“Tòa án phải đi thuê nhà dân để xét xử là không chấp nhận được”
VOV.VN - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc để 35 trụ sở tòa án cấp huyện phải đi thuê để xét xử là không chấp nhận được.
Theo số liệu từ báo cáo của TANDTC và Viện KSNDTC cho thấy, hiện có 35 trụ ở TA cấp huyện phải đi thuê; 28 Viện KSND cấp huyện và các đơn vị trực thuộc cũng trong tình trạng tương tự.
Tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho từng dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, ngày 21/2, bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, thời gian qua, Quốc hội giám sát nhiều về hoạt động tư pháp nhưng chủ yếu thiên về hoạt động, còn việc giám sát đầu tư hạ tầng, trang thiết bị làm việc còn hạn chế, khiến các cơ quan tư pháp “tâm tư”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga |
Dẫn các Nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Đảng liên quan đến cải cách tư pháp và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống tư pháp, bà Nga cho biết kết quả thực hiện chưa được nhiều.
Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp kiến nghị việc xác định đầu tư trụ sở cho 35 tòa án cấp huyện, 33 viện kiểm sát cấp huyện, Viện Kiểm sát cấp cao tại Hà Nội, 35 cơ quan làm việc và 512 kho vật chứng cơ quan thi hành án dân sự đang phải đi thuê là nhiệm vụ cấp bách; ưu tiên vốn đầu tư trung hạn cho các cơ quan này hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Đồng thời có cơ chế tháo gỡ nguồn vốn triển khai chương trình đầu tư nâng cấp cơ sở giam giữ trên cả nước.
“Hàng năm cơ quan tư pháp đóng góp vào ngân sách từ nguồn thu án phí, lệ phí, tịch thu xung công quỹ nhà nước… nên cần có cơ chế ưu tiên phân bổ ngân sách đối với các cơ quan này” – bà Lê Thị Nga nêu ý kiến.
Ngoài nhu cầu đầu tư trụ sở làm việc, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh còn có nhu cầu đầu tư theo yêu cầu của luật mới và bắt buộc các cơ quan phải chấp hành như thiết bị ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung theo quy định của Bộ Luật hình sự 2015; tòa thì phải công khai bản án trên mạng; tiếp nhận và trả lời đơn qua công nghệ thông tin; triển khai phòng xét xử thân thiện...
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình |
“Đầu tư thiết bị ghi âm, ghi hình để hỏi cung theo đề án của Bộ Công an đã mấy nghìn tỷ rồi. Với 400.000 bản án trong một năm thì máy chủ sẽ đầy sau khoảng 1,5 năm công khai trên mạng. Luật cũng quy định tất cả các địa phương triển khai phòng xét xử thân thiện để xét xử án liên quan vị thành niên và gia đình” – ông Nguyễn Hòa Bình cho biết và nhấn mạnh, nếu không thực hiện là vi phạm luật. Đó là chưa tính đến yêu cầu về nâng cao cải cách tư pháp.
Về nguồn vốn, Chánh án TANDTC cho rằng, cần có cơ chế tổng thể chứ không nên “đi xin” từng việc. Theo đó, ông Bình kiến nghị Quốc hội có thể cho phép dành 1-2 năm khoản thu của các cơ quan tư pháp (mỗi năm khoảng 7.000 tỷ đồng) đầu tư cho cải cách tư pháp.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc vẫn còn 35 trụ sở tòa án phải đi thuê nhà dân để xét xử án là không thể chấp nhận được.
“Mà đầu tư có bao nhiêu đâu, nên chúng ta cần dành cho cải cách tư pháp. Nếu là công trình mới thì cũng ưu tiên cho lĩnh vực tư pháp để hài hòa với lĩnh vực khác” – bà Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến./.
“Quy trách nhiệm rõ ràng nơi gây thất thoát lãng phí đầu tư công“