Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc sẽ làm nhiệm vụ gì?
VOV.VN - Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết sẽ đồng thời đảm nhiệm chức danh Chủ nhiệm VPQH và sẽ đề xuất 1 Phó giúp việc.
Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết bầu ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội giữ chức danh Tổng Thư ký Quốc hội khoá XIII.
Trao đổi với Báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết không có thêm chế độ đãi ngộ cho Tổng Thư ký. 1 Phó giúp việc cho Tổng Thư ký nếu được chấp thuận cũng không làm tăng biên chế vì sử dụng ngay chính bộ máy đang có.
PV: Nhiệm vụ chính của chức danh Tổng Thư ký Quốc hội là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Việc bầu Tổng Thư ký Quốc hội là theo Luật Tổ chức Quốc hội có chức danh này để thực hiện những nhiệm vụ theo quy định. Nghị quyết bầu Tổng Thư ký vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực cùng thời điểm với Luật Tổ chức Quốc hội là ngày 1/1/2016.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc |
Luật quy định rõ Tổng Thư ký chịu trách nhiệm tổ chức, xây dựng các chương trình làm việc của Quốc hội, UBTVQH; tổ chức những thông tin liên quan đến báo chí, tuyên truyền của phiên họp; có vai trò là người chủ trì họp báo, phát ngôn của Quốc hội; chuẩn bị các nghị quyết, dự thảo, thảo luận tại hội trường Quốc hội, họp tổ, họp đoàn…
Trong luật quy định Tổng Thư ký còn là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nên phải đảm bảo phục vụ cho các hoạt động của Quốc hội.
PV: Nếu thêm vai trò Tổng Thư ký Quốc hội thì ông có thấy tăng áp lực công việc? Đãi ngộ của chức danh này có khác gì so với vị trí Chủ nhiệm VPQH hiện nay ông đang đảm nhiệm?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Hiện nay với vai trò Chủ nhiệm VPQH và Trưởng đoàn Thư ký thì đang làm nhiệm vụ của Tổng Thư ký rồi. Giờ theo luật thì tách bạch ra theo quy định mới trong Luật Tổ chức Quốc hội.
Thứ hai là việc bầu chức danh này cũng nhằm thực hiện việc hội nhập về nghị viện. Hiện nay cả thế giới chỉ Việt Nam với Lào có chức danh Chủ nhiệm VPQH thôi, các nước đều chức danh là Tổng Thư ký.
Tất nhiên nhiệm vụ Tổng Thư ký mỗi nước khác nhau nhưng cơ bản giúp việc cho Quốc hội.
Về đãi ngộ thì không có gì khác.
PV: Quốc hội đã bầu Tổng Thư ký thì có bỏ chức danh Chủ nhiệm VPQH không, thưa ông?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Luật đã quy định Tổng Thư ký Quốc hội đồng thời là Chủ nhiệm VPQH. Có một bộ phận liên quan đến giúp việc TTK, có ban thư ký của Quốc hội và vẫn tồn tại Văn phòng Quốc hội.
Ông Tổng Thư ký đồng thời là Chủ nhiệm VPQH, phải lo 2 vai. Hiện nay vẫn đang làm như thế rồi, giờ tách ra thành 2 chức danh. Khi đi công tác nước ngoài thì giới thiệu chức danh là Tổng Thư ký Quốc hội.
PV: Như vậy liệu bộ máy có cồng kềnh?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Bộ máy không thay đổi mà chỉ có Ban thư ký giúp việc cho Tổng Thư ký, trong điều kiện không tăng biên chế, sử dụng chính bộ máy hiện tại.
Giúp việc cho Tổng Thư ký và Chủ nhiệm là cả VPQH chứ không phải riêng Ban thư ký, từ trước đến nay vẫn thế.
Về chức danh Phó Tổng Thư ký hiện đang chờ ý kiến UBTVQH. Chúng tôi cũng đang đề xuất có 1 Phó giúp việc cho Tổng Thư ký và tuân thủ quy định không tăng biên chế, chức danh chỉ là định hình, sử dụng người đang có trong bộ máy.
PV: Xin cảm ơn ông./.