“Tại sao anh lại trình Quốc hội phân bổ vốn khi chưa đủ thủ tục?”

VOV.VN - “Luật Đầu tư công quy định rất rõ là dự án phải đầy đủ thủ tục mới được bố trí vốn, bây giờ anh lại bảo là chưa đủ thủ tục là sao?”

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi với đại diện Bộ Kế hoạch – Đầu tư tại phiên thảo luận về Tờ trình điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài của Chính phủ tại phiên họp thứ 2 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/8.

Nhiều trường hợp giải ngân rất thấp

Theo báo cáo của Chính phủ, tại Nghị quyết số 101/2015/QH13 Quốc hội đã thông qua 50.000 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2016. Trong số này, Chính phủ đã phân bổ chi tiết 48.700 tỷ đồng, còn lại 1.300 tỷ đồng để lại dự phòng chưa phân bổ. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 5/2016, đã giải ngân được 17.297,746 tỷ đồng, đạt 36,1% kế hoạch vốn đã giao.

Trong quá trình triển khai, Chính phủ cho biết tiến độ triển khai và giải ngân của các dự án rất khác nhau. Có nhiều dự án giải ngân nhanh hoặc đã giải ngân hết số vốn kế hoạch. Ngược lại nhiều trường hợp giải ngân rất thấp, thậm chí chưa giải ngân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên thảo luận

Chính phủ nêu ra nhiều nguyên nhân giải ngân chậm, trong đó chủ yếu là do sự khác biệt trong các thủ tục đấu thầu trong nước và nhà tài trợ, giải phóng mặt bằng chậm, năng lực quản lý dự án hạn chế, vốn đối ứng không đủ, không được giải ngân theo tiến độ thực hiện...

Với các dự án đã giải ngân hết kế hoạch, nhưng chưa được bổ sung vốn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công, kéo dài thời gian hoàn thành, làm tăng chi phí và giảm hiệu quả đầu tư, nhà thầu đang khiếu nại, đòi bồi thường về việc thanh toán chậm,....

Ngoài ra, một số dự án kết thúc Hiệp định trong năm nay, nhà tài trợ không đồng ý cho kéo dài thời gian giải ngân sang năm sau (nhà tài trợ chấm dứt việc cấp vốn trong năm nay), do đó sẽ không có đủ vốn để hoàn thành dự án, đồng thời ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam.

Từ các lý do nêu trên, Chính phủ đã trình UBTVQH cho phép điều hòa kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 giữa các dự án và giữa các bộ, ngành và địa phương.

Theo đó, Chính phủ đề nghị được chủ động bổ sung số vốn kế hoạch nước ngoài năm 2016, Quốc hội chưa phân bổ chi tiết (1.300 tỷ đồng) cho các dự án chưa được giao kế hoạch hoặc đã giải ngân hết kế hoạch năm 2016, nhà tài trợ đang yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong năm 2016. Cắt giảm 78,5 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài của 3 địa phương không có nhu cầu để bổ sung cho các bộ, ngành khác.

Điều hòa kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 giữa các bộ, ngành, địa phương trong tổng mức 50.000 tỷ đồng theo nguyên tắc giảm vốn với các dự án giải ngân thấp hoặc chưa giải ngân, để điều chuyển cho các dự án đã giải ngân cao hoặc giải ngân hết kế hoạch, cần bổ sung thêm.

“Luật làm gì có điều nào tên là hy vọng!”

Trình bày báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính ngân sách (UBTCNS), Chủ nhiệm UBTCNS Nguyễn Đức Hải cho rằng, trong nhiều năm qua, công tác quản lý, sử dụng vốn nước ngoài còn nhiều bất cập. Việc Chính phủ trình điều chỉnh kế hoạch vốn, một lần nữa khẳng định những tồn tại, hạn chế trong việc xây dựng dự toán, đề xuất danh mục, phân bổ, sử dụng nguồn vốn nước ngoài.

Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư còn hạn chế, nhiều công trình, dự án đang cần được bổ sung vốn để sớm hoàn thiện thì tình trạng trên là biểu hiện lãng phí, kém hiệu quả trong sử dụng vốn vay nước ngoài. Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm để việc lập dự toán, phân bổ vốn phải đảm bảo tính hợp lý và được xây dựng trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các điều kiện luật định.

Hầu hết các thành viên UBTVQH cũng cho rằng tờ trình chưa nêu rõ phương án điều chuyển vốn đối với từng bộ, ngành, địa phương nhưng vẫn đề nghị UBTVQH giao Thủ tướng Chính phủ chủ động phân bổ, điều hòa, điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 và tổng hợp, báo cáo UBTVQH vào quý II năm 2017 là chưa đủ cơ sở để UBTVQH xem xét, quyết định.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, báo cáo có nhiều điểm chưa thuyết phục như chưa có căn cứ để điều chỉnh, một số địa phương giải ngân rất chậm nhưng lại được đề nghị bổ sung vốn, 3 địa phương chưa có nhu cầu vẫn được phân giao vốn, 3 Bộ chưa hoàn thành thủ tục vẫn ghi vốn, hay đã hoàn thành thủ tục nhưng lại không được bố trí vốn như Bộ VH-TT-DL… ? Đây vẫn là những bất cập lớn trong tình trạng quản lý, sử dụng vốn ODA lâu nay.

Giải trình trước UBTVQH, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, hiện các nhà tài trợ lớn rất mong muốn các bộ, địa phương, được phép giải ngân theo tiến độ dự án. Theo quy định thì chi tiêu phải theo dự toán, tuy nhiên nhiều trường hợp không thể dự báo chính xác tiến độ giải ngân vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố như giải phóng mặt bằng, thủ tục… Trong khi có những nơi giải ngân nhanh hơn kế hoạch thì ngược lại có những nơi giải ngân rất chậm.

Ông Nguyễn Thế Phương nêu ví dụ qua 6 tháng, Bộ Y tế hiện mới giải ngân được hơn 500 tỷ đồng, còn lại hơn 1.500 tỷ đồng chưa giải ngân được và mới đây, Bộ đã có đề nghị xin giảm mức vốn nước ngoài được giao.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc điều hoà vốn giữa các dự án sẽ giúp sử dụng vốn hiệu quả hơn, đồng thời khẳng định, việc điều hoà vốn sẽ không ảnh hưởng đến danh mục dự án bởi chỉ áp dụng với các dự án trong danh  mục đã được giao kế hoạch.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển hỏi: “Luật Đầu tư công quy định rất rõ là dự án phải đầy đủ thủ tục mới được bố trí vốn, bây giờ anh lại bảo là chưa đủ thủ tục là sao? Vậy tại sao anh lại trình ra Quốc hội để phân bổ vốn khi chưa đủ thủ tục?”.

Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết thời điểm trình danh mục dự án để Quốc hội phân giao vốn thì cũng có những dự án được hy vọng là sẽ đáp ứng đầy đủ thủ tục, điều kiện.

“Luật làm gì có điều nào tên là hy vọng” - ông Hiển ngắt lời và cho rằng Luật quy định cứng thủ tục nên cần thực hiện đúng.

Cho ý kiến chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu để tránh lặp lại tình trạng chi ODA vượt dự toán như các năm gần đây, Chính phủ cần chấn chỉnh, lập lại trật tự kỷ cương, thực hiện nghiêm quản lý nguồn vốn ngân sách, trong đó có vốn nước ngoài.

Chủ tịch Quốc hội: Những chuyện như thế này còn khó hiểu lắm!

“Vì sao ba địa phương chưa có nhu cầu lại được bố trí vốn, vì sao Bộ Tư pháp lại chưa được phân giao kế hoạch vốn… Những chuyện như thế này còn khó hiểu lắm. Việc điều hòa vốn giữa các bộ, ngành cũng phải làm chặt chẽ, không thì người ta sẽ khiếu nại tại sao vốn của tôi lại điều chuyển cho ông khác. Sau khi rà soát rồi thì Chính phủ mới báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc gì thuộc thẩm quyền Quốc hội thì phải báo cáo Quốc hội” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển đánh giá báo cáo của Chính phủ chưa đủ căn cứ để UBTVQH xem xét, kể cả về thẩm quyền, cũng như căn cứ điều chỉnh. Nếu cần thiết, Chính phủ phải thẩm định lại, báo cáo rõ về những công trình cấp thiết, quan trọng, cần phân bổ ngay để trình UBTVQH xem xét theo khoản 2, điều 49, Luật Ngân sách Nhà nước./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Dân cầm tiền trong tay nhưng không biết đi đâu, về đâu”
“Dân cầm tiền trong tay nhưng không biết đi đâu, về đâu”

VOV.VN - “Dân nhất thiết phải có đất chứ không phải trả tiền là xong. Dân nhận tiền rồi thì biết đi đâu, về đâu, ổn định cuộc sống chưa, có nghề nghiệp chưa?”

“Dân cầm tiền trong tay nhưng không biết đi đâu, về đâu”

“Dân cầm tiền trong tay nhưng không biết đi đâu, về đâu”

VOV.VN - “Dân nhất thiết phải có đất chứ không phải trả tiền là xong. Dân nhận tiền rồi thì biết đi đâu, về đâu, ổn định cuộc sống chưa, có nghề nghiệp chưa?”

Đề xuất có thêm chức danh lãnh đạo được bảo vệ đặc biệt
Đề xuất có thêm chức danh lãnh đạo được bảo vệ đặc biệt

VOV.VN - Đây là một trong những nội dung quan trọng trong dự thảo Luật Cảnh vệ vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8.

Đề xuất có thêm chức danh lãnh đạo được bảo vệ đặc biệt

Đề xuất có thêm chức danh lãnh đạo được bảo vệ đặc biệt

VOV.VN - Đây là một trong những nội dung quan trọng trong dự thảo Luật Cảnh vệ vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8.

Dự thảo Luật Công an xã: Nhiều quyền hạn, dễ làm “vua”
Dự thảo Luật Công an xã: Nhiều quyền hạn, dễ làm “vua”

VOV.VN - Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều lo ngại việc Luật giao quá nhiều nhiệm vụ, quyền hạn trong khi trình độ công an xã còn thấp.

Dự thảo Luật Công an xã: Nhiều quyền hạn, dễ làm “vua”

Dự thảo Luật Công an xã: Nhiều quyền hạn, dễ làm “vua”

VOV.VN - Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều lo ngại việc Luật giao quá nhiều nhiệm vụ, quyền hạn trong khi trình độ công an xã còn thấp.

Chính quy hoá lực lượng công an xã: Tiền đâu mà trả lương, phụ cấp!
Chính quy hoá lực lượng công an xã: Tiền đâu mà trả lương, phụ cấp!

VOV.VN - Nếu quy định chính quy hóa toàn bộ lực lượng Công an xã sẽ làm tăng rất lớn biên chế và Nhà nước khó bảo đảm kinh phí để chi trả lương, phụ cấp...

Chính quy hoá lực lượng công an xã: Tiền đâu mà trả lương, phụ cấp!

Chính quy hoá lực lượng công an xã: Tiền đâu mà trả lương, phụ cấp!

VOV.VN - Nếu quy định chính quy hóa toàn bộ lực lượng Công an xã sẽ làm tăng rất lớn biên chế và Nhà nước khó bảo đảm kinh phí để chi trả lương, phụ cấp...