 2%, đồng thời việc xử phạt các hành vi vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe nên không có tác dụng giáo dục, phòng ngừa việc tái diễn các vi phạm. "Chính vì vậy việc xây dựng Luật an toàn, vệ sinh lao động là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay"- Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ băn khoăn khi trong Luật đề cập tới Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là quỹ thành phần của Quỹ BHXH. "Vậy có phải là "quỹ trong quỹ" không? Cơ chế quản lý thế nào? Có bộ máy mới không"?-ông Hiển đặt vấn đề.
Ủng hộ việc có thanh tra chuyên ngành, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần giải trình thêm về số thanh tra chuyên ngành lao động, nếu riêng lẻ sẽ phân tán lực lượng. Đồng quan điểm với Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước thắc mắc việc có tăng biên chế thanh tra hay không.
Giải trình về những vấn đề trên, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết hệ thống thanh tra không chỉ có ở Bộ mà các cơ quan khác cũng có nên số lượng thanh tra tới đây sẽ được bổ sung. Hiện ở huyện không có người nên có nơi khi báo lên về tai nạn chết người mới biết.
Bộ trưởng cũng cho rằng nếu không tăng biên chế thanh tra sẽ không đảm bảo được quản lý Nhà nước, trong khi doanh nghiệp ít khi tự giác báo cáo về tai nạn và chủ yếu doanh nghiệp tự xử lý khi xảy ra tai nạn.
Cụ thể chế tài để xử lý
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng Luật này phải thể hiện được tính phòng ngừa xảy ra tai nạn. Nêu thực tế nhiều vụ tai nạn xảy ra có nguyên nhân từ việc sử dụng lao động không đảm bảo tiêu chuẩn, không được đạo tạo, ý thức chấp hành kém, ông Ksor Phước đề nghị cần nghiên cứu để thể hiện trong luật để có tính răn đe.
Về xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng Dự thảo Luật mới đề cập vai trò của người lao động, do đó cần đưa vào 2 đối tượng người lao động và cơ quan chính quyền địa phương để không có tình trạng "khi sập mỏ đá chết người mà ông chính quyền đứng nhìn để ông giám đốc doanh nghiệp xử lý”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị làm rõ chế tài để sau này thanh tra dễ xử lý: “Từng đối tượng khác nhau khi xảy ra tai nạn thì xử lý khác nhau. Lao động không đủ điều kiện mà chủ vẫn dùng dẫn đến tai nạn thì anh phải trả tiền, thậm chí nuôi suốt đời. Còn anh lao động bừa bãi, không tuân theo mà bị tai nạn thì mức hỗ trợ phải khác. Phải đưa vào luật để sau này dễ xử lý”./.