“Thu hồi đất không phải chỉ ném cho người dân cục tiền”
VOV.VN - Thu hồi đất phải gắn liền với bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để người dân có đất bị thu hồi có cuộc sống, thu nhập “tốt hoặc bằng hơn nơi ở cũ”, chứ không phải “ném cho dân cục tiền” rồi họ thế nào không quan tâm.
Hạ tầng du lịch cần hỗ trợ từ cơ chế đất đai
Phát biểu tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Sửa Luật đất đai: Tạo đất cho du lịch” do Báo Đầu tư tổ chức, ngày 19/10, TS Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng ngành du lịch Việt Nam trong những năm qua đã có những bước phát triển lớn về cả quy mô và chất lượng dịch vụ, trở thành một trong những động lực quan trọng trong lĩnh vực dịch vụ, góp phần giúp kinh tế tăng trưởng bền vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch vẫn còn một số hạn chế về năng lực và chất lượng dịch vụ; trong đó một trong những nguyên nhân sâu xa là do chính sách phát triển của ngành vẫn chưa tạo được không gian pháp lý đầy đủ để thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng tương xứng với tiềm năng du lịch.
Nhấn mạnh còn nhiều dư địa để nâng tầm du lịch trong đóng góp vào GDP, chuyên gia kinh tế dẫn chứng Bộ Chính trị có Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Thủ tướng đã ký Quyết định 147/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, trong đó đặt mục tiêu tăng trưởng thu du lịch 12-14%/năm, đóng góp ngành du lịch lên đến 12-14% GDP năm 2025 và tăng 11-12%, đóng góp 15-17% GDP năm 2030….
Chính sách ưu tiên, tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch đã được chỉ đạo xuyên suốt trong nhiều văn bản. Tuy nhiên, các chính sách này vẫn chưa được hiện thực hóa thành các giải pháp thống nhất, đột phá và cụ thể để phát triển hạ tầng du lịch một cách đồng bộ và bền vững.
“Nếu mong Việt Nam vào top 30 về thu hút du lịch thì phải bứt phá lên, nhất là hạ tầng cơ sở du lịch” – ông Cấn Văn Lực lưu ý một vấn đề cần quan tâm là cụ thể hóa chính sách tiếp cận đất đai trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, trong đó cần có cơ chế giao đất, cho thuê đất thông qua thu hồi đất và thực hiện đấu thầu hay đấu giá các dự án du lịch hoặc các dự án nhà ở/khu đô thị kết hợp với du lịch, thương mại dịch vụ để thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng cần có điều kiện vì đất đai là tài nguyên khan hiếm. “Cần làm rõ thế nào là khu vui chơi, giải trí? Lấy cả chục hécta mà phần lớn trong đó không làm gì thì phải có chế tài. Đây là “cây gậy và củ cà rốt” – ông Lực nói.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Đỗ Thanh Trung – cố vấn Ban giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang cho biết, nếu để nhà đầu tư thỏa thuận sẽ gặp khó khăn và nếu thỏa thuận không đạt 100% thì tỷ lệ còn lại Nhà nước có can thiệp thu hồi hay không, nếu có thì phải chế định cũng như xác định điều kiện để thuộc diện thu hồi.
Ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng Ban Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) thì phân tích, khả năng cạnh tranh của du lịch nước ta đang được xếp hạng ở mức trung bình và cơ sở hạ tầng du lịch (vận chuyển, lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi…) còn nhiều điểm cần cải thiện. Theo ông, muốn cải thiện cần tạo thuận lợi trong sử dụng đất thương mại, dịch vụ nhưng có ý kiến cho rằng dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đề cập còn mờ nhạt.
Thu hồi đất là có điều kiện
Ở góc độ một đại biểu Quốc hội, GS.TS Hoàng Văn Cường - Uỷ viên Uỷ ban TC-NS Quốc hội khoá XV lưu ý, thu hồi đất bao giờ cũng gắn liền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Nghị quyết 18-NQ/TƯ còn yêu cầu có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Tất cả các dự án thu hồi đất đều phải giải quyết vấn đề này và ông cho rằng Luật Đất đai phải giải quyết được việc đó.
“Trước đây cứ áp khung giá đất, bảng giá đất ổn định 5 năm để bồi thường rất thấp khiến thu hồi đất là nỗi khiếp sợ. Nếu giải quyết được yêu cầu như Nghị quyết sẽ khác, thậm chí có người muốn được thu hồi đất” – ông Hoàng Văn Cường lấy ví đang ở nhà lụp xụp sang nơi đàng hoàng hơn, đang làm nông nghiệp sang công nhân, dịch vụ… sau khi đất được thu hồi làm dự án.
Khác với thu hồi đất, cơ chế tự thoả thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho phép người dân được quyền đàm phán ngang hàng. Song ông Hoàng Văn Cường đặt vấn đề, có phải mọi người dân đều có đủ năng lực đàm phán sòng phẳng với nhà đầu tư hay không?
“Khi biết có một người uy tín nói nhiều người nghe theo thì có khi nhà đầu tư chỉ cần đến thoả thuận ngay với người này, khi đó ai là người được lợi ích, chắc gì người dân được? Trả cho người dân tiền là xong, còn dân có nhà, trường học hay không thì không biết, hậu quả chính quyền và xã hội phải chịu. Đó không phải là bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đừng nghĩ không làm được rồi ném cho họ cục tiền mà cần đảm bảo quyền lợi cho người dân thoả đáng” – ông Hoàng Văn Cường nói.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, thu hồi đất là có điều kiện, như vì lợi ích quốc gia, công cộng chứ không phải cho cá nhân nào. Song ông cho rằng cần hiểu rõ thế nào thì được coi là vì lợi ích quốc gia, công cộng.
“Một mảnh đất xây lâu đài để ở là cá nhân, còn xây khách sạn thu hút du lịch, tạo việc làm, dịch vụ liên quan thì đó có thể là lợi ích chung. Hay đất ruộng nhưng được quy hoạch thành thương mại, dịch vụ vì nhận thấy sẽ tạo sự lan toả thì khi doanh nghiệp thực hiện dự án chính là hướng đến phục vụ quy hoạch, vì lợi ích chung” – ông Cường nêu quan điểm.
Cho rằng đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch là bỏ tiền cục thu tiền vặt, chưa kể tạo việc làm, thu nhập, khác với xây nhà xong bán ngay, đại biểu Hoàng Văn Cường nói “không nên để 2 ông này cùng sàn đấu” trong xem xét cơ chế đất đai.