Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình về đầu tư công trung hạn
VOV.VN - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong đầu tư công, chúng ta vẫn tồn tại quan điểm mâu thuẫn và đi ngược chiều nhau.
Tại phiên thảo luận tại hội trường sáng 1/11 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Thiếu tướng Phan Văn Tường (Đoàn Thái Nguyên), cho biết theo tờ trình của Chính phủ trong năm 2016 sẽ tiếp tục đầu tư cho đồng bào dân tộc, đồng bào miền núi, hải đảo.
Việc đầu tư này nhằm giảm dần khoảng cách phát triển đối với các vùng miền trên cả nước. Mục tiêu đầu tư là nhằm ổn định dân cư biên giới, đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, lấy mục tiêu cụ thể của vùng…
Đại biểu Phan Văn Tường trình bày tại hội trường Quốc hội |
Theo đại biểu đoàn Thái Nguyên, hiện nay đời sống của nhân dân dân tộc thiểu số, vùng núi, vùng biên giới gặp nhiều khó khăn, mức sống chênh lệch so với các vùng miền khác.
Đại biểu cho biết, thu nhập của một số vùng hiện nay có khi bằng cả tháng, có khi bằng cả năm so với thu nhập của người dân miền núi, biên giới. Chính vì vậy, người dân vùng biên di dân tự do xuống các thành phố lớn, vượt biên trái phép….
Dẫn chứng một xã ở Cao Bằng, Thiếu tướng Phan Văn Tường cho hay, trong năm 2014 toàn bộ nguồn thu được đặt chỉ tiêu là 3 triệu đồng, xã thực hiện được hơn 4 triệu. Năm 2015 chỉ tiêu đặt ra 16 triệu đồng, thực hiện được hơn 20 triệu đồng. Năm 2016 chỉ tiêu đặt ra là 30 triệu đạt thì đến nay chưa nắm được.
“Điều này phản ánh cuộc sống của nhân dân thế nào?”, đại biểu đoàn Thái Nguyên đặt vấn đề.
Theo Thiếu tướng Phan Văn Tường, người dân khu vực này đất ít, dân số tăng nhanh lẩn quẩn trong đói nghèo, nhiều thứ thiếu, nhiều thứ cần.
Việc đầu tư ở các vùng này nhất thiết phải có sự tham gia của chính quyền địa phương vì chính họ mới hiểu được họ đang cần cái gì cấp thiết nhất.
Đại biểu lại lấy một địa phương ở Cao Bằng để chứng minh: Có nhiều xóm có vài chục hộ dân, vài trăm dân. Hàng chục năm nay đi vào xóm trên con đường đá cheo leo rộng chừng nửa mét, đi bộ mất chừng 2 giờ được xây dựng thì thời pháp thuộc.
Cách đây vài năm dân cư phản ứng bằng cách không kê khai hộ nghèo. Trưởng xóm từ chối nhận hộ nghèo vì không làm gì được cho dân.
Đại biểu đề nghị Chính phủ trong đầu tư cần quan tâm đến đồng bào miền núi, đặc biệt trong kế hoạch đầu tư cần có sự tham gia của chính họ thì mới đầu tư được cái cấp thiết.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Đoàn đại biểu Quốc hội Kiên Giang, cho biết, trong đầu tư công hiện còn dàn trải, hiệu quả còn thấp.
Nhiều công trình dự án kéo dài thời gian thi công gây thất thoát nguồn tài chính quốc gia.
Trên cơ sở khắc phục hạn chế đầu tư công giai đoạn vừa qua, Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo tinh thần đầu tư tập trung, tránh dàn trải, lãnh phí, kế hoạch đầu tư công khai minh bạch.
Tiêu chí phân bổ đầu tư là ưu tiên tập trung vào các dự án trọng điểm, cấp bách. “Tôi đồng tình cao với quan điểm này”.
Bà Bé cho rằng, lần này chính phủ xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ giúp cho các cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện sẽ chủ động hơn, hạn chế được cơ chế xin – cho và không chồng chéo các nguồn lực đầu tư cho xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn Kiên Giang |
Tuy nhiên, bà Bé cho rằng, kế hoạch chưa bám sát tiêu chí, phân bổ đầu tư ngay từ đầu đã nêu trong báo cáo. Còn nhiều công trình cấp bách, trọng điểm chưa đưa vào.
Bà Bé liệt kê các dự án cấp bách ứng phó với biển đổi khí hậu ở Tây Nguyên, ĐBSCL…
ĐBSCL đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Dự báo đến năm 2050 khoảng 2/3 diện tích của ĐBSCL sẽ ngập sâu trong nước biển.
Song trong 5 năm tới kế hoạch đầu tư chỉ đầu tư một số dự án công trình trong điểm cống đập ngăn mặn, trong khi ĐBSCL kênh rạch chằng chịt. Các dự án ở đây nếu không tập trung đồng bộ thì khó đem lại hiệu quả.
“ĐBSCL được giao nhiệm vụ quan trọng là chịu trách nhiệm an ninh lương thực của quốc gia, nếu không sớm có kế hoạch đầu tư đồng bộ hạ tầng thủy lợi, đê bao, kiểm soát nguồn nước, quy hoạch lại sản xuất thì khó hoàn thành sứ mệnh này”, bà Bé trình bày.
Giải trình kiến nghị của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay: Từ trước đến nay, chúng ta vẫn tồn tại quan điểm mâu thuẫn và đi ngược chiều nhau.
Đó là, phải đầu tư ưu tiên, tập trung đầu tư cho số có tính chất ngành, lĩnh vực có tính động lực, đầu tàu, có tính khả quan để thúc đẩy sự phát triển nhanh hơn có đóng góp cho nguồn thu ngân sách Trung ương.
Tuy nhiên các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn thì chúng ta cũng cần phải có sự quan tâm nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương này với địa phương khác.
Theo quy định của Luật đầu tư công, việc lựa chọn danh mục và dự kiến mức vốn bố trí cho từng dự án thuộc thẩm quyền của các bộ ngành, địa phương.
Do tổng mức vốn, kế hoạch đầu tư trung hạn báo cáo Quốc hội tại kỳ họp này có giảm hơn báo cáo với Ban chấp hành Trung ương và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho nên các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần phải có thêm thời gian rà soát, lựa chọn và dự kiến lại danh mục và mức thu chi cho từng dự án phù hợp với khả năng thực tế.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Về quan điểm xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, một mặt nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho phát triển doanh nghiệp thúc đẩy tăng trưởng, mặt khác đầu tư công thực hiện phát triển các mục tiêu xã hội xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ miền núi các vùng y tế khó khăn, đầu tư cơ sở hạ tầng các lĩnh vực đảm bảo quốc phòng, an ninh văn hoá xã hội... còn chiếm tỷ trọng khá lớn và không có khả năng tác động trực tiếp đến tăng trưởng.
Để nâng cao hiệu quả đầu tư vào nền kinh tế bên cạnh việc tái cơ cấu đầu tư công như trong thời gian vừa qua thì cần phải đẩy mạnh và nhanh quyết liệt tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 hiện đang trình Quốc hội kỳ họp này với nhiều giải pháp để nâng cao đầu tư nói chung./.
Đại biểu Quốc hội: Tránh “rải mành mành” trong đầu tư công