Thẩm quyền của Trưởng đặc khu rất lớn thì phải giám sát đặc biệt
VOV.VN - Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, chức danh Trưởng đặc khu có những thẩm quyền rất lớn, do đó cần có mô hình hội đồng giám sát đặc biệt.
Tại phiên thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chiều 22/11, Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) đã đề xuất thiết kế mô hình chính quyền địa phương khác với hai phương án Chính phủ trình Quốc hội. Bên hành lang Quốc hội, đại biểu nói rõ hơn về đề xuất của mình.
PV: Thưa ông, cơ sở nào ông đưa ra đề xuất khác với 2 phương án mà Chính phủ trình Quốc hội?
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu: Phương án 1 mà Chính phủ trình là không tổ chức HĐND và UBND mà thực hiện thiết chế Trưởng Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đơn vị HCKTĐB) do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn đơn vị HCKTĐB. Phương án 2 thì có tổ chức HĐND và UBND.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu: Cơ chế đặc thù nhưng không bỏ qua nguyên tắc kiểm soát quyền lực |
Nhìn vào phương án 1 có thể thấy rằng không đảm bảo điều kiện nguyên tắc kiểm soát quyền lực vì thiếu vắng HĐND. Phương án 2 theo cách thức tổ chức truyền thống thì không thực hiện được mục tiêu xây dựng chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu năng động, chủ động của bộ máy hành chính ở mô hình đặc biệt này.
Yêu cầu chung là khi chúng ta thiết kế mô hình nào thì cũng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật hiện hành.
PV: Điểm khác biệt trong mô hình ông đề xuất là gì?
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu: Tôi đề xuất 2 mô hình để ban soạn thảo có thể nghiên cứu. Mô hình thứ nhất là thành lập Hội đồng giám sát gồm 5 – 10 thành viên. Các thành viên ở đây phải là những chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực kinh tế - tài chính, đất đai - môi trường, quản lý đô thị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, pháp luật - tư pháp do UBTVQH bổ nhiệm và trả lương.
Bởi vì Thủ tướng đã bổ nhiệm Trưởng đặc khu thì UBTVQH thành lập Hội đồng giám sát và bổ nhiệm các chức danh ở đây là phù hợp.
Với đội ngũ nhân sự của mô hình giám sát hoặc hội đồng này, chúng ta tin tưởng sẽ đủ năng lực để giám sát rồi tham gia quyết định những vấn đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, khi mà chức danh Trưởng ĐVHCKTĐB có những thẩm quyền rất lớn, thẩm quyền hết sức đặc biệt.
PV: Vậy nhiệm vụ của Hội đồng giám sát này là gì, thưa ông?
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu: Đối với mô hình 1 như tôi nói ở trên thì Hội đồng giám sát chỉ thực hiện chức năng giám sát. Còn ở mô hình 2, bên cạnh giám sát thì họ có thể tiến hành bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm chức vụ hội thẩm nhân dân. Thế rồi họ còn có thể tham gia vào việc quyết định chủ trương phát triển KT- XH trên cơ sở những vấn đề lớn.
Nhưng cả 2 Hội đồng tôi cho rằng cần bổ sung quy định cho họ chức năng đưa ra các khuyến nghị đối với những quyết định, những công việc mà Trưởng đặc khu đang thực hiện. Cũng như quy định họ sẽ có quyền kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ để xem xét, yêu cầu dừng một hành vi, một hoạt động, một dự án hay là một quyết định mà do Trưởng đặc khu đang tiến hành.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Bên cạnh việc giao thiết chế Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nhiều thẩm quyền quan trọng thì vẫn cần phải xác định cơ chế giám sát kiểm soát quyền lực để vừa đề cao trách nhiệm cá nhân, đảm bảo tính năng động, sáng tạo trong công tác quản lý nhưng cũng không dẫn đến lạm quyền, vượt quyền.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang):
Một số đại biểu vẫn còn băn khoăn đối với phương án 1 có giám sát chặt chẽ đối với Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không, có lạm quyền không? Tôi nhận thấy vấn đề giám sát đối với Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cơ bản đã đảm bảo được.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp):
Tôi nghĩ thực hiện có mô hình HĐND và UBND, quy định thẩm quyền của hai cơ quan này ít lại cho thuận lợi, dễ dàng. HĐND thực hiện nhiệm vụ giám sát đối với chính quyền của đặc khu.